Một bản phúc trình mới của Tổ chức Lao động Quốc tế ILO cảnh báo rằng đến năm 2019 sẽ có hơn 212 triệu người trên khắp thế giới lâm vào cảnh thất nghiệp. Con số này cao hơn so với con số 201 triệu đang thất nghiệp hiện nay. Thông tín viên Lisa Schlein tại Geneva tường trình cho đài VOA về bản phúc trình của ILO về tình trạng công ăn việc làm và triển vọng xã hội trong năm 2015.
Tổ chức Lao động Quốc tế ILO báo cáo hơn 61 triệu công ăn việc làm đã bị mất kể từ khi vụ khủng hoảng kinh tế toàn cầu bắt đầu vào năm 2008, và vì tình hình phục hồi không đáng kể, mức thất nghiệp sẽ gia tăng cho đến cuối thập niên này.
ILO cảnh báo rằng thất nghiệp kèm với những cách biệt trong hiện tượng bất bình đẳng ngày càng mở rộng có thể dẫn tới tình trạng rối loạn gia tăng trong nhiều xã hội. ILO nói một yếu tố châm ngòi cho bất ổn xã hội sẽ là nhưng người trẻ trong độ tuổi từ 15 đến 24, có nguy cơ bị thất nghiệp cao gấp 3 lần so với những người trưởng thành.
Năm 2014, tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ gần tới mức 13%.
Người đứng đầu về nghiên cứu của ILO, ông Raymond Torres nói có một sự liên hệ không thể chối cãi được giữa bất ổn xã hội và thị trường lao động.
“Chúng tôi đã thực hiện một cuộc phân tích, tiếp theo những gì đã được thực hiện trong các tổ chức khác như Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, cho thấy có một sự liên hệ giữa tình trạng bất bình đẳng xã hội và khả năng các nền kinh tế bật trở lại để phục hồi. Trong các nước có tình trạng bất bình đẳng cao, kinh tế khó bật trở lại hơn so với các nước có mức bất bình đẳng thấp.”
Bản phúc trình nhận thấy tình trạng tuyển dụng khá hơn ở Hoa Kỳ và Nhật Bản, nhưng cho biết thêm rằng tỷ lệ thất nghiệp vẫn cao ở nhiều nền kinh tế đã phát triển, nhất là ở Châu Âu.
ILO nêu ra rằng 3 phần tư những người dễ bị thất nghiệp – những người tự làm chủ hay những người làm công việc gia đình không được trả tiền là ở Nam Á và vùng Châu Phi phía nam sa mạc Sahara. ILO nói Châu Phi phía nam sa mạc Sahara có tỷ lệ cao nhất về lao động nghèo và dễ bị thất nghiệp so với tất cả các vùng.
ILO nói virut Ebola ở Tây Phi đã gây thiệt hại đáng kể đối với Guinea, Liberia và Sierra Leone.
Tổng giám đốc ILO Guy Ryder nói 319 triệu công nhân, tức là cứ 1 trong 10 người trên toàn cầu, ở trong tình trạng cực kỳ nghèo khó, với thu nhập chưa tới 1,25 đôla mỗi ngày.
“Mặc dầu các con số liệu đó đã hạ giảm trong những năm gần đây, tỷ lệ hạ giảm đã bị kéo chậm đáng kể trong thời kỳ khủng hoảng. Ngoài ra, cần phải lưu ý rằng giới trung lưu trên toàn cầu tiếp tục gia tăng, và chúng ta định nghĩa giới trung lưu toàn cầu là những người có mức tiêu thụ từ 4 đến 13 đôla đầu người mỗi ngày. Giới này chiếm 34% tổng số thất nghiệp trong thế giới đang phát triển.”
Bản phúc trình nói triển vọng thất nghiệp đã hạ giảm trong vùng Ả Rập và nhiều nơi ở châu Mỹ Latinh và vùng Caribe. Bản phúc trình cho biết triển vọng tuyển dụng trong nhiều nền kinh tế phát triển và nhiều nước Á Châu có thể khá hơn nếu giá dầu và khí đốt tiếp tục hạ.
Nhưng bản phúc trình nêu ra rằng các thị trường lao động sẽ bị tổn hại tại các nước sản xuất dầu khí, nhất là ở châu Mỹ Latinh, châu Phi và vùng Ả Rập.