Người Iran hoan nghênh thoả thuận lịch sử với phương Tây

Sau khi thỏa thuận được công bố hôm thứ Năm, những lời reo hò vang lên tại Tehran, nơi mà hàng trăm người Iran kéo nhau ra ngoài đường, bấm còi xe và vẫy quốc kỳ.

Người dân Iran đang hân hoan đón mừng một thỏa thuận khung với các cường quốc thế giới sẽ giảm thiểu các biện pháp chế tài quốc tế, để đánh đổi việc kiềm chế chương trình hạt nhân của Tehran.

Bộ trưởng Ngoại giao Iran, ông Javad Zarif trở về nước hôm thứ Sáu và được một đám đông người ủng hộ ở Tehran mừng rỡ ra đón, một số người cầm những bảng hiệu có ghi hàng chữ "Tiến sĩ Zarif muôn năm! Tổng thống Hassan Rouhani muôn năm!"

Sau khi thỏa thuận được công bố hôm thứ Năm, những lời reo hò vang lên tại Tehran, nơi mà hàng trăm người Iran kéo nhau ra ngoài đường, bấm còi xe và vẫy quốc kỳ, trong bối cảnh những hy vọng mới về triển vọng sẽ sớm chấm dứt tình trạng cô lập của nước này trên trường quốc tế.

Thỏa thuận đạt được giữa Iran và sáu cường quốc thế giới sau tám ngày đàm phán ráo riết tại thành phố Lausanne bên Thụy Sĩ, tạo nền tảng cho một thỏa thuận chung cuộc sẽ được hoàn tất trước ngày 30 tháng 6.

Giới truyền thông Ả Rập Xê-út hôm nay tường thuật rằng trong một cuộc điện đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, Quốc vương Salman của Ả Rập Xê-út đã bày tỏ hy vọng rằng một giải pháp chung cuộc để giải quyết cuộc tranh chấp hạt nhân,“sẽ củng cố tình trạng ổn định và an ninh trong khu vực cũng như trên thế giới”.

Những nước bày tỏ hoài nghi về thoả thuận này, như Israel và Ả Rập Xê-út, nói rằng Hoa Kỳ và các đối tác của Mỹ nhượng bộ Iran quá nhiều, và để lại cho Iran các phương tiện để chế tạo một quả bom hạt nhân.

Tổng Thống Obama bênh vực

Tổng thống Mỹ Barack Obama bênh vực giá trị của một thỏa thuận khung về hạt nhân đã đạt được với Iran.

Ông Obama hôm qua nói ông tin rằng nếu thỏa thuận sơ bộ dẫn đến một thỏa thuận toàn diện cuối cùng, thì thế giới sẽ an toàn hơn.

Tổng Thống Obama nói: "Thoả thuận khung này sẽ cắt đứt mọi ngả đường mà Iran có thể đi theo để phát triển vũ khí hạt nhân. Iran sẽ phải đối mặt với những hạn chế gắt gao đối với chương trình hạt nhân của họ, và Iran cũng đồng ý cho phép xúc tiến các cuộc thanh sát nghiêm ngặt nhất, có tính cách sâu sát nhất, cũng như một chế độ minh bạch nhất từng được thương lượng với bất kỳ chương trình hạt nhân nào trong lịch sử. Vì vậy, thỏa thuận này không dựa trên sự tin tưởng, mà là dựa trên những cuôc kiểm chứng nghiêm ngặt chưa từng có trước đây".

Iran, Hoa Kỳ và năm cường quốc thế giới lớn khác - Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga và Đức – hôm thứ Năm đã đồng thuận về một thoả thuận khung tại Lausanne, Thụy Sĩ, sau nhiều tháng đàm phán gay go, trong đó thành công thường không chắc chắn.

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif phát biểu: "Tôi hy vọng rằng vào cuối tiến trình này, chúng ta sẽ chứng tỏ rằng thông qua đối thoại và sự tham gia và tôn trọng nhân phẩm của nhau, chúng ta có thể giải quyết những vấn đề, mở ra một chân trời mới và tiến tới phía trước."

Theo thỏa thuận này, Iran sẽ cắt giảm chương trình làm giàu uranium để đổi lấy việc tháo bỏ các biện pháp chế tài, vốn đã gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng cho Iran.

Mehdi Gholamrezaei – một người Iran sống ở Lausanne, Thụy Sĩ có nhận xét: "Kết quả của các cuộc đàm phán có ảnh hưởng lớn trên cả nước. Ít nhất chúng tôi sẽ có thể có quan hệ tốt hơn với chính đất nước của chúng tôi. Trong quá khứ, chúng tôi không có liên hệ nào với các ngân hàng Iran vì các biện pháp trừng phạt. Thoả thuận này sẽ có một tác động tích cực đến nền kinh tế. "

Giới chỉ trích các cuộc đàm phán, đặc biệt là Israel, nói Mỹ và các đối tác sẽ nhượng bộ quá nhiều đối với Iran.

Your browser doesn’t support HTML5

Ông Kerry đưa ra phát biểu với ẩn ý chỉ trích Thủ tướng Israel (VOA60)