Hạ viện Hoa Kỳ hôm 14/12 thông qua đạo luật cấm nhập khẩu từ khu vực Tân Cương của Trung Quốc vì những quan ngại về tình trạng lao động cưỡng bức, một phần nguyên nhân khiến Washington tiếp tục phản đối việc Bắc Kinh đối xử với người thiểu số Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ.
Đạo luật được thông qua bằng cách biểu quyết nhất trí, sau khi các nhà lập pháp đồng ý về một thỏa hiệp loại bỏ những khác biệt giữa các dự luật được đưa ra tại Hạ viện và Thượng viện.
Hạ viện tuần trước đã thông qua phiên bản của dự luật, nhưng dự luật này thất bại khi đưa tới Thượng viện. Tuy nhiên, Thượng viện dự kiến sẽ thông qua phiên bản thỏa hiệp sớm nhất vào ngày 15/12 và gửi đến Nhà Trắng, nơi Tổng thống Joe Biden nói ông sẽ ký thành luật.
Phát biểu trong một tuyên bố, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nói: “Chính quyền sẽ phối hợp chặt chẽ với Quốc hội để thực hiện dự luật này nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng toàn cầu không có lao động cưỡng bức, đồng thời làm việc với các chuỗi cung ứng chính trong nước và đối tác, bao gồm lĩnh vực bán dẫn và năng lượng sạch”.
Các đảng viên Cộng hòa và Dân chủ tại Hạ viện và Thượng viện đã tranh cãi về dự luật liên quan đến người Duy Ngô Nhĩ trong nhiều tháng.
Thỏa hiệp giữ một điều khoản cấu thành một “giả định có thể bác bỏ” rằng tất cả hàng hóa từ Tân Cương, nơi chính phủ Trung Quốc đã thiết lập một mạng lưới trại giam người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm Hồi giáo khác, đều được thực hiện bằng lao động cưỡng bức, nhằm cấm nhập khẩu hàng hoá như vậy.
Trung Quốc phủ nhận các vụ lạm dụng nhân quyền ở Tân Cương, vốn là nơi cung cấp nhiều nguyên liệu cho thế giới để làm các tấm pin mặt trời. Nhưng chính phủ Hoa Kỳ và nhiều nhóm nhân quyền cho rằng Bắc Kinh đang thực hiện hành vi diệt chủng tại đây.
Các đảng viên Cộng hòa cáo buộc đảng Dân chủ của ông Biden chậm ban hành đạo luật vì nó sẽ làm phức tạp chương trình nghị sự về năng lượng tái tạo của tổng thống. Đảng Dân chủ bác bỏ cáo buộc này.