Tổng thống Hàn Quốc sẽ gửi một phái đoàn đặc biệt đến Bắc Triều Tiên vào tuần tới để đàm phán về sự bế tắc trong giải trừ hạt nhân và để chuẩn bị cho một hội nghị thượng đỉnh giữa hai miền được dự trù vào tháng sau, văn phòng phủ tổng thống cho biết hôm thứ Sáu ngày 31/8.
Chuyến đi vào ngày 5/9 của phái đoàn này diễn ra giữa lúc đang có nhiều lo lắng về tốc độ giải trừ hạt nhân chậm chạp của Bình Nhưỡng kể từ cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ở Singapore hồi tháng Sáu.
Sau cuộc gặp, ông Trump đã tuyên bố cuộc gặp là ‘thành công’ và ông đã giúp giải quyết được mối họa vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Nhưng kể từ đó ngày càng có nhiều nghi ngờ đối với việc ông Kim sẵn lòng từ bỏ kho vũ khí hạt nhân của mình. Nhiều nhà phân tích lâu nay đã nhận định rằng ông Kim xem vũ khí hạt nhân là phương tiện quan trọng để giúp ông nắm quyền.
Ông Kim và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in dự kiến sẽ gặp nhau lần nữa vào tháng tới ở Bình Nhưỡng trong cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ ba. Các chi tiết của cuộc gặp chẳng hạn như thời gian chính xác, vẫn chưa được công bố.
Thông cáo của Phủ Tổng thống Hàn Quốc cho biết nước này hôm 31/8 đã gửi một thông điệp đến Bình Nhưỡng đề xuất họ sẽ gửi đặc sứ và Bình Nhưỡng đã đồng ý.
“Phái đoàn đặc sứ sẽ thảo luận sâu rộng với phía Bắc Triều Tiên, bao gồm lịch trình cụ thể cho hội nghị thượng đỉnh Liên Triều sắp tới và sự phát triển của quan hệ giữa hai miền Triều Tiên cũng như việc giải trừ vũ khí hạt nhân và hòa bình trên bán đảo Triều Tiên,” thông cáo viết.
Tuy nhiên, văn phòng ông Moon cho biết họ vẫn chưa quyết định sẽ phái ai đi Bình Nhưỡng và thời gian họ sẽ lưu lại đó là bao lâu.
Tuyên bố gửi phái đoàn Hàn Quốc đến Triều Tiên diễn ra chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Trump gác sang một bên chuyến công du đến Bình Nhưỡng của Ngoại trưởng Mike Pompeo với lý do là thiếu tiến triển trên hồ sơ phi hạt nhân hóa. Bắc Triều Tiên cho đến nay vẫn chưa phản hồi về động thái của ông Trump.
Ông Trump đã dồn dập chỉ trích Trung Quốc về những vấn đề đối với Triều Tiên. Ông cáo buộc Bắc Kinh ‘giật dây’ Bình Nhưỡng do căng thẳng thương mại hiện tại giữa Mỹ và Trung và rằng Bắc Kinh đã vi phạm các lệnh cấm vận của quốc tế khi cung cấp tiền bạc, năng lượng, phân bón và những mặt hàng thiết yếu khác cho Bắc Triều Tiên
Cho đến nay, Triều Tiên đã ngưng các vụ thử tên lửa và hạt nhân, đóng cửa địa điểm thử hạt nhân và tháo dỡ các bộ phận của các cơ sở quan trọng tại điểm phóng hỏa tiễn chính. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nước ngoài tin rằng bao nhiêu đó là chưa đủ để chứng tỏ Bình Nhưỡng nghiêm túc giải trừ hạt nhân.
Vấn đề trung tâm của bế tắc hiện nay là việc Bắc Triều Tiên yêu cầu tuyên bố chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên trong khi Hoa Kỳ trước hết muốn nước này đệ trình bản danh sách kho vũ khí hạt nhân của họ và có những bước đi mạnh mẽ để phi hạt nhân hóa.
Tuyên bố chấm dứt chiến tranh sẽ cho phép Bình Nhưỡng kêu gọi ký hiệp ước hòa bình chính thức và điều này sẽ dẫn đến Mỹ rút 28.500 quân đang đóng ở Hàn Quốc.