Hungary hôm 29/1 báo hiệu sẵn sàng cho một thỏa hiệp cho phép dùng ngân sách của khối để chi cho gói viện trợ mà Liên minh châu Âu đề xuất cho Ukraine trước hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp vào ngày 1/2 tới.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban là người chỉ trích mạnh mẽ hỗ trợ tài chính và quân sự của EU cho Kyiv và duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Điện Kremlin kể từ khi Nga xâm lược Ukraine hồi tháng 2 năm 2022.
Trước đó, ông đã chặn việc sửa đổi ngân sách EU trong đó có viện trợ cho Ukraine, khiến các nhà lãnh đạo khối phải đưa ra kế hoạch B và triệu tập hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp.
Tuy nhiên, trong một thay đổi lớn, giám đốc chính trị của Thủ tướng Orban hôm 29/1 cho biết Hungary sẵn sàng sử dụng ngân sách EU để giải ngân cho gói viện trợ trị giá 50 tỷ euro (tức 54 tỷ đô la Mỹ) đề xuất cho Ukraine.
Quan chức này, ông Balazs Orban, đã xác nhận trên X rằng Budapest đã gửi đề xuất tới Brussels hôm 27/1, trong đó cho thấy họ sẵn sàng sử dụng ngân sách EU cho gói viện trợ và phát hành gói nợ chung của EU để lấy tiền tài trợ nếu thêm vào các ‘cảnh báo’ khác.
Tờ Financial Times dẫn một tài liệu của EU hôm 28/1 cho biết khối này sẽ làm tổn hại nền kinh tế Hungary nếu Budapest chặn viện trợ cho Ukraine tại hội nghị thượng đỉnh trong tuần này.
“Tài liệu này, được các quan chức Brussels soạn thảo, chỉ xác nhận những gì Chính phủ Hungary đã nói lâu nay: việc tiếp cận ngân quỹ EU được Brussels sử dụng để tống tiền chính trị,” Janos Boka, Bộ trưởng các vấn đề EU của Hungary, viết trên X.
Một quan chức cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) hôm 29/1 phủ nhận rằng các nước thành viên đang thảo luận về biện pháp cưỡng ép tài chính để buộc Hungary đồng ý tài trợ cho Ukraine.
Tài liệu được Financial Times trích dẫn ‘không phác thảo bất kỳ kế hoạch cụ thể nào’, quan chức này cho biết.
Trong trường hợp Hungary không đồng ý với gói viện trợ ban đầu, các nhà lãnh đạo EU đã đề xuất một cách lách qua bằng cách đạt được thỏa thuận giữa 26 nước thành viên và Ukraine. Thỏa thuận này sẽ không cho Budapest tiếp cận các ngân quỹ liên kết của EU, chẳng hạn như ngân quỹ cho di cư.
EU đã neo lại khoản tiền lớn cho Hungary vì lo ngại Budapest đã làm tổn hại nguyên tắc kiểm soát và cân bằng trong nền dân chủ ở nước này. EU đã tháo khoán một phần quỹ đó vào cuối năm ngoái, nói rằng Budapest đã thực hiện cải cách tư pháp nhưng khoảng 20 tỷ euro vẫn bị đang đóng băng.