Hun Sen: ‘Nhờ Việt Nam, Campuchia mới có được ngày hôm nay’

Thủ tướng Campuchia Hun Sen phát biểu ở Phnom Penh hôm 21/3 năm 2022.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với chính quyền và nhân dân Việt Nam đã cưu mang, cứu mạng sống của ông vào 45 năm trước khi ông tìm đường sang Việt Nam để chạy trốn chế độ Pol Pot.

Ông Hun Sen đưa ra phát biểu này với người dân địa phương khi đến thăm khu vực lối mở thuộc xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước – nơi mà ông lần đầu tiên bước chân sang Việt Nam để tìm kiếm sự giúp đỡ vào ngày 20/6 năm 1977.

Chuyến đi sang Việt Nam này là một hoạt động trong chương trình kỷ niệm 45 năm ông Hun Sen ra đi ‘tìm đường cứu nước’ có tên gọi ‘Con đường tiến tới đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot’.

‘Cứu đói, cứu mạng’

Trước đó, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã sang Campuchia dự lễ kỷ niệm và cùng đi với ông Hun Sen về xã Lộc Tấn. Hai vị thủ tướng đã đến thắp hương, trồng cây lưu niệm tại bia tưởng niệm địa điểm X-16 – nơi ghi dấu chân đầu tiên của ông Hun Sen ở Việt Nam.

“Bước chân sang Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước, bữa cơm đầu tiên tôi được ăn sau hàng năm trời đói khổ có ý nghĩa hơn hàng vạn tấn gạo lúc bình thường,” ông Hun Sen được Thông tấn xã Việt Nam dẫn lời nói với người dân xã Lộc Tấn.

“Tính mạng của tôi được bảo toàn. Nếu không có sự giúp đỡ của nhân dân Việt Nam thì có thể không có một Hun Sen cũng như Campuchia như hiện nay,” ông Hun Sen nói thêm.
Ông Hun Sen cho rằng sự giúp đỡ của người dân Việt Nam ‘thể hiện tinh thần hữu nghị trong sáng, tốt đẹp giữa hai nước’ và bày tỏ mong muốn quan hệ song phương sẽ ‘mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững’, cũng theo hãng tin nhà nước Việt Nam.
Ông cho rằng quan hệ Campuchia-Việt Nam trong 45 năm qua ngày càng phát triển và sâu sắc trên tất cả các lĩnh vực và cho biết đã thống nhất xây dựng khu vực biên giới này thành biểu tượng quan hệ giữa hai nước.

Thủ tướng Campuchia cũng gửi lời cảm ơn đến Đảng Cộng sản Việt Nam và chính quyền Việt Nam cách nay 45 năm đã giúp ông lập căn cứ, xây dựng lực lượng để sau này về nước lật đổ Pol Pot, cảm ơn ‘quân tình nguyện Việt Nam’ đã ‘hy sinh xương máu cứu nhân dân Campuchia khỏi nạn diệt chủng’, theo tường thuật của tờ Tuổi Trẻ.

‘Bất công cho Việt Nam’

Tuy nhiên, việc Việt Nam đưa ‘quân tình nguyện’ vào Campuchia đã bị cộng đồng quốc tế lúc đó lên án là ‘xâm lược’ khiến Việt Nam chịu sự lên án, cô lập và cấm vận trong thời gian dài. Ông Hun Sen đã gọi điều này là ‘bất công’ cho Việt Nam và khẳng định phiên tòa quốc tế xét xử các lãnh đạo Khmer Đỏ sau đó ‘đã lấy lại công bằng cho Việt Nam’, theo tường thuật của Đài Truyền hình Việt Nam.

Trước đó, phát biểu tại Lễ kỷ niệm ở Campuchia, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói rằng Việt Nam rút quân về nước vào năm 1989 ‘trong niềm tự hào, vinh quang, với những tình cảm lưu luyến, thắm thiết nghĩa tình của nhân dân Campuchia anh em; hoàn thành nghĩa vụ quốc tế cao cả, vẻ vang, vô tư, trong sáng, hiếm có’.

Tuy nhiên, khác với những lời lẽ có cánh của lãnh đạo hai nước, giữa Việt Nam và Campuchia vẫn tồn tại những ngờ vực, nghi ngại lẫn nhau.

Phnom Penh lâu nay vẫn được xem là đồng minh thân cận nhất của Bắc Kinh trong khối ASEAN, và trong bối cảnh Hà Nội và Bắc Kinh có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, Phnom Penh đã nhiều lần thể hiện lập trường đứng về phía Trung Quốc và phá vỡ sự đồng thuận chung của ASEAN trước Bắc Kinh.

Mới đây nhất, Phnom Penh còn cho phép Trung Quốc xây dựng căn cứ hải quân Ream ở Sihanoukville trên Vịnh Thái Lan sát lãnh thổ Việt Nam và cho di dời tòa nhà ‘Hữu nghị Việt Nam-Campuchia’ do phía Việt Nam xây dựng ra khỏi căn cứ để tránh xung đột với phía Trung Quốc, theo tờ Washington Post.

Đảng đối lập lớn nhất trước đây của Campuchia do ông Sam Rainsy lãnh đạo mà hiện đã bị chính quyền ông Hun Sen giải thể đã nhiều lần cáo buộc Việt Nam ‘chiếm đất của Campuchia’.

Năm 2022 đã được hai nước xác định là ‘Năm Hữu nghị Việt Nam-Campuchia’ với nhiều hoạt động kỷ niệm.