Hiện tại trong năm quốc gia thuộc “Năm mắt”, chỉ có Úc là đã quyết định dứt khoát cấm hoàn toàn các thiết bị của Huawei cho công nghệ 5G của mình. Trước khi cả Hoa Kỳ liệt kê Huawei, và ZTE, vào danh sách những công ty nằm trong sổ đen vào tháng 5 năm nay.
Ba quốc gia còn lại, bao gồm Tân Tây Lan, Canada và Anh quốc vẫn chưa quyết định dứt khoát. Lập trường của Tân Tây Lan cho đến nay là tuy Huawei là “một rủi ro an ninh mạng đáng kể”, và mặc dầu được chia sẻ các thông tin tình báo giữa Năm Mắt, quyết định sau cùng vẫn là của Tân Tây Lan, và có thể Huawei không bị loại hoàn toàn nếu rủi ro có thể quản lý được. Tuy thế, vẫn chưa có quyết định nào sau cùng từ Tân Tây Lan về Huawei.
Anh cũng thế. Trước đây dự đoán phải chờ đến gần cuối năm mới có quyết định. Nhưng vì lý do Brexit đưa đến sự tê liệt của chính quyền và quốc hội Anh dẫn đến sự đình trệ về quyết định đối với Huawei. Bây giờ phải chờ sau cuộc bầu cử toàn quốc ngày 12 tháng 12. Ngay cả khi Boris Johnson có thắng cử thì thời gian thành lập nội các, chính phủ và sắp xếp nhân sự vào các cơ quan hành pháp sẽ phải dời quyết định về Huawei sớm nhất là đầu năm 2020.
Tương tự, Canada chỉ mới bầu lại cuối tháng 10 vừa qua. Justin Trudeau đã tái đắc cử tuy chỉ nắm chính quyền thiểu số. Nhưng cũng cần thêm thời gian để quyết định về số phận của Huawei. Theo thăm dò ý kiến thì nửa dân số Canada cho biết rằng sẽ là một lỗi lầm nếu để cho Huawei trở thành một tác nhân trọng yếu cho nền công nghệ tới, mặc dầu đa số vẫn không ủng hộ việc cấm Huawei hoàn toàn.
[Bài viết của Huong Le Thu, đăng trên Global Asia, và được phép đăng lại trên The Strategist của Viện Chính sách Chiến lược Úc, trình bày một số chi tiết quan trọng về an ninh mạng và địa chính trị của công ty Huawei đối với các quốc gia tại Đông Nam Á.]
Chính sách bảo vệ chủ quyền của Úc
Trong trường hợp Úc, chính quyền Úc đã chính thức công bố quyết định cấm Huawei vào ngày 23 tháng 8 năm 2018 chủ yếu vì an ninh mạng, và qua đó an ninh quốc gia. Bản thông cáo báo chí viện dẫn lý do như sau: khi những người cung cấp (vendor) có khả năng nhận chỉ thị một cách bất hợp pháp từ một chính quyền nước ngoài mà có những xung khắc với luật pháp của Úc, nó có thể đưa đến rủi ro thất bại trong việc bảo vệ mạng 5G từ những truy cập hay can thiệp bất chính. Thông cáo báo chí này xuất phát từ văn phòng của Bộ trưởng Truyền thông và Nghệ thuật Mitch Fifield và Bộ trưởng Ngân khố Scott Morrison, đồng thời là Quyền Bộ trưởng Nội vụ (và sau đó vài hôm thì lên làm Thủ trướng, vì trong lúc đó xảy ra sự thách thức lãnh đạo đối với Thủ tướng đương nhiệm Malcolm Turnbull).
Thật ra, người hoàn toàn đứng đàng sau quyết định này là ông Turnbull. Sau khi từ nhiệm, khi không còn là thủ tướng Úc nữa, ông Turnbull mới mạnh mẽ lên tiếng cũng như công khai chia sẻ lập trường này với Hoa Kỳ lẫn Anh quốc vào nhiều dịp khác nhau khi gặp ông Donald Trump và bà Theresa May. Ông cũng khẳng khái trình bày quan điểm này tại các hội nghị lớn, như Tương lai Á châu tại Nhật vào ngày 31 tháng 5 năm nay. Ông Turnbull cho biết Úc là quốc gia đầu tiên quyết định như thế, không phải vì một quốc gia khác bảo Úc phải làm thế, khoan nói đến các lý do bảo hộ (protectionist reasons), nhưng vì để bảo vệ chủ quyền và để ngăn chận (hedge against) những tổn thất có thể đến trong thời điểm luôn thay đổi này.
Ông Turnbull hiểu rõ rằng công nghệ 5G là mạng liên kết của mọi thứ (Internet of things). Nó là nền tảng của kỹ nghệ tự động, xe hoặc máy bay không người lái, của mọi sự liên kết giữa cá nhân và thực thể trên bình diện toàn cầu, cũng như an ninh và quốc phòng. Nhưng Trung Quốc là quốc gia đã xâm nhập nhiều nhất vào các cơ quan chính quyền, các công ty kỹ nghệ cao cấp và các trường đại học và viện nghiên cứu Úc trong thời gian qua, và trên khắp thế giới. Hơn nữa, tuy Huawei hiện nay có lẽ chưa nguy hiểm và chưa là mối đe dọa, nhưng những công ty Trung Quốc đòi hỏi bởi luật tình báo của nước này là phải ủng hộ và trợ giúp chính quyền và các dịch vụ tình báo của họ khi cần. Ông Turnbull khẳng định rằng quyết định cấm Huawei, cũng như thông qua luật can thiệp nước ngoài (foreign inference) không phải là để chống lại Trung Quốc, mà chủ yếu là để bảo vệ chủ quyền của nước Úc.
Đe dọa là khả năng cộng với ý đồ
Mỗi chúng ta đều đối diện với đe dọa, và rủi ro, mỗi ngày. Ở mức độ lớn hay nhỏ. Mỗi công ty, lớn hay nhỏ, cũng như mỗi quốc gia, đều đối diện với những đe dọa và rủi ro hàng ngày.
Nhưng đe dọa (threat) và rủi ro (risk) là gì, và khác nhau chỗ nào?
Theo tự điển Oxford thì đe dọa là một tuyên bố với ý định (răng đe) gây đau đớn, vết thương, thiệt hại hoặc các hành động thù nghịch khác lên những người khác để trả thù vì những gì đã làm hoặc không làm. Nó cũng có nghĩa con người hay cái gì đó có khả năng gây hư hại hoặc nguy hiểm. Còn rủi ro là tình huống liên quan đến sự đối diện với nguy hiểm; hoặc khả năng mà những điều không hay hoặc không muốn xảy ra; hoặc người hay vật được xem là mối đe dọa, hoặc có thể là nguồn của mối nguy hiểm.
Định nghĩa của Oxford nhấn mạnh sự khác biệt về khả năng và xác suất. Nhưng khi đọc xong, nó có thể làm cho chúng ta thêm bối rối.
Theo một bài viết vào tháng Tư năm 2010 của tiến sĩ David Strachan-Morris, một chuyên gia về tình báo và an ninh, thì sự khác biệt giữa đe dọa và rủi ro được phân tích rõ ràng hơn.
Strachan-Morris định nghĩa như sau.
Một cách đơn giản, 'mối đe dọa' là một chức năng về khả năng của kẻ thù, và ý định tiến hành các cuộc tấn công, trong khi 'sự rủi ro' là một chức năng về xác suất mà tổ chức của bạn sẽ tham gia vào một cuộc tấn công (có thể là một mục tiêu cố tình hoặc chỉ vì ở lầm chỗ vào lầm thời gian) và tác hại mà một cuộc tấn công như vậy sẽ gây ra. Đơn giản hơn nữa, ‘mối đe dọa’ = khả năng x (nhân với) ý định, trong khi ‘rủi ro’ = xác suất x tác hại.
[Bài này chỉ tập trung bàn về mối đe dọa.]
Theo Gary Langham thì để đo lường mối đe dọa, thì ngoài yếu tố là nó có hiện thực và khả tín không, còn các yếu tố quan trọng khác nữa. Bao gồm:
Nguồn lực (resources): đối thủ/kẻ thù có đủ nguồn lực, như vật chất/liệu và con người.
Khả năng: Kỹ năng, kiến thức và khả năng của đối thủ.
Ý đồ: Động cơ nào để tấn công? Trong đây phải xem xét hành xử trong quá khứ cũng như hiện tại để có thể lượng giá tương lai.
Tiền lệ: Có đe dọa tương tự đã thành từng xảy ra? Khi nào, nơi nào và cách nào?
Xác suất: Cơ hội để mối đe dọa xảy ra nữa là gì?
Công thức này giúp chúng ta nhận định và đánh giá rõ hơn về mối đe dọa, nhất là từ phương Bắc. Bắc họa.
Vài kết luận
Trong các quyết định về Huawei của Úc cũng như đề ra và tu chính các luật can thiệp nước ngoài và tình báo, ông Turnbull tuy không nói thẳng ra, nhưng quan điểm của ông về mối đe dọa của Trung Quốc là rõ ràng và dứt khoát. Nghĩa là rất cao và không thể chấp nhận được.
Ông Turnbull nhấn mạnh: “Điều quan trọng nên nhớ là đe dọa là sự kết hợp giữa khả năng và ý định/đồ. Khả năng có thể mất nhiều năm hay thế kỷ mới phát triển được, nhưng ý đồ có thể thay đổi trong một nhịp tim”.
Ông Turnbull không thù ghét gì Trung Quốc. Con dâu ông là người Trung Quốc. Ông là một trong những người cấp tiến nhất còn lại trong Đảng Cấp tiến (Liberal Party of Australia), luôn cổ võ cho chính sách đa văn hóa. Nhưng ông cũng rất thực tiễn (realist) và may mắn có những người cố vấn am tường lịch sử và văn hóa Trung Quốc, như John Garnaut, chẳng hạn, trước mối hiểm họa và đe dọa mà Trung Quốc đã thể hiện qua cách hành xử tại Biển Đông và qua các hành động đáng quan ngại của họ ngay trên địa bàn Úc.
Người Việt là một trong những dân tộc thấu hiểu Trung Quốc hơn ai hết qua lịch sử mấy ngàn năm tiếp xúc. Người dân bình thường cũng hiểu rõ mối đe dọa tiềm tàng xưa và nay, nhất là khi thể chế chính trị Trung Quốc đang nằm dưới sự cai trị độc tài của đảng cộng sản, và một ông vua thời nay tên Tập Cận Bình. Một số đảng viên hay cựu đảng viên cộng sản cũng lên tiếng cảnh báo hiểm họa này, như cựu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh. Trong khi đó, người đứng đầu quốc gia, sau hơn ba tháng xảy ra vụ Bãi Tư Chính, ông Nguyễn Phú Trọng mới chính thức đề nghị phân tích, dự báo về tình hình Biển Đông.
Trời đất ơi, chuyện an ninh và đại sự quốc gia hàng đầu mà ĐCSVN đối phó và giải quyết như thế sao! Bấy lâu nay ông Trọng và lãnh đạo hàng đầu của đảng làm gì, nghĩ gì và có sách lược gì về Biển Đông nói riêng và an ninh quốc phòng nói chung đối với Trung Quốc, mà người dân Việt Nam hoàn toàn không được biết gì cả. Trong khi đó, nếu phân tích kỹ lưỡng bằng các công thức đề nghị trên của Gary Langham và David Strachan-Morris thì hiểm họa của Trung Quốc đối với Việt Nam vượt xa hoàn toàn đối với Úc hay các quốc gia khác.