Việt Nam nằm trong số ít nhất 83 chính phủ trên thế giới đã dùng đại dịch Covid-19 để biện minh cho hành động vi phạm quyền tự do ngôn luận và hội họp ôn hòa của người dân, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) nói trong một phúc trình vừa được công bố ngày 11/2.
Trong số những hình thức vi phạm nhân quyền phổ biến như tấn công, giam giữ, truy tố, trấn áp các cuộc biểu tình ôn hòa, đóng cửa các cơ quan truyền thông, ban hành những điều luật mơ hồ để hình sự hóa những phát ngôn mà các chính quyền cho là đe dọa đến sức khỏe cộng đồng, HRW cho rằng sự can thiệp bất hợp pháp vào quyền tự do ngôn luận là một trong những hình thức phổ biến nhất. Việt Nam, Trung Quốc, Cuba, Ai Cập, Ấn Độ, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Venezuela là những quốc gia bị cho là đã có những vi phạm về quyền tự do ngôn luận ảnh hưởng đến hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người.
“Các chính phủ nên chống lại COVID-19 bằng cách khuyến khích mọi người đeo khẩu trang, chứ không phải bịt miệng họ”, Giám đốc phụ trách về khủng hoảng và xung đột của HRW, Gerry Simpson, nói trong phúc trình mới.
“Đánh đập, giam giữ, truy tố và kiểm duyệt những người chỉ trích ôn hòa vi phạm nhiều quyền cơ bản, bao gồm quyền tự do ngôn luận, trong khi không có tác dụng gì trong việc ngăn chặn đại dịch”, ông Gerry Simpson nói thêm.
Báo cáo của HRW cho biết kể từ tháng 1 năm 2020, chính phủ ở ít nhất 24 quốc gia đã ban hành các điều luật và quy định mơ hồ nhằm hình sự hóa việc phát tán thông tin bị cho là sai lệch hoặc những bản tin khác về Covid-19 mà chính quyền cho rằng đe dọa đến công chúng.
Vẫn theo phúc trình của tổ chức nhân quyền quốc tế, có ít nhất 7 quốc gia đã ngăn chặn các báo cáo tin tức riêng lẻ hoặc yêu cầu người dùng mạng xã hội xóa phải chỉnh sửa nội dung liên quan đến Covid-19, trong số các quốc gia này có Việt Nam.
“Các nhà chức trách Việt Nam đã triệu tập 650 người dùng Facebook từ tháng 1 đến tháng 3 để thẩmm vấn họ về việc công bố thông tin sai lệch liên quan đến đại dịch, buộc tất cả họ phải xóa bài đăng của mình và phạt hơn 160 người trong số họ”, phúc trình của HRW nêu.
Tổ chức Theo dõi Nhân quền nói luật Việt Nam không chỉ nhắm vào thông tin không chính xác, mà còn cả những thông tin bị cho là bôi nhọ, xúc phạm uy tín, danh dự của người khác.
Những nạn nhân của tình trạng vi phạm nhân quyền trong thời gian diễn ra đại dịch bao gồm các nhà báo, blogger, những người đăng bài trực tuyến, các nhân vật đối lập, các nhà hoạt động, người biểu tình, học giả, nhân viên y tế, sinh viên, luật sư và các nghệ sĩ, vẫn theo HRW.