HRW: Việt Nam gia tăng sách nhiễu người Thượng theo đạo Tin Lành

Phó Giám đốc đặc trách châu Á của HRW cho biết: “Ở Việt Nam, người Thượng đối mặt với sự đàn áp nghiêm trọng, nhất là những người đi lễ tại các nhà thờ tại gia độc lập, vì chính quyền không dung thứ cho những hoạt động tôn giáo ngoài tầm kiểm soát của mìn

Việt Nam gia tăng sự đàn áp nhắm vào những người Thượng theo đạo Tin Lành, buộc hàng trăm người phải bỏ đạo.

Hãng thông tấn Pháp trích thuật một bản phúc trình mới đây của tổ chức nhân quyền Human Rights Watch cho biết như thế hôm thứ Năm.

Tổ chức có trụ sở chính ở Mỹ này cũng kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ đưa Việt Nam trở lại vào danh sách các quốc gia cần đặc biệt quan tâm về tự do tôn giáo, thường được gọi tắt là danh sách CPC.

Phúc trình cho biết trong vài tháng qua, chính phủ Việt Nam đã gia tăng sự sách nhiễu đối với những người Cơ đốc giáo ôn hòa thuộc các sắc dân thiểu số ở vùng Tây Nguyên, nhắm vào những thành viên của các nhà thờ tại gia không đăng ký.

Hơn 70 người Thượng đã bị bắt và tạm giữ, tính riêng trong năm 2010, và hơn 250 người được ghi nhận đã bị cầm tù với các tội danh liên quan tới an ninh quốc gia.

Báo cáo dài 46 trang này nói thêm rằng giới hữu trách Việt Nam đã gia tăng nhân viên an ninh trong vùng để lùng bắt những người Tin Lành Dega, một nhóm đòi tự trị được thành lập bởi những người Thượng lưu vong ở Mỹ.

Thông cáo báo chí của Human Rights Watch trích lời ông Phil Robertson, Phó Giám đốc đặc trách châu Á của tổ chức này, nói rằng “Ở Việt Nam, người Thượng phải đối mặt với sự đàn áp nghiêm trọng, nhất là những người đi lễ tại các nhà thờ tại gia độc lập, vì chính quyền không dung thứ cho những hoạt động tôn giáo ngoài tầm kiểm soát của mình.”

Vào năm 2006 Việt Nam đã được đưa ra khỏi CPC, là danh sách hiện có tên các nước Miến Điện, Trung Quốc, Eritrea, Iran, Bắc Triều Tiên, Ả rập Xê-út, Sudan và Uzbekistan.

Chính phủ Hoa Kỳ lâu nay vẫn thường xuyên chỉ trích tình trạng tự do tôn giáo bị hạn chế ở Việt Nam. Tuy nhiên, cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Michael Michalak, cho biết hồi tháng giêng năm ngoái trong một công điện ngoại giao mật bị trang mạng Wikileaks tiết lộ rằng mặc dù vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại nhưng Việt Nam nên được ghi công về những sự cải thiện về mặt tự do tôn giáo kể từ khi được đưa ra khỏi danh sách CPC.

Giới hữu trách Hà Nội chưa bình luận gì về bản phúc trình của Human Rights Watch, nhưng họ đã nhiều lần phủ nhận những tố cáo trước đây về việc vi phạm quyền tự do tôn giáo.

Nguồn: AP, AFP, IRIN, HRW