Một báo cáo của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) nói trẻ em người Kurd trong khoảng độ tuổi từ 14 đến 16 đã bị tra tấn và ngược đãi trong khi bị nhóm chủ chiến Nhà nước Hồi giáo giam cầm ở Syria.
Tổ chức nhân quyền có trụ sở tại New York cho biết nhóm Nhà nước Hồi giáo hồi tháng 5 vừa qua đã bắt cóc khoảng 250 trẻ em người Kurd khi các em đang trên đường về nhà ở thị trấn Kobani của Syria sau khi dự thi ở trường tại thành phố Aleppo.
Những kẻ chủ chiến ban đầu thả 100 em gái, nhưng vẫn giữ 153 em trai. Đối với những em trai, đó là sự khởi đầu của hàng tháng chịu đựng đau thương và ngược đãi, theo nhà nghiên cứu cao cấp về Thổ Nhĩ Kỳ Emma Sinclair Webb của tổ chức Theo dõi Nhân quyền:
"Những em nhỏ bị bắt xem những video quay cảnh chiến trận và cảnh chặt đầu của ISIS. Các em cũng phải trải qua giáo dục tôn giáo và một chế độ cầu nguyện và học tập nghiêm ngặt, và cũng thường xuyên bị đánh đập và tra tấn."
Một số em trốn thoát được trong khi những em khác được trao đổi lấy những chiến binh bị bắt giữ bởi lực lượng dân quân người Kurd bảo vệ Kobani, hiện đang bị bao vây bởi lực lượng của IS.
25 em cuối cùng đã được thả vào tuần trước và hầu hết các em được cho là xuất thân từ các gia đình có liên hệ với đảng PYD của người Kurd ở Syria.
Nhà nghiên cứu Webb của tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết sự ngược đãi tàn tệ nhất xảy ra đối với những em có liên hệ với lực lượng dân quân đang chiến đấu với những kẻ chủ chiến ở Kobani:
"Các em nói với chúng tôi rằng những em nào bị những kẻ bắt giữ coi là gần gũi với lực lượng YPG thì bị đem ra ngược đãi tàn tệ nhất. Và những hình thức tra tấn tàn ác nhất gồm có nhét các em vào một lốp xe và đánh đập các em trong tư thế đó, cũng như treo các em lên, trói quặt tay sau lưng, trói chân lại, và treo lên trần nhà."
Dù được thả ra nhưng sự kiện này không đặt dấu chấm hết cho trải nghiệm đau thương của các em, bà Webb nói:
"Các em không thể quay trở lại Kobani mà phải tìm đường đến Thổ Nhĩ Kỳ, vì Kobani đang bị vây hãm. Vì vậy các em tìm đường đến Thổ Nhĩ Kỳ và gặp lại gia đình của mình trong thị trấn Suruc ở vùng đông nam, nơi mà chúng tôi phỏng vấn các em."
Nhóm nhân quyền cho biết những trải nghiệm này một lần nữa nêu bật lên tình trạng trẻ em tiếp tục là một trong những nạn nhân chính của cuộc nội chiến đang diễn ra ở Syria và cuộc xung đột ở Iraq. Bà Webb nói hành vi ngược đãi trẻ em không chỉ giới hạn ở nhóm Nhà nước Hồi giáo:
"Hành vi ngược đãi trẻ em do ISIS thực hiện cần được hiểu trong bối cảnh rộng hơn của thảm kịch xung đột đã ảnh hưởng tới trẻ em. Việc tản cư, những vụ giết chóc và cơ bản toàn bộ những thế hệ giờ có thể không được học hành bởi vì họ bị buộc phải tản cư và sống như người tị nạn ở các nước lân cận."
Bà Webb nói vì trẻ em bị bắt cóc hiện đang sống với gia đình trong các trại tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ hoặc với họ hàng ở Thổ Nhĩ Kỳ, có phần chắc các em sẽ không nhận được bất kỳ sự tư vấn hoặc điều trị cho những trải nghiệm đau thương mà các em đã trải qua.