Các công nhân Philippines và các đoàn thể bênh vực quyền của người nhập cư đã vây quanh lãnh sự quán Philippines tại Hồng Kông để phản đối lệ phí mới trong việc cấp hộ chiếu. 16 ngàn người đã ký một thỉnh nguyện thư để phản đối giá phí mới, tăng gấp ba so với giá hộ chiếu cấp tại Philippines.
Người Philippines tại Hồng Kông phải trả chừng 60 đô la cho hộ chiếu điện tử mới, nhưng tại quốc nội, lệ phí này chỉ có 20 đô la.
Hơn 100 ngàn người Philippines sống tại đây, hầu hết làm nghề giữ trẻ cho các gia đình, giúp việc nhà và tài xế. Phần lớn kiếm được chừng 450 đô la một tháng, và họ nói rằng giá hộ chiếu quá cao so với đồng lương của họ. Một công nhân cho biết:
"Đắt quá. 510 đô la Hồng Kông, đến hơn 3 ngàn peso tại Philippines. Sao lại lạ thế? Với cái giá này tôi có thể lấy được 3 cái hộ chiếu."
Những công nhân này muốn tân Tổng thống Benigno Aquino của họ phải làm một điều gì đó giúp giảm bớt lệ phí hộ chiếu.
Giới công nhân xuất khẩu lao động đã nộp thỉnh nguyện thư lên chính quyền Aquino xin giúp đỡ. Vào tháng Sáu, tổ chức có tên là UNIFIL HK, chuyên bảo vệ quyền của những người Philippines làm việc ở hải ngoại, đã yêu cầu chính phủ dẹp bỏ các khoản lệ phí an sinh xã hội mà những công nhân làm việc ở nước ngoài phải trả.
Bà Dolores Balladares, chủ tịch của tổ chức UNIFIL tại Hồng Kông, nói rằng chính phủ Philippines đã quá chậm trong việc đáp ứng đòi hỏi của các công nhân.
Bà nói: "Nếu như quyết định hay đòi hỏi của các công nhân không được đáp ứng sớm thì mỗi ngày sẽ có thêm nhiều người Philippines nữa bị ảnh hưởng của các chính sách này."
Lãnh sự quán Philippines tại Hồng Kông cho biết họ đã chuyển thỉnh nguyện thư của các công nhân sang văn phòng tổng thống những chưa nhận được hồi đáp.
Các giới chức lãnh sự quán cũng cho biết loại hộ chiếu mới có chứa một con chip thật nhỏ và hộ chiếu có thể kiểm tra được bằng máy đã khiến cho lệ phí cấp hộ chiếu tăng. Và họ nói rằng đây là lần đầu tiên lệ phí hộ chiếu mới tăng kể từ năm 1992.
Và ngay cả khi lệ phí hộ chiếu điện tử Philippine có tăng chăng nữa, so ra cái giá này vẫn còn là rẻ nhất trên thế giới.
Các công nhân làm việc tại Hồng Kông không phải là nơi duy nhất phản đối lệ phí mới này. Những công nhân Philippines tại Doha và Ả Rập Saudi cũng đang chất vấn sự sai biệt về lệ phí.
Các công nhân làm việc tại Trung Đông chính thức hưởng được đồng lương khoảng 400 đô la một tháng. Nhưng tổ chức Migrant Rights, một nhóm chuyên giúp những người nhập cư tại Trung Đông, nói rằng đồng lương trung bình mà họ lãnh về có thể ít hơn vì nhiều chủ nhân vẫn lươn lẹo trong các hợp đồng làm việc.
Nhiều lao động xuất khẩu Philippines coi việc tăng lệ phí hộ chiếu nằm trong mô thức đo lường của chính phủ nhắm bóc lột tiền bạc của họ. Hơn 9 triệu người Philippines làm việc ở nước ngoài vì nền kinh tế trong nước quá yếu kém không đủ cung ứng việc làm cho họ. Trong nhiều trường hợp, các công nhân phải sống xa gia đình trong nhiều năm, và gặp nguy cơ bị các chủ nhân bất lương bóc lột.
Năm ngoái người Philippines tha phương cầu thực đã gửi về quê nhà đến hơn 17 tỉ đô la, chiếm hơn 10% của tổng sản lượng quốc gia. Nhưng các công nhân Philippines đi lao động nước ngoài than phiền rằng đổi lại cho việc giúp vực dậy nền kinh tế, họ lại bị buộc phải trả những khoản lệ phí và thuế má, nhất là khi họ về nước thăm gia đình.
Theo bà Balladares, tình cảnh của những lao động xuất khẩu đang dần dần tệ hại hơn. Đó là lý do tại sao bà nói rằng các tổ chức bênh vực cho di dân phải tiếp tục phản đối. Bà đưa ý kiến:
"Tiếp tục tranh đấu là công cụ tốt, cho dù những đòi hỏi hay cuộc vận động của quí vị chưa thể đạt thắng lợi ngay tức thời thì quí vị cũng có được đôi chút thành công. Tôi muốn nói là có được một vài cải tổ nào đó."
Mặc dù phẫn nộ về lệ phí mới, hơn 10 ngàn người Philippines tại Hồng Kông đã nộp đơn xin hộ chiếu mới kể từ khi giá mới được đưa ra trong tháng Tư.
Những người Philippines tại Hồng Kông nói rằng hộ chiếu với kỹ thuật cao giúp cho việc đi lại của họ dễ dàng hơn, nhưng họ vẫn muốn biết tại sao lệ phí cấp hộ chiếu tại lãnh sự quán ở Hồng Kông lại cao gấp 3 lần tại Philippines.
Các công nhân Philippines làm việc tại Hồng Kông đang phản đối việc tăng lệ phí hộ chiếu. Họ nói rằng khoản lệ phí mới nằm trong mô thức bóc lột lao động xuất khẩu của chính phủ Philippines.