Hồng Kông đã từ chối gia hạn visa làm việc cho biên tập viên tin tức châu Á của tờ Financial Times, người cũng là quan chức của Câu lạc bộ Phóng viên Nước ngoài (FCC) ở thành phố. Quyết định này đã gây sốc với nhiều người trong cộng đồng quốc tế ở trung tâm tài chính này.
Tin tức này được loan đi sau hai tháng kể từ khi các quan chức chính phủ ở Trung Quốc và Hồng Kông lên án FCC, một trong những câu lạc bộ báo chí hàng đầu châu Á, về việc họ đứng ra tổ chức một cuộc diễn thuyết cho một nhà hoạt động về quyền độc lập. Diễn biến này lại làm nổ ra những tranh luận về các quyền tự do được hứa hẹn của thành phố liệu có được duy trì hay không.
"Nhà chức trách Hồng Kông đã từ chối đơn xin gia hạn visa làm việc của Victor Mallet, biên tập viên tin tức châu Á tại Financial Times", tờ báo này cho biết trong một tuyên bố.
“Đây là lần đầu tiên chúng tôi gặp phải tình huống này ở Hồng Kông. Chúng tôi đã không được cho biết về lý do họ từ chối”, tuyên bố nói.
Vào tháng 8, ông Mallet, quyền chủ tịch của FCC vào thời điểm đó, đã tổ chức một buổi diễn thuyết cho Andy Chan, nhà hoạt động ủng hộ quyền độc lập. Hoạt động này bị Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên án mạnh mẽ.
Reuters đã nhận được nhiều email và tin nhắn qua truyền thông xã hội từ các chuyên viên người nước ngoài trong lĩnh vực ngân hàng và pháp lý, bày tỏ rằng họ bị sốc về quyết định này.
Tổ chức Phóng viên Không Biên giới kêu gọi chính quyền Hồng Kông hãy đảo ngược quyết định của họ.
"Đây rõ ràng là một hình thức trả đũa cho việc ông ấy [Mallet] liên quan đến cuộc thảo luận công khai được FCCHK tổ chức hồi tháng 8, khi họ mời nhân vật chính là một nhà hoạt động cổ súy cho Hồng Kông độc lập, khiến Bắc Kinh tức giận", tổ chức này nói trong một tuyên bố.
"Hành động như vậy là một bằng chứng nữa cho thấy chính quyền Trung Quốc đang gia tăng chính sách hăm dọa các nhà báo nước ngoài đến vùng lãnh thổ Hồng Kông", theo tuyên bố.
Trong một tuyên bố khác, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền tại New York cho rằng việc từ chối visa, cùng với lệnh cấm chưa từng có tiền lệ đối với Đảng Dân tộc Hồng Kông, đã cho thấy một vòng xoáy suy giảm về nhân quyền ở Hồng Kông.
Họ nói thêm: "Điều này thật sự gây sốc và chưa từng có tiền lệ. Việc từ chối gia hạn visa của chính quyền Hồng Kông - mà không có lời giải thích - đối với một nhà báo, người đã không làm gì khác ngoài là công việc của mình, cho thấy cách Bắc Kinh trừng trị những người lên tiếng chỉ trích".
FCC, với các thành viên bao gồm các luật sư kỳ cựu và các quan chức chính phủ bên cạnh các nhà báo, từ lâu đã tự gọi họ là một nhóm củng cố và bảo vệ tự do ngôn luận.