Hơn một nửa các hãng Hàn Quốc ở Việt Nam bị rò rỉ công nghệ trong năm 2024

Một cơ sở sản xuất của hãng Samsung (Hàn Quốc) ở Việt Nam (REUTERS/Thinh Tien Nguyen).

Viện Kinh tế Công nghiệp và Thương mại Hàn Quốc (KIET) công bố thông tin hôm thứ Hai 2/12 cho thấy hơn một nửa số công ty Hàn Quốc hoạt động tại Việt Nam đã bị nhân viên đánh cắp công nghệ trong năm nay, 2024, theo tin của Yonhap, The Korea Times và Korea JoongAng Daily.

Viện nghiên cứu này, được nhà nước cấp ngân quỹ, đã khảo sát 335 công ty Hàn Quốc có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam trong giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 10 để tìm hiểu về môi trường kinh doanh của thị trường ở đất nước Đông Nam Á, Yonhap, The Korea Times và Korea JoongAng Daily cho biết.

Theo khảo sát của viện KIET, gần 55% các công ty chia sẻ rằng họ "đã bị rò rỉ công nghệ và bị đe dọa" bởi nhân viên nước ngoài và Hàn Quốc, các công ty đối thủ và những bên khác tại Việt Nam.

Tỷ lệ này tăng mạnh so với mức 34,6% là kết quả khảo sát hồi năm ngoái ở đất nước là đối tác thương mại lớn thứ ba của Hàn Quốc, các bản tin của Yonhap, The Korea Times và Korea JoongAng Daily viết.

Trong số những người đánh cắp công nghệ và đưa ra lời đe dọa, nhân viên nước ngoài chiếm 28,3%, tiếp theo là các hãng đối tác và các hãng đối thủ ở mức 22,1% và nhân viên người Hàn Quốc với 20,4%.

Tính theo ngành, hầu hết các công ty ô tô và linh kiện, cùng với 42,9% các hãng hóa dầu, nói rằng nhân viên nước ngoài có dính dáng đến rò rỉ công nghệ.

Ngược lại, 40% các công ty bán dẫn cho hay nhân viên người Hàn Quốc đã đánh cắp công nghệ của họ và tống tiền họ.

Hơn 50% các hãng chỉ ra rằng thiếu an ninh trong quản lý nhân sự và tài liệu là nguyên nhân chính gây ra rò rỉ công nghệ.

Viện KIET nói rằng các công ty cần tăng cường các biện pháp an ninh của chính họ và chính phủ cần cung cấp hỗ trợ có hệ thống, chẳng hạn như hướng dẫn bảo vệ công nghệ, dịch vụ tư vấn về hệ thống an ninh và sách hướng dẫn hỗ trợ các công ty trong trường hợp xảy ra tranh chấp pháp lý quốc tế, theo tin của Yonhap, The Korea Times và Korea JoongAng Daily.