Hôm Chủ nhật ngày 5/3, người dân nhiều tỉnh thành đã đồng loạt xuống đường phản đối Formosa, có nơi quy tụ đến 5.000 người như ở giáo xứ Phú Yên và giáo xứ Song Ngọc thuộc tỉnh Nghệ An.
Linh mục Đặng Hữu Nam, chánh xứ giáo xứ Phú Yên, xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, thuộc giáo phận Vinh cho VOA biết về cuộc tuần hành ngày 5/3, nơi được coi là “điểm sáng” của cuộc tuần hành với nhiều giáo xứ lân cận tham gia:
“Khởi đi từ giáo sứ Phú Yên sang giáo sứ Song Ngọc, chúng tôi dâng lễ cầu nguyện cho công lý và hòa bình, cầu nguyện cho các nạn nhân của thảm họa môi trường, và của bạo cường. Sau thánh lễ tất cả chúng tôi kéo lên trụ sở chính quyền của xã Quỳnh Ngọc, nhưng không được vào trong. Chúng tôi đứng ở ngoài, nói lên tiếng nói của mình, hô ‘Formosa cút khỏi Việt Nam’. Lượng người đi từ giáo sứ Phú Yên sang thì khoảng vài ngàn người. Sang đến Song Ngọc thì có khoảng vài ngàn ở đấy. Khi chúng tôi tập trung thì đỉnh điểm thì hơn 5.000 người.”
Theo các nguồn tin trên Facebook, cuộc biểu tình nổ ra mạnh mẽ nhất vẫn là tại giáo phận Vinh, nơi có hàng ngàn giáo dân từ các giáo xứ ở Nghệ An, Hà Tĩnh đồng loạt xuống đường phản đối Formosa, kêu gọi bảo vệ môi trường. Họ mang các khẩu hiệu như: “Toàn dân Việt Nam cứu biển”, “Cá cần nước sạch, Dân cần minh bạch”, “Hủy hoại môi trường là tội ác.”
Theo linh mục Nam, cuộc tuần hành hôm 5/3 ở hai giáo xứ Phú Yên và Song Ngọc, thuộc giáo phận Vinh, được tổ chức tốt, diễn ra một cách ôn hòa, chấp hành tốt luật giao thông và “không để an ninh giả dạng giáo dân trà trộn vào đoàn tuần hành để gây loạn”. Linh mục Nam cho biết dù chính quyền có de dọa và ngăn cản giáo dân không tham gia biểu tình, nhưng số lượng người tham gia tuần hành là rất lớn:
“Mặc dù trước đó có rất nhiều an ninh đến tận nhà những người đấu tranh, yêu cầu không được ra khỏi nhà hay dọa nạt, ngăn cản, cách này hay cách khác nhưng họ vẫn đến được giáo sứ Phú Yên rất đông. Ngày hôm nay, họ bố trí công an sắc phục rất đông, cảnh sát 113, an ninh thường phục rất là nhiều. Họ đưa các phương tiện đến như xe phá sóng, xe quân báo… nhưng không có chuyện ngăn cản hay đàn áp diễn ra nơi cuộc biểu tình hay buổi dâng lễ của chúng tôi.”
Theo linh mục Nam, chính quyền Việt Nam vẫn kiên quyết bảo vệ Formosa, quay lưng lại quyền lợi chính đáng của người dân, chính quyền dựng rào chắn kẽm gai và huy động đông đảo cảnh sát cơ động và quân đội trấn giữ trước cổng Formosa ở Hà Tĩnh nhằm đối phó cuộc biểu tình diễn ra ôn hòa hôm 5/3:
“Chúng ta thấy là nhà cầm quyền Việt Nam vẫn đang cố tình bảo vệ và bao che cho Formosa. Bằng chứng là chúng ta thấy ngày hôm nay và những ngày qua, quân số cảnh sát cơ động, an ninh… và có cả quân đội tham gia đưa về thủ phủ Formosa. Họ xây thêm phòng tuyến, rào thép gai để bảo vệ cho Formosa.”
Trên Facebook của anh Phạm Hải cho biết tại Nha Trang anh bị câu lưu nhiều giờ vì “đi bộ” sáng ngày 5/3.
Tại thành phố Hồ Chí Minh sáng ngày 5/3, khoảng 200 người dân đã tụ tập trước Nhà thờ Đức Bà để phản đối Formosa, nhưng chính quyền đã nhanh chóng cho lực lượng công an, cảnh sát cơ động, công an chìm mặc thường phục tấn công và tạm giữ hàng chục người biểu tình bằng cách đưa họ lên xe buýt chở đi, theo Facebook Đinh Nhật Uy.
Nhà đấu tranh cho dân chủ Trần Minh Nhật cho VOA biết thêm về cuộc biểu tình ở thành phố Hồ Chí Minh, nơi có hai linh mục của Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn bị chính quyền câu lưu trong vài giờ đồng hồ:
“Trong Sài Gòn cũng nổ ra những cuộc biểu tình ngay tại Nhà thờ Đức Bà hay ngoại ô. Ở Sài Gòn đã có sự trấn áp mạnh tay và đã có người bị ngất xỉu, nhiều người bị bắt bớ. Trong số những người bị công an bắt giữ có hai linh mục Lê Xuân Lộc và Trương Hoàng Vũ, và hai linh mục này đã được thả và những người khác cũng đã được thả.”
Theo một nguồn tin trên mạng xã hội, tại vùng thủ đô Washington DC, Hoa Kỳ, vào lúc 8 giờ tối giờ địa phương ngày 4/3, nhiều người Việt đã tụ tập thắp nến cầu nguyện, hiệp thông, yểm trợ cho đồng bào đang đấu tranh tại Việt Nam, do Liên hội Cựu chiến sĩ VNCH vùng Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận tổ chức tại khu thương mại Eden, bang Virginia.
Viết trên Facebook về cuộc biểu tình ngày 5/3, Luật sư Lê Công Định ở thành phố Hồ Chí Minh nhận định:
“Nhìn hình ảnh người dân Hà Tĩnh biểu tình trước cổng Formosa hôm nay, tôi tin một ngày không xa mọi người sẽ tràn vào khu nhà máy đó, chấm dứt vĩnh viễn hoạt động của doanh nghiệp bất lương này ở Việt Nam. Ngày đó, lực lượng vũ trang Việt bảo vệ quyền lợi Tàu sẽ thoát lui trước cơn sóng thần của hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn người dân Hà Tĩnh, Nghệ An và các tỉnh lân cận. Tôi không muốn nhìn xa hơn, nhưng chắc chắn ngày đó, Ba Đình sẽ rúng động và các quân cờ domino sẽ lần lượt ngã. Ván cờ lớn chung cuộc rồi cũng ngã ngũ theo.”
Trong một diễn biến khác trước đó hai ngày, báo Công an Thủ đô đưa tin ngày 2/3 cho biết công an thành phố Hà Nội đã thực hiện lệnh bắt và khám xét đối với ông Vũ Quang Thuận và ông Nguyễn Văn Điển.
Theo Cơ quan An ninh điều tra, hai ông Vũ Quang Thuận và Nguyễn Văn Điển đã có “hành vi làm, phát tán nhiều clip có nội dung xấu lên mạng Internet”.
Tuy nhiên bản tin chính thức này không nói rõ các clip "nội dung xấu" này là gì.
Trong khi đó có nguồn tin cho biết ông Thuận và ông Điển bị bắt vì thực hiện livestream trên Facebook "hướng dẫn biểu tình đúng luật."