Đạo diễn kiêm người viết truyện phim Asghar Farhadi đã nhận được nhiều giải thưởng cho cuốn phim có tựa là “A Separation” – Một cuộc chia ly, kể cả giải Quả cầu vàng Golden Globe, mà khi lên nhận giải, ông đã đề cập đến tình hình căng thẳng quốc tế. Đạo diễn Asghar Farhadi nói:
“Tôi nên nói gì ở đây? Có nên nói đôi điều về mẹ tôi chăng? Hay nói về cha tôi, hay nói về người vợ hiền của tôi, các con gái của tôi, những bạn bè thân mến của tôi. Tôi chỉ muốn nói đôi điều về người dân nước tôi. Tôi nghĩ họ thực sự là một dân tộc yêu chuộng hòa bình.”
Từ Ba Lan, cuốn phim “In Darkness” – Trong Bóng Tối – kể lại câu chuyện thực về sự tồn vong của một thành phố Lvov bị Đức Quốc Xã chiếm đóng trong thế chiến thứ hai. Một nhân viên vệ sinh ở đó tên là Socha đã giúp một nhóm người Do Thái trốn tránh trong những ống cống.
Trong phim này có một đoạn đối thoại viên sĩ quan Đức quốc xã ra lệnh phải báo cho ông ta nếu thấy bất cứ người Do Thái nào, vì đó là nghĩa vụ của mọi người. Socha đồng ý mặc dầu anh ta đã liều mạng đem thức ăn cho những người đang trốn tránh.
Trong một cuộc phỏng vấn tại Đại sứ quán Ba Lan ở thủ đô Washington, đạo diễn Agnieska Holland nói câu chuyện của Socha đến nay vẫn còn hợp thời. Đạo diễn này nhận định:
“Câu chuyện mang tầm vóc phổ cập. Nó không chỉ nói về thời đó và những người dân đó, mà theo một cách nào đó, nói về bản chất con người.”
“Monsieur Lazhar,” nhân vật được lấy làm tựa phim bằng tiếng Pháp của Canada, kể lại chuyện một giáo viên người Algeria di trú và các học sinh của ông ta.
Đạo diễn và cũng là người viết truyện phim Philippe Falardeau nói về phim này tại Đại hội Điện ảnh Sundance:
“Phim cũng nói về nhân phẩm của di dân. Chúng ta không biết được họ đã trải qua những gì, đã vấp phải những khó khăn như thế nào để thích nghi với đời sống mới.”
Cuốn phim “Bullhead” – Đầu bò của Bỉ là một câu chuyện trinh thám về sự tàn ác và trả thù trong thế giới phạm pháp gọi là “mafia hormone.” Đạo diễn kiêm kịch tác gia Michael Roskam nói rằng công cuộc làm ăn phạm pháp chỉ là bối cảnh cho câu chuyện của ông. Ông giải thích:
“Tôi muốn kể câu chuyện của một thảm kịch có liên quan đến vai chính của tôi, một người lái buôn thịt bò, có dính líu đến công cuộc mua bán chất hormone kích thích tăng trưởng bất hợp pháp. Nhưng tôi chỉ muốn lấy đó làm bối cảnh thôi.”
Phim “Footnote” là cuốn phim thứ 10 của Israel được đề cử giải Oscar, nhưng không có phim nào đoạt được giải.
Viết truyện phim và đạo diễn là Joseph Cedar, đó là câu chuyện về cha và con. Cả hai đều là học giả về Talmud, tức là những cuộc thảo luận của các giáo sĩ Do Thái giáo có liên quan đến luật và triết lý Do Thái. Lúc người cha được chọn để nhận giải thưởng cao quý là Giải Israel, là lúc mà mối quan hệ và các niềm tin cốt lõi bị thử thách. Cedar coi việc được đề cử giải Oscar là một vinh dự. Ông nói:
“Các giải Oscar quả là mang rất nhiều thực chất, và có thực chất trong rất nhiều cuộc bàn cãi. Vì thế thực là một diễn biến xứng đáng chứ không phải chỉ là sự phô trương.”
Các phim năm nay của 63 nước dự giải đã được tuyển chọn còn 5 phim được đề cử bởi một ủy ban với nhiều thành phần khác nhau của Viện Hàn lâm Điện ảnh. Phim được giải sẽ được công bố cùng với các giải Oscar khác trong buổi lễ được truyền hình trên toàn cầu vào ngày 26 tháng này.
Phim của 5 nước đang tranh nhau giải Oscar phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất năm nay. Thông tín viên Alan Silverman điểm qua hạng mục này bắt đầu bằng phim được đề cử của Iran.