Bộ trưởng Tài chính và các nhân vật đứng đầu Ngân hàng Trung ương của 20 nền kinh tế hàng đầu trên thế giới quy tụ ở Istanbul hôm Thứ hai để dự phiên khai mạc hội nghị G20 tìm phương cách phối hợp hành động nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Phó Thủ tướng Ali Babacan của Thổ Nhĩ Kỳ, nước hiện là Chủ tịch luân phiên của nhóm G20 bày tỏ hy vọng rằng các nước sẽ đề ra được các mục tiêu đầu tư quốc gia có tính cách ràng buộc về mặt pháp lý. Ông nói:
“Điều quan trọng đối với chúng ta ở đây là trước tiên tạo được nhận thức rằng đầu tư là yếu tố quan trọng, cho dù chúng ta không có nguồn lực của chính phủ, chúng ta nên tìm các phương thức và phương tiện tài trợ chúng.”
Một tổ chức kinh tế quốc tế hàng đầu nhận định rằng các chính phủ trên thế giới chưa hành động đủ để thực thi hàng loạt chính sách một khi đã được thỏa thuận nhằm đẩy tăng trưởng kinh tế trong những năm tới.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế trụ sở ở Paris, trong phúc trình thường niên về vấn đề tăng trưởng công bố hôm Thứ hai, thúc giục các nước theo đuổi “những chiến lược tăng trưởng toàn diện” chẳng hạn như tăng năng suất lao động, cạnh tranh và sáng tạo hơn.
Trong khi đó, các giới chức tài chính cao cấp nhất của Anh và Hoa Kỳ kêu gọi các cường quốc hàng đầu trên thế giới cùng làm việc để thúc đẩy tăng trưởng và giảm thâm hụt ngân sách. Trong bài báo đăng trên báo The Wall Street Journal, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Jack Lew và Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne viết, “chính phủ phải tận dụng các công cụ họ có được để hỗ trợ cho kinh tế và thực hiện mục tiêu tăng trưởng toàn cầu mạnh mẽ, bền vững và cân bằng của khối G 20.”
Hai chính sách tài chính, có trách nhiệm được khuyến nghị, bảo đảm dành đủ nguồn lực cho giáo dục và đầu tư cơ sở hạ tầng, các điều kiện tín dụng cần thích nghi để khuyến khích chi tiêu của doanh nghiệp và gia đình đồng thời cải cách kinh tế nhằm tăng năng suất và nâng cao mức sống.