Hỏi đáp Y học: Tương tác giữa các thuốc chống máu đông

Bác sĩ Hồ Văn Hiền.

Thính giả Nguyễn Bá Sang ở Vĩnh Long, Việt Nam, hỏi:

“Thưa Bác sĩ,

Vợ tôi đang điều trị mỡ máu và từng bị tai biến nhẹ do cơn thiếu máu não thoáng qua.

Vì một bác sĩ cho ngừng uống thuốc Sintrom trong một đợt khám bảo hiểm y tế 15 ngày. Sau này bác sĩ chỉ cho dùng Clopidorel, vợ tôi lại uống thêm Sintrom với mức bằng nửa liều bình thường, và xuất hiện đau ran vùng sau đầu.

Vậy xin bác sĩ cho lời khuyên.

Xin cảm ơn Bác sĩ."

Bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời:

Your browser doesn’t support HTML5

Hỏi đáp Y học: Tương tác giữa các thuốc chống máu đông

Tương tác giữa các thuốc chống máu đông

Máu đông là một hiện tượng sinh lý cần thiết cho việc bảo vệ cơ thể. Ví dụ da chúng ta bị cắt đứt, các mạch máu trong da bị mở ra. Để ngưng chảy máu, có 3 cơ chế sau:

1) Vách động mạch co thắt (vascular spasm)
2) Các tế bào nhỏ trong máu, tiểu bản (platelets), chạy đến chỗ bị hư hại bám vào (platelet adhesion), đồng thời các platelet khác được huy động thêm (platelet release), đến vào chỗ đó kết tụ lại (aggregation) thành một cái nút tiểu bản (platelet plug)
3) Máu từ thể lỏng đông lại thành một cục máu (clot) để chặn sự chảy máu. Trong quá trình này cần các yếu tố đông máu khác nhau để tạo nên những sợi fibrin, tạo nên cấu trúc sườn của cục máu đông, làm cục máu ổn định (cross-linked fibrin clot).

Vitamin K là một chất cần thiết cho sự vận hành của những yếu tố đông máu đó.

Trong một số trường hợp bệnh lý, cơ chế máu đông này làm trở ngại việc máu lưu thông trong mạch máu và làm mạch máu bị tắc nghẽn không đem dinh dưỡng đến nuôi các bộ phận như óc và tim. Ví dụ, trong lòng động mạch của người bị bệnh xơ vữa động mạch (atherosclerosis, có thể do mỡ trong máu quá cao), những tiểu bản có thể "thấy" những vết xơ vữa này, coi chúng như những vết thương và bám vào đó, khởi phát một quá trình đông máu ở đó, đi đến kết quả là cục máu làm nghẽn dòng máu trong mạch máu đó. Ví dụ nếu là động mạch vành nuôi tim (coronary arteries), có thể gây cơn đau tim (heart attack, myocardial infarction/nhồi máu cơ tim), động mạch trên não bộ thì gây ra đột quỵ (stroke), hay “tai biến nhẹ do cơn thiếu máu não thoáng qua” (transient ischemic attack/TIA). Trong một số trường hợp, có những điều kiện là máu chảy chậm lại và dễ đông hơn. Ví dụ rung tâm nhĩ (atrial fibrillation): nhĩ thất (atrium) thay vì bóp nhịp nhàng để đẩy máu đi qua tâm thất (ventricle), thì lại co bóp một cách hỗn độn, máu chạy luẩn quẩn quá lâu một nơi, dễ bị đông lại. Những khối máu cục này lúc di chuyển theo dòng máu (embolization) có thể làm tắt nghẽn những nhánh mạch máu hạ dòng, gây kết quả tương tự ở những bộ phận quan trọng như phổi, tim, óc, thận.

Do đó bác sĩ có thể làm giảm khả năng tạo nên các tắc nghẽn này bằng cách giảm khả năng đông máu lại (“blood thinning”).

1) “Chiến thuật” thứ nhất là làm cho các tiểu bản giảm bớt khả năng kết dính và co cụm lại, đó là mục đích của "trị liệu chống tiểu bản", gồm các thuốc như aspirin, clopidogrel (Plavix).
2) Chiến thuật thứ hai là nhắm vào cơ chế máu đông, ngăn chặn tác dụng của vitamin K trên sự thành hình của cục máu (VKA, vitamin K antagonist), những thuốc thường dùng nhất là loại coumarin (ví dụ warfarin [hay Coumadin]) thường dùng nhất. Acenocoumarol (Sintrom) là một loại chất dẫn xuất (derivative) của coumarin và là một chất chống vitamin K. Thuốc này generic (không bị bản quyền thương hiệu) nên được đặt nhiều tên khác nhau, trong nhiều nước.

Chúng ta có thể hiểu dễ dàng là lúc làm cho máu khó đông hơn, chúng ta tăng khả năng chảy máu ở người bệnh, ví dụ dễ chảy máu trong đường ruột, bầm tím da (bruise), chảy máu ngoài da. Do đó bác sĩ cần quyết định mình muốn giữ khả năng máu đông thấp ở mức độ nào, và phương cách thường nhất là người ta đánh giá mức khả năng máu đông bằng cách đo "thời gian prothrombin" viết tắt là PT, từ đó tính ra INR ( gọi là "tỉ lệ quốc tế được chuẩn hoá" (international normalized ratio= INR). Máu càng khó đông thì thời gian này càng kéo dài ra. Thường người ta giữ mức INR giữa 2-3 cho người dùng warfarin.

Nếu bệnh nhân dùng clopidogrel (Plavix) và acenocoumarol (Sintrom) cùng một lúc, sẽ có tương tác giữa hai thuốc khác nhau này, cùng có tác dụng trên khả năng đông máu. Nói chung bác sĩ ít khi dùng hai thứ này một lúc, và nếu dùng, bs cần theo dõi sát những trường hợp này để tránh tai nạn chảy máu. Chỉ có ít kết quả nghiên cứu về vấn đế này. Một khảo cứu của Hoà lan (Dutch) cho thấy người đang dùng coumarin, được cho thêm clopidogrel cơ nguy chảy máu tăng lên gần 3 lần ((odds ratio 2,9), cơ nguy chảy máu tăng nhiều hơn là nếu dùng aspirin+coumarin.

Tóm lại: Những nhận xét trên chỉ có tính cách thông tin, có thể thay đổi tuỳ theo các khảo cứu mới được cập nhật và không thể dùng để tự chữa bệnh hay định bệnh.

Những thuốc bệnh nhân đang dùng để chống tiểu bản (antiplatelet drug) và vitamin K (vitamin K antagonist) làm máu khó đông hơn bình thường. Dùng không đúng hướng dẫn của bác sĩ, hoặc không cho bác sĩ biết thuốc mình đang dùng có thể rất nguy hiểm. Cần liên lạc ngay với bác sĩ của mình để bác sĩ hướng dẫn và test, theo dõi mức độ máu bệnh nhân "loãng" (blood thinning) nhiều hay ít.

Chúc bệnh nhân may mắn.

Bác sĩ Hồ Văn Hiền

-------------------------------------

Cảm ơn bác sĩ Hồ Văn Hiền. Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi đáp Y học này.

Quý vị có thể nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com

Qúy vị muốn được giải đáp các thắc mắc về những vấn đề y học thường thức, xin gọi đến số (202) 205-7890, hoặc E-mail đến địa chỉ <vietnamese@voanews.com> để sắp xếp hẹn trả lời cho buổi phát thanh kế tiếp.

Các bác sĩ của chuyên mục Hỏi đáp Y học Trực tiếp của đài VOA sẽ cố gắng giải đáp các thắc mắc về y học của quý vị.