Hỏi đáp Y học: Ruồi muỗi có giúp truyền bệnh Ebola hay không?

Trong chương trình Hỏi đáp Y học tuần này, thính giả Thiều Chí Dũng hỏi về việc liệu lây truyền virút Ebola qua ruồi, muỗi có khả năng xảy ra hay không.

“Thưa Bác sĩ,

Những con ruồi đậu vào phân, nước dãi, máu của người bệnh rồi mang virus đậu vào mắt mũi của trẻ thơ hay người lớn, đậu vào thực phẩm, thì Ebola có dễ dàng truyền bệnh như thế không?

Những con muỗi chích người bệnh Ebola, rồi chích người khỏe mạnh thì có truyền bệnh Ebola không?

Cảm ơn Bác sĩ!”

Bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời:

Your browser doesn’t support HTML5

Hỏi đáp Y học: Ruồi muỗi có giúp truyền bệnh Ebola hay không?

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng Bệnh của Mỹ, Ebola không truyền lan qua không khí hoặc nước, hay nói chung, qua thức ăn uống. Tuy nhiên, ở Phi Châu, Ebola có thể được truyền lan do việc đụng tới (xử lý) thịt rừng (thú hoang săn để ăn thịt) và tiếp cận với một loại dơi sẵn bị nhiễm virus. Không có bằng chứng nào cho thấy muỗi hay các sâu bọ có thể truyền virus Ebola. Chỉ có loài có vú (ví dụ, người, dơi, khỉ, và khỉ đột) là đã được chứng minh có thể bị nhiễm virus Ebola và truyền Ebola [qua sinh vật khác].

Tuy nhiên, chúng ta nên để ý mấy chữ "chưa có bằng chứng" không đồng nghĩa với "không thể,” hay “sẽ không bao giờ xảy ra.” Có thể chưa có ai nghiên cứu thử đem ruồi, nhúng chân nó nào chất tiết biết có chứa Ebola rồi cho nó đậu vào mắt của một con khỉ xem con khỉ có nhiễm bệnh hay không. Bằng chứng trên con người càng khó hơn nữa và do y đức, chỉ được thu thập một cách gián tiếp, không thí nghiệm được vì đây là bệnh chết người, chưa có thuốc chữa. Thêm nữa các virus cũng có khả năng thích ứng của nó, nên những kiến thức mà chúng ta có hiện nay về Ebola có thể thay đổi, mặc dù theo các khoa học gia thì chuyện này có vẻ chưa xảy ra đối với Ebola.

Riêng về muỗi, muỗi truyền các bệnh như sốt rét (do muỗi Anopheles), yellow fever (bệnh vàng da ở châu Phi), dengue (do muỗi Aedes). Dengue là bệnh phổ biến ở Đông Nam Á (Việt Nam, Philippines), Ấn Độ, Châu Mỹ La tinh, các đảo Caribbean và có thể gây sốt xuất huyết. Tuy nhiên, muỗi không truyền virus Ebola từ người hay thú vật qua người được. Chỉ có con muỗi cái mới “cắn” và hút máu người trước khi nó sinh sản, đẻ trứng. Bình thường muỗi đực và muỗi cái chỉ sống bằng mật hoa (nectar), muỗi cái cần nhất là protein, lipid trong máu để tạo nên và nuôi trứng của nó. Sau khi hút máu, nó phải đậu đâu đó vài ngày, tiêu hoá lượng máu đó rồi đi kiếm vũng nước để đẻ trứng. Sau đó muỗi cái mới đi kiếm ăn lại từ các mật hoa.(2)

Khác với virus Ebola, một số ký sinh hay virus bệnh khác qua một quá trình tiến hoá đặc biệt, có khả năng thoát khỏi quá trình tiêu hoá của con muỗi và đi vào tuyến nước miếng của muỗi. Lúc muỗi "cắn,” hạch nước miếng của nó bơm vào cơ thể nạn nhân và gây bệnh. Nước miếng muỗi tiết ra trước khi hút máu và trong khi đang hút giúp cho máu không đông lại, không làm nghẽn vòi hút máu. Ví dụ ký sinh trùng sốt rét plasmodium, từ lúc từ máu người thứ nhất vào cơ thể muỗi, phải thay đổi qua 5 giai đoạn khác nhau trước khi chực sẵn trong tuyến nước miếng con muỗi và được truyền qua người thứ hai.

Trong trường hợp bệnh sốt xuất huyết do virus dengue, dengue chỉ sống sót được trong loài muỗi tên là Aedes, loài muỗi này có những đặc tính như đẻ trứng trong những bình đựng nước nhân tạo, muỗi cái thích cắn người hơn là cắn các động vật có vú khác, thích ở gần nơi người ở. Sau khi được hút cùng máu người vào thân muỗi, virus dengue vào vách ruột của muỗi, và di chuyển đến tuyến nước miếng con muỗi và tồn tại ở đó cho hết suốt đời con muỗi. Hiện nay, một trong những cách ngăn chặn bệnh sốt rét hay sốt xuất huyết do dengue là cấy một loại vi khuẩn khác (Wolbachia) vào con muỗi cái, sự hiện diện của con vi khuẩn này trong thân muỗi làm virus dengue hay ký sinh trùng falciparum không sống sót được trong thân muỗi, do đó con muỗi không truyền bệnh dengue hay sốt rét được.

Nói một cách khác, muỗi chỉ truyền được bệnh từ người này qua người khác chỉ trong trường hợp cơ thể muỗi chấp nhận con virus hay ký sinh trùng đó trong cơ thể của nó. Hiện nay chúng ta chưa thấy trường hợp con muỗi nào chấp nhận virus Ebola trong hạch nước miếng của nó và do đó cũng chưa ghi nhận được trường hợp muỗi truyền Ebola.

Tham khảo:

(1) http://www.cdc.gov/vhf/ebola/transmission/index.html
"Ebola is not spread through the air or by water, or in general, by food. However, in Africa, Ebola may be spread as a result of handling bushmeat (wild animals hunted for food) and contact with infected bats. There is no evidence that mosquitoes or other insects can transmit Ebola virus. Only mammals (for example, humans, bats, monkeys, and apes) have shown the ability to become infected with and spread Ebola virus.”(CDC)

(2) http://well.blogs.nytimes.com/2014/10/17/do-mosquitoes-spread-ebola/?_php=true&_type=blogs&_r=0

Bác sĩ Hồ Văn Hiền

-------------------------------------------------

Quý vị có thể nghe lại các giải đáp thắc mắc y học trên trang web của đài VOA ở địa chỉ voatiengviet.com

Muốn tham gia mục Hỏi đáp Y học này của đài VOA, xin quý vị điện thoại số (202) 205 -7890, hoặc email đến <Vietnamese@voanews.com>.