Hỏi đáp Y học: Phẫu thuật nới rộng bọng đái

Bác sĩ Hồ Văn Hiền

Bác sĩ Hồ Văn Hiền

Thính giả Trần Văn Xuân Hoàng, Việt Nam, hỏi:

“Kính thưa Bác sĩ,

Tôi muốn hỏi về trường hợp lao niệu của người con trai tôi, ngoài 30 tuổi.

Con trai tôi sau khi trị lao phổi xong, bây giờ vẫn còn lao niệu; một ngày đi tiểu cả trăm lần.

Bác sĩ ở Bệnh viện Bình Dân nói là bàng quang teo lại. Mổ khó lắm. Nhưng không giải thích khó là như thế nào, và sẽ có những hậu quả, hay biến chứng gì.

Nhờ Bác sĩ cho biết cách trị cắt ruột để tạo bàng quang mới sẽ có nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng hay không? Những biến chứng gì?

Cám ơn Bác sĩ"

Bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời:

Your browser doesn’t support HTML5

Hỏi đáp Y học: Phẫu thuật nới rộng bọng đái

Phẫu thuật nới rộng bọng đái (Augmentation Cystoplasty)

Chúng ta hay dùng từ "ho lao", tuy nhiên, dễ gây thắc mắc vì bệnh lao có thể biểu hiện nhiều cách mà không phải ho. Lúc tây y được người Pháp đưa vào Việt Nam, thời đó lao biểu hiện thường nhất (làm người bệnh đi khám) là ho kéo dài, có thể ho ra máu (hemoptysis), bệnh nhân nóng sốt, gầy mòn, kiệt sức dần. Trước khi có phương tiện chữa trị bằng kháng sinh, chừng môt nửa sẽ chết vì bệnh.

Thường, chụp hình phổi, có các vết “nám’ (opacities), hoặc có các lỗ hổng (lung cavities) do các áp xe (pulmonary abscess) gây ra, chúng ta nói bệnh nhân bị "lũng phổi". Bác sĩ cho thử đàm (khạc ra hoặc hút trong bao tử), nhuộm xem có các vi khuẩn hình que (rods, bacillus, tiếng Pháp “ bacille”) mycobacterium tuberculosis, xong đem cấy (culture) đàm đó trong môi trường đặc biệt, xem có mọc ra con vi khuẩn đó hay không.

Nhà bác học Robert Koch (1843-1910), người Đức, tìm ra con vi khuẩn này năm 1882, nên tiếng Pháp gọi là “Bacille de Koch ‘“Koch ‘s bacillus), người Việt chúng ta có thói quen gọi là BK.

BK (+) [ dương tính] có nghĩa là có tìm thấy vi khuẩn hình que trong mẫu bệnh (đàm, mủ,.. ) của người đó.

Bệnh nhân nhiễm vi khuẩn lao do hít vào đường hô hấp (phổi). Trong một số trường hợp vi khuẩn lao đi vào máu, qua thận, làm thận tổn thương, rồi có thể đi theo niệu quản (ureter). Bộ phận sinh dục có thể mắc bệnh lao do tiếp xúc với vi khuẩn lao ở vùng này lúc giao hợp, ví dụ tuyến tiền liệt, dịch hoàn ở nam giới và tử cung ở nữ giới.

Bệnh lao ở bọng đái (bàng quang, bladder) có thể chỉ tấn công nội mạc bên ngoài hoặc có thể ăn sâu vào lớp cơ của bộ phận này, thay thế cơ bằng mô thẹo xơ và cứng (fibrous, scar tissue), không co giãn được, làm thể tích của bọng đái nhỏ teo lại, và thêm nữa nhạy cảm làm cho người bệnh phải đi tiểu thường xuyên.

Người bệnh lao được chích và uống nhiều thuốc trong nhiều tháng, hoặc cả năm và được theo dõi thường xuyên (thử đàm, chụp hình phổi, thử máu xem thuốc có tác dụng độc trên gan hay không). Một số bác sĩ dùng những thuốc có tác dụng giảm co thắt các sợi cơ của bọng đái (anticholinergic drugs) đồng thời với thuốc kháng sinh để giảm thiểu các triệu chứng của bệnh lao bọng đái, kết quả khả quan, số lần đi tiểu giảm 75% và dung tích bọng đái tăng 4,7 lần. (Ekaterina Kulchavenya: Modified therapy with isoniazid + rifampicin + pyrazinamide + ofloxacin alongside with trospium chloride is superior – urinary frequency reduced about 75 %, bladder capacity increased an average of 4.7 fold.)

Bọng đái bị cơ năng rối loạn không những làm người bệnh khổ sở mà còn làm tổn hại hư cơ năng hai trái thận vì áp suất nước tiểu ứ đọng trong bọng đái dội ngược lên trên thận và làm thận hư hại. Những trường hợp nặng cần phẫu thuật để nới rộng bọng đái (augmentation cystoplasty), được BS Couvelaire phổ biến từ thập niên 1950's.

Phẫu thuật mở bụng kết quả tốt hơn là phẫu thuật bằng nội soi. Người ta lấy một khúc ruột, đoạn đầu ruột già hay đoạn cuối ruột non (25-30cm), cắt mở ống ruột này ra để tạo thành một cái túi. Sau khi cắt mở bọng đái, người ta may hoặc staple cái túi này vào bọng đái để nới rộng nó ra.

Những biến chứng: tim mạch, tiêu hoá, huyết khối (máu đông) thuyên tắc (thrombo-embolism), hô hấp, đi kèm theo bất cứ phẫu thuật nào trong bụng. Nhiều bệnh nhân phải qua 3 tháng mới chắc là bọng đái đã lành hẳn. Trong thời gian vài tháng, bệnh nhân phải theo một chế độ ăn kiêng (diet) đặc biệt.

Không phải mọi người sẽ kiểm soát được cơ năng bọng đái hoàn hảo; bệnh nhân phải chuẩn bị tinh thần là sau khi mổ, họ có thể phải thông tiểu suốt đời và phải súc rửa bọng đái (lifelong intermittent catheterization and irrigation of the augmented bladder).

Biến chứng: 3-5.7% ruột tắc nghẽn cần phẫu thuật lại; 5-6% nhiễm trùng; 0-3% chảy máu cần mổ lại; 50% khả năng thích ứng của bọng đái không cải thiện (unchanged bladder compliance) và cơ năng thận tiếp tục xuống dốc. Loét, thủng ở miếng ghép lấy từ ruột, dạ dày; nhiễm trùng, sạn đường tiểu.

Nói chung phẫu thuật nới rộng bọng đái là một biện pháp bất đắc dĩ cho những người bị đi tiểu không kiểm soát được (incontinence) do dung tích (capacity) bọng đái quá nhỏ, trong trường hợp này do viêm mãn tính do vi trùng bệnh lao gây ra. Bệnh nhân cần được bác sĩ chuyên khoa niệu nghiên cứu kỹ lưỡng (chẩn đoán hình ảnh, đo áp suất trong bọng đái, nghiên cứu tình hình và cơ năng của hai thận, hai niệu quản là ống dẫn nước tiểu từ thận xuống bọng đái, xem nước tiểu có bị áp suất quá cao trong bọng đái đẩy ngược lại lên thận [vesicoureteral reflux] và làm tổn thương thận hay không). Và sau đó đi đến quyết định sau khi bệnh nhân không đáp ứng với các biện pháp khác hay không muốn biện pháp khác (như mang ống thông bọng đái; intermittent self catheterization; những thuốc có tác dụng giảm co thắt các sợi cơ của bọng đái [anticholinergic drugs, eg, oxybutynin, hyoscyamine, or tolterodine] và bệnh nhân hiểu rõ các điều lợi hại của phẫu thuật này, nhiều ít tuỳ theo từng trường hợp. Điểm quan trọng là nếu bệnh nhân không muốn hoặc không thể thông tiểu đều đặn (intermittent self catheterization) sau này, không nên làm augmentation cystoplasty.

Chúc bệnh nhân may mắn.

Tham khảo:

1) Bladder Augmentation
http://www.surgeryencyclopedia.com/A-Ce/Bladder-Augmentation.html
2) Rao, Pravin Augmentation Cystoplasty
http://emedicine.medscape.com/article/443916-overview

Bác sĩ Hồ Văn Hiền

--------------------------------------

Cảm ơn bác sĩ Hồ Văn Hiền. Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi đáp Y học này.

Quý vị có thể nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com

Qúy vị muốn được giải đáp các thắc mắc về những vấn đề y học thường thức, xin gọi đến số (202) 205-7890, hoặc E-mail đến địa chỉ <vietnamese@voanews.com> để sắp xếp hẹn trả lời cho buổi phát thanh kế tiếp.

Các bác sĩ của chuyên mục Hỏi đáp Y học Trực tiếp của đài VOA sẽ cố gắng giải đáp các thắc mắc về y học của qúy vị.