Hỏi đáp Y học: Nhức đầu một bên và tác dụng rượu

Bác sĩ Hồ Văn Hiền

Thính giả Đại Nguyễn, ở Việt Nam, hỏi như sau:

“Kính thưa Bác sỹ,

Tôi năm nay 62 tuổi. Mấy tuần qua tôi bị đau nửa đầu bên trái. Ban ngày làm việc không đau nhưng lúc nghĩ ngợi thì đau. Đôi lúc đau, tôi uống một vài lon bia hoặc nửa 5 lít rượu đế thì bớt đau hoặc không đau nữa.

Tôi bị huyết áp cao (năm ngoái phát hiện huyết áp 195/120, tôi uống thuốc hằng ngày, huyết áp bây giờ 140/90).

Buổi sáng tôi có uống khoảng 10 giọt rượu tỏi và tập ba động tác thể dục yoga rồi đi làm việc (việc làm chính của tôi là thợ điện nước, và tôi leo cao không bị ngợp (choáng)). Hiện tại tôi không bị đau dữ dội lắm, chỉ thoáng đau.

Cám ơn Bác sĩ."

Bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời:

Your browser doesn’t support HTML5

Hỏi đáp Y học: Nhức đầu một bên và tác dụng rượu

Nhức đầu một bên và tác dụng rượu (Headache unilateral and alcohol)

Câu hỏi của vị thính giả khó trả lời. Sau đây tôi chỉ xin có một số nhận xét, hoàn toàn với tính cách thông tin, để chúng ta cùng học hỏi. Xin nhắc lại chúng ta không thể định bệnh trên vài triệu chứng rất sơ sài hay giúp bệnh nhân tự chữa trị trong mục hỏi đáp y học này.

Chứng nhức đầu, nhất là nhức đầu thoáng qua, không có gì dữ dội thì là một triệu chứng rất thường gặp. Hơn nữa, mỗi trường hợp mỗi khác, người nhức đầu nhiều đôi khi không có bệnh gì nặng, ngược lại người chỉ nhức đầu sơ sơ, bản thân không để ý đến, sau này mới biết đáng lẽ cần đi bác sĩ khám sớm hơn. Quyết định lúc nào cần theo dõi, chờ đợi, chữa theo triệu chứng lúc nào cần thử nghiệm như quang tuyến, CT, MRI, có thể rất tốn kém, lãnh vực này thuộc về nghệ thuật y khoa (the art of medicine) của người bác sĩ khám và điều trị cho bệnh nhân.

Ở đây, có những đặc tính là cơn đau chỉ xuất hiện lúc nghĩ ngợi, đau bên trái, uống rượu thì khỏi hoặc giảm và bệnh nhân mắc chứng huyết áp cao, kiểm soát khá tốt (140/90). Một số điều cũng có thể giải thích được và không làm ngạc nhiên. Nếu chúng ta lo âu, suy nghĩ, tập trung về một vấn đề gì, dễ dàng gây nhức đầu.

Rượu có nhiều tác dụng, trong đó tác dụng làm giảm lo âu (anxiolytic), làm người uống ít bị ức chế hơn (less inhibition), thấy thoải mái hơn (mood enhancing), do đó bệnh nghiện rượu phổ biến, như là một cách dễ dàng dễ kiếm để giải quyết nhiều vấn đề của cuộc sống. Chúng ta có câu: “Đoạn tống nhân sinh duy hữu tửu" (‘Dứt bỏ cuộc đời chỉ có rượu”; Hàn Dũ [768-824]).

Riêng về chứng nhức đầu, sau một cơn say rượu, người uống thường bị cơn nhức đầu sau khi tỉnh lại mà tiếng Anh gọi là hangover headache. Một số bệnh nhức đầu như migraine, cluster headache còn bị khơi dậy mỗi khi uống rượu, do rượu làm dãn nở các động mạch (vasodilation) trên đầu và sự dãn nở này là nguyên nhân gây nhức đầu.

Cho nên không nên dùng rượu như là một biện pháp để đối phó với chứng nhức đầu. Ngược lại, uống rượu nhiều gây nhức đầu, nên một số người đi nhậu về đau đầu quá, lấy acetaminophen (paracetamol, Tylenol) uống cho đỡ đau. Uống càng nhiều thì càng nguy hiểm, có trường hợp chết người.

Nhân nói về chuyện rượu và thuốc giảm đau, xin nhấn mạnh thêm là rượu tác dụng trên biến dưỡng (metabolism) của acetaminophen, làm người bệnh đào thải chất này khó khăn hơn và dễ rơi vào tình trạng ngộ độc acetaminophen rất khó chữa. Có khảo cứu ở Mỹ cho thấy những người vừa uống rượu thường xuyên vừa uống acetaminophen (để giảm đau mãn tính) có nguy cơ bệnh thân nhiều hơn gấp đôi so với người chỉ dùng một trong hai thứ. Có thể rượu tác dụng lên gen kiểm soát biến dưỡng của acetaminophen. Nếu cần, phải chọn một chất giảm đau khác (theo Nedtan and Zand).

Bệnh migraine, nhức đầu mãn tính, thường được dịch là đau nửa đầu, tuy nhiên không phải lúc nào đau một bên đầu đều là do bệnh migraine. Ví dụ nếu chúng ta nằm đọc sách hay dùng iPad, có thể nhức mỏi ở một bên cổ và nhức một bên đầu. Nếu ngồi ngay ngắn lúc đọc hay làm việc, có thể hết đau. Một số người nhức đầu một (thường bên trái) sau khi dùng điện thoại di động (thông minh, cellular phone, smart phone) suốt ngày. Nghỉ dùng điện thoại di động, hay dùng bluetooth nói chuyện qua speaker thì hết đau. Đau đầu ở đây có thể do thói quen vẹo cổ một bên kẹp điện thoại nên các cơ cổ và đầu mỏi mệt, làm đau. Có giả thuyết là sóng điện thoại là một sóng điện từ (electromagnetic waves), do tác dụng trên óc người nghe lúc áp điện thoại vào tai, có thể là nhức đầu hay ảnh hưởng đến hoạt động của bộ óc. Quan sát bộ óc bằng MRI cơ năng (fMRI) của người dùng điện thoại di động, người ta thấy những vùng não bộ phụ trách về thính giác hoạt động nhiều hơn lúc các tín hiệu điện thoại phát ra, nhưng chưa thấy khảo cứu nào chứng minh là điện thoại di động (cell phone) làm nhức đầu hay gây hại cho tế bào thần kinh. Một lý do có thể là nhức đầu một bên mà không đau bên kia là những bệnh như viêm khớp giữa xương hàm với xương thái dương (TMJ), đau răng hay viêm xoang, viêm thần kinh số 5 (trigeminal neuralgia), bệnh glaucoma trong đó áp suất trong tròng mắt quá cao và có thể làm hư hại thị giác.

Sau đây là những loại nhức đầu mãn tính (kinh niên) thường gặp nhất trong những trường hợp cứ tái đi tái lại, uống thuốc thì giảm nhưng không khỏi hẳn:

Đa số nhức đầu mãn tính là do migraine, do căng thẳng (tension headache) hoặc do trầm cảm (depression). Những nguyên do khác xảy ra ít hơn, nhưng nếu có thì nghiêm trọng hơn như chấn thương đầu, u bướu trong đầu, tổn thương ở xương cổ, hoặc trường hợp bệnh liên hệ như viêm xoang hàm, áp huyết cao. Nếu chẩn đoán hình ảnh như CT scan, MRI không thấy u bướu, chảy máu trong xương sọ, hoặc không thấy xương cổ có gì bất bình thường, thì chúng ta bớt phải lo về những vấn đề trên.

1) Tension headache thường gặp nhất, phụ nữ nhiều 3 lần hơn đàn ông: (“nhức đầu do căng thẳng”, một phần do co thắt các bắp thịt, một phần do cách não bộ đối phó với stress):

Bệnh nhân nhức đầu suốt ngày, như đầu bị bóp lại, kẹp lại (vise-like), bệnh nhân mệt mỏi một cách mơ hồ, khó tập trung (poor concentration), những lúc bị stress, mệt, chói mắt hoặc ồn ào lại càng nhức đầu hơn. Điều trị bằng thuốc giảm đau thông thường như acetaminophen, ibuprofen; áp dụng các biện pháp thư giãn như thể dục, yoga, ngồi thiền, tắm nước nóng, châm cứu. Một số bệnh nhân giảm đau đầu nhờ chích Botox vào các chỗ đau.

2) Nhức đầu do trầm cảm (depression): Nhức đầu nhiều nhất lúc sáng mới ngủ dậy, kèm theo những triệu chứng trầm cảm như chán đời, không thích làm việc, thấy mình không làm gì ra trò, không đáng gì. Có thể cần bs tâm lý (psychologist) hoặc thần kinh (psychiatrist) giúp đỡ.

3) Migraine: Thường cơn đau một bên đầu, nhưng có thể cả hai bên, đau bưng bưng (throbbing pain), nhưng có thể âm ỉ, có thể kèm theo buồn nôn, không ăn ngon, mắt mờ, sợ ánh sáng hoặc tiếng động. Migraine nhẹ chữa bằng những thuốc thông thường như acetaminophen, NSAIDS như Motrin, Aleve. Bn nằm nghỉ ngơi ở trong phòng yên tĩnh, tối. Nặng hơn, bs có thể dùng những thuốc làm co mạch máu như ergotamine (Cafergot, trong đó có thêm caffeine) hoặc thuốc tryptan (như Sumatriptan, Imitrex) mới hơn, làm giảm viêm và co lại các động mạch dưới sọ (cranial arteries). Nếu bị đau migraine trên 3 lần mỗi tháng, bs có thể cho thuốc uống hàng ngày để chặn các cơn đau đầu (ví dụ aspirin, propranolol (thuốc hạ áp huyết), cyproheptadine –là một thuốc chống dị ứng, thường dùng cho trẻ em ăn ngon miệng hơn).

Chúc bệnh nhân may mắn.

Nguồn tham khảo:
Acetaminophen and Alcohol a Bad Mix, Study Suggests
http://www.webmd.com/mental-health/addiction/news/20131104/tylenol-and-alcohol-a-bad-mix-study-suggests

Bác sĩ Hồ Văn Hiền
--------------------------------------
Cảm ơn bác sĩ Hồ Văn Hiền. Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi đáp Y học này.

Quý vị có thể nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com

Qúy vị muốn được giải đáp các thắc mắc về những vấn đề y học thường thức, xin gọi đến số (202) 205-7890, hoặc E-mail đến địa chỉ <vietnamese@voanews.com> để sắp xếp hẹn trả lời cho buổi phát thanh kế tiếp.

Các bác sĩ của chuyên mục Hỏi đáp Y học Trực tiếp của đài VOA sẽ cố gắng giải đáp các thắc mắc về y học của qúy vị.