Hỏi đáp Y học: Nhiễm trùng đường tiểu

Thính giả Lê Thuận Minh, 74 tuổi, ở Chicago, hỏi:

“Thưa Bác sĩ,

Tôi đã chữa bệnh nhiễm trùng đường tiểu 4 năm nay rồi mà không hết.

Trước tôi bị cắt nhiếp hộ tuyến, bác sĩ cắt phạm vô bọng đái. Đi tiểu, thì nước tiểu ra hậu môn. Bác sĩ muốn chữa chỗ đó, phải đút nước tiểu qua bọng đái. Mất một tháng rưỡi mới chữa xong. Khi rút ống dẫn tiểu ra thì bị nhiễm trùng. Chữa 4 năm nay rồi với rất nhiều thuốc mà không hết.

Tôi muốn hỏi là bệnh này có chữa được hay không, và chữa cách ra sao?

Xin cảm ơn Bác sĩ."

Bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời:

Your browser doesn’t support HTML5

Hỏi đáp Y học: Nhiễm trùng đường tiểu


Đây là một trường hợp khó và phức tạp. Câu trả lời sẽ đi ra khỏi khả năng của mục hỏi đáp này. Tuy nhiên, chúng ta có thể đưa ra một số điểm chung chung để chúng ta cùng học hỏi về cơ thể của chúng ta như thế nào, bác sĩ làm việc như thế nào và và bệnh nhân hiểu hơn về bệnh của mình:

- Trong phần dưới của bụng, phía nam giới, từ trước ra sau có bọng đái (bàng quan), từ trên thận có 2 ống niệu quản ống dẫn nước tiểu đi xuống (ureter), đem nước tiểu vào bọng đái (urinary bladder), dưới cổ bọng đái (bladder neck), chỗ thoát nước tiểu ra ngoài niệu đạo (urethra), có tuyến tiền liệt (prostate) bao bọc chung quanh niệu đạo với hai túi tinh dịch (seminal vesicles).

- Ngay sau bọng đái là ruột già (colon), với đoạn cuối là trực tràng (rectum), mở đường ra ngoài qua hậu môn (anus). Cho nên nếu một biến chứng giải phẫu hay một bệnh xảy ra trong vùng bọng đái hay trong trực tràng có thể làm hai bộ phận này thông với nhau, nước tiểu từ bọng đái rò rỉ qua trực tràng, chảy ra hậu môn; và ngược lại những chất chứa trong trực tràng đi ngược qua bọng đái và gây nhiễm trùng đường tiểu. Ống nối bất thường như vậy gọi là colovesical fistula hay recto-vesical fistula (ống dò trực tràng- bàng quan), có thể xảy ra ở một số bé sơ sinh (bệnh bẩm sinh), có thể xảy ra trong những trường hợp chấn thương làm lũng ruột già và bọng đái, ung thư ruột già (20%), viêm túi cùng ruột già (60%), biến chứng do xạ trị (radiation therapy), bệnh viêm ruột Crohn (Crohn disease), bệnh lao đường tiểu (hiếm).

Triệu chứng: bọt không khí trong nước tiểu (pneumaturia), phân trong nước tiểu, nhiễm trùng tái hồi đường tiểu, nước tiểu chảy qua đường hậu môn.

Nếu nhiễm trùng dai dẵng trong đường tiểu, dù đã chữa hết lỗ dò, có thể do một trong những lý do như sau:

- Lỗ dò trực tràng- bọng đái chưa đóng kín hẳn. Nước tiểu không chảy ra ở hậu môn không có nghĩa là đường thông thương đã bít hẳn trong cả 2 chiều. Nếu các chất trong trực tràng, dù rất ít, còn qua được bọng đái, vẫn có thể gây nhiễm trùng được trong đường tiểu.

- Vi trùng có thể đề kháng thuốc. Nhiều lúc cần cấy nước tiểu và chọn thuốc thích hợp nhất cho lúc đó, sau đó có thể tình hình thay đổi (urine culture and sensitivity).

- Nhiễm trùng có thể gây ra vì một số lý do khác như sạn thận, đường dẫn tiểu bị nghẽn, ứ đọng đâu đó trên đường niệu quản (ureter) , hay có ổ nhiễm trùng nào đó trên thận; đường tiểu không thông do da quy đầu bó chặt (phimosis), hay co thắt ở đường ra của niệu đạo (urethral meatus); uống quá ít nước, vân vân...

Nói tóm lại, nếu vị thính giả chưa vừa ý và chưa có giải đáp thoả đáng, nên xin gặp bác sĩ gia đình với một khoảng thì giờ rộng rãi (extended office visit), trình bày rõ ràng và chi tiết câu chuyện của mình, đem theo các tài liệu, kết quả đầy đủ, để bác sĩ nghiên cứu lại toàn bộ vấn đề, và theo đó giới thiệu bệnh nhân nếu cần; vd chẩn đoán hình ảnh thêm để xem ống dò rỉ đã đóng kín lại hay chưa (chụp MRI, CT, bơm chất cản quang). Ví dụ, dùng CT, người ta có thể phát hiện không khí trong bọng đái, từ ruột qua. Hoặc chất cản quang (contrast material) bơm vào ruột già có thể chạy qua ống dò và ống dò được biểu hiện trên hình ảnh.

Hay để tìm một "ý kiến thứ hai" (second opinion), từ một bác sĩ chuyên môn liên hệ như bác sĩ niệu khoa (urologist), hay trong một số trường hợp cần đến các chuyên khoa khác như bs chuyên về thận (nephrology), bác sĩ chuyên đường ruột (gastroenterologist), bác sĩ giải phẫu ruột già-trực tràng(colorectal surgeon); bác sĩ chuyên về bệnh nhiễm trùng (infectious disease specialist). Dù có xác nhận là còn tồn tại ống dò đi nữa, không có nghĩa là phải phẫu thuật (cắt bỏ ống dò và có thể phần ruột liên hệ). Phẫu thuật có thể không cần thiết cho bệnh trạng bệnh nhân, hay có thể không thực hiện được do điều kiện tổng quát của bệnh nhân; trong một số trường hợp bác sĩ có thể dùng kháng sinh dài hạn để ức chế các cơn nhiễm trùng tái hồi.

Chúc bệnh nhân may mắn.

Bác sĩ Hồ Văn Hiền

-------------------------------------

Cảm ơn bác sĩ Hồ Văn Hiền. Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi đáp Y học này.

Quý vị có thể nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com

Qúy vị muốn được giải đáp các thắc mắc về những vấn đề y học thường thức, xin gọi đến số (202) 205-7890, hoặc E-mail đến địa chỉ <vietnamese@voanews.com> để sắp xếp hẹn trả lời cho buổi phát thanh kế tiếp.

Các bác sĩ của chuyên mục Hỏi đáp Y học Trực tiếp của đài VOA sẽ cố gắng giải đáp các thắc mắc về y học của qúy vị.