Hỏi đáp Y học: Nhiễm HIV và tập luyện thể hình

A mourner is seen through a barricade in Kyiv's Independent Square.

Trong chương trình hỏi đáp y học kỳ này, Bác Sĩ Hồ Văn Hiền trả lời thắc mắc của thính giả Lưu Minh, ở Cần Thơ, Việt Nam về nhiễm HIV và tập luyện thể dục, thể thao
Trong chương trình hỏi đáp y học kỳ này, Bác Sĩ Hồ Văn Hiền trả lời thắc mắc của thính giả Lưu Minh, ở Cần Thơ, Việt Nam về nhiễm HIV và tập luyện thể dục, thể thao.

Thính giả Lưu Minh ở Cần Thơ E-mail câu hỏi như sau:

“Kính chào bác sĩ,

Hiện nay con đang mang trong người virus HIV. Khi chưa bị nhiễm bệnh (virus) con đã chơi môn thể thao thể hình nhiều năm. Cho đến bây giờ con vẫn rất đam mê môn thể thao này, và vẫn duy trì tập luyện. Theo con nghĩ, con đã bị nhiễm HIV nhiều năm rồi nhưng không hay biết, vì không thấy có biểu hiện gì.

Tình cờ con đi khám da liễu, các bác sĩ làm xét nghiệm và không may, con bị dương tính. Lúc đó tinh thần con rất sốc. Con được gia đình an ủi rất nhiều, nhờ đó mà con mới có đủ nghị lực sống và đam mê môn thể thao mình yêu thích.

Khi cầm kết quả xét nghiệm dương tính, lúc đó con cân nặng chỉ 55 kí. Hiện nay con cân được 67 kí. Ðiều trị tới nay cũng gần một năm.Trong lúc điều trị con cũng tuân thủ những hướng dẫn về giờ giấc, uống thuốc ARV, dinh dưỡng, chơi thể thao và tình thần được thoải mái, tuy áp lực công việc cũng nhiều.

Trong suốt một năm điều trị đó, con vẫn đam mê môn thể hình và vẫn siêng năng tập luyện cho đến ngày hôm nay. Hiện cơ thể con rất săn chắc, và cơ bắp phát triển bình thường như bao người khác. Sức khỏe con rất tốt, chỉ số CD4 tăng. Xin hỏi: liệu người mang virus HIV chơi thể thao thể hình, trong tương lai có ảnh hưởng đến sức khỏe hay không?”


Chúng tôi đã chuyển thắc mắc cho bác sĩ Hồ Văn Hiền, và sau đây là phần giải đáp của bác sĩ Hiền:

Your browser doesn’t support HTML5

Lắng nghe giải đáp của bác sĩ



Nhiễm HIV và tập luyện thể thao, thể dục
HIV infection and exercise


Tôi thiết nghĩ, chuyên gia HIV đang theo dõi và chữa trị cho thính giả là người đủ khả năng nhất để trà lời câu hỏi này. Sau đây tôi xin trình bày một số nhận xét về vấn đề này, tức là sự liên hệ giữa tình trạng nhiễm HIV và tập luyện thể thao, thể dục.

1) HIV (Human Immunodeficiency Virus) là một siêu vi loại retrovirus làm ức chế hệ miễn nhiễm, tức là làm cho sức đề kháng của cơ thể người bệnh bị giảm sút đi, virus truyền qua đường tính dục (sexually transmitted disease), đường máu, hoặc do lúc mẹ sinh ra con.

2) CD 4 T-cell count: đếm tế bào CD4.
CD4, còn gọi là tế bào T-helper cell="tế bào giúp đỡ", phụ trách thanh toán các vi khuẩn đột nhập vào cơ thể. Đếm số lượng tế bào CD 4 để ước lượng sức đề kháng của cơ thể, để xếp loại nặng nhẹ của tình trạng nhiễm HIV, quyết định lúc nào thì cần phải dùng thuốc kháng retrovirus (Anti- Retroviral Therapy/ ART) ( CD4 dưới 350, ở Mỹ, hoặc thấp hơn dưới 200 ở các nước nghèo hơn), lúc mới định bệnh, sau đó đo mức CD 4 để theo dõi kết quả chữa trị. Ở người nhiễm HIV số lượng CD4 giảm thấp dần, đến mức người đó dễ bị nhiễm những vi trùng, nấm mà trên người bình thường không gây ra bệnh (opportunistic infections).

3) Một số khảo cứu cho thấy tập thể dục thể thao làm tăng khối lượng, sức lực các bắp thịt (cơ bắp, muscles), cũng như khả năng co rút của các thớ thịt (tension).Các bắp cơ của bệnh nhân HIV có khuynh hướng teo lại ( atrophy), và bs có thể dùng những thuốc có tác dụng tiến biến (anabolic steroids ) tương tự như hormone testosterone của nam giới, để khuyến khích gia tăng khối cơ bắp và thể lực. Một số khảo cứu cho thấy tập thể thao cũng có tác dụng ích lợi tương tự và ít phiền toái hơn thuốc men ( anabolic steroids có thể gây phản ứng phụ).

4) Tập thể thao có khả năng cải thiện phẩm chất cuộc sống (quality of life) của bệnh nhân HIV.

5) Bệnh nhân HIV được chữa thuốc chống retrovirus có nguy cơ bị bệnh cao mỡ trong máu (dyslipidemia), mỡ trong cơ thể bị phối trí lại không bình thường (nhiều mỡ quá [lipohypertrophy] ở tay chân, hoặc teo mô mỡ [lipoatrophy], và xơ các động mạch (atherosclerosis). Bác sĩ có thể dùng thể thao như là một thành phần chữa trị các rối loạn về biến dưỡng mỡ này, kết hợp với chế độ ăn uống, thuốc hạ mỡ trong máu.

6) Nói chung, người mắc HIV, nếu tình trạng sức khoẻ tốt, có thể tập luyện cơ thể, trong giới hạn vừa phải, tương tự như ngưởi bình thường.Tuy nhiên, tốt hơn hết là hỏi ý kiến bác sĩ điều trị của mình, vì dù sao, mỗi trường hợp mỗi khác, từ tình trạng bệnh nhân cho đến những thuốc men đang dùng, HIV và một số thuốc ART có ảnh hưởng đến sức khoẻ tim mạch và toàn vẹn các bắp cơ. Những bệnh cơ bắp có thể cần bs thử máu mới thấy được (thử CPK).

7) Do đó, cần nhắc lại là thể dục thể thao cần được thực hiện trong giới hạn vừa phải. Dù cho đối với người sức khoẻ bình thường,các khảo cứu cho thấy tập luyện ở mức dư thừa (excessive exercise, như chạy marathon, cử tạ rất nặng) là một loại stress, làm tăng corticoid trong máu, do đó có thể làm giảm đề kháng cơ thể trong một thời gian nhất định, làm cho người đó dể bị nhiễm trùng hơn sau khi chịu đựng stress.

8) Trong thể thao thể hình (bodybuilding), việc tập tạ (weight lifting), tập resistance training (co, kéo), cần liên lạc với bác sĩ của mình xem mức tập luyện như vậy có thích hợp với tình trạng cơ thể mình hay không.Nên lượng sức của mình. Một số trainer khuyên tránh nhũng động tác mà mình không đủ sức lập lại quá 9-10 lần.
Nếu là các loại tập thể thao nhẹ dùng oxy để tạo năng lượng trong khoảng thời gian kéo dài như đi bộ, Stairmaster, treadmill, bơi lội,nhảy dây (low -intensity, long-duration aerobic exercise), người nhiễm HIV không có triệu chứng có thể bắt đầu tập 30 phút, 3-4 lần/tuần, nếu không có vấn đề, tăng lên 45-60 phút.

9) Nên chú ý:

- Nếu bệnh, phải ngưng tập, dành năng lực cho cơ thể phục hồi cơn bệnh.
- Phải ăn uống thích đáng để cung cấp năng lực cho luyện tập.
- Cần đi khi khám bác sĩ nếu thấy không ổn.

Chúc bệnh nhân may mắn.
Bác sĩ Hồ văn Hiền
(Hien V. Ho, MD, FAAP)

--------------------------------------------------

Cảm ơn bác sĩ Hồ Văn Hiền. Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi Đáp Y Học này.

Quý vị có thể nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com, bấm vào mục Hỏi Đáp Y Học trong phần chuyên mục. Các bài giải đáp y học khác cũng được lưu trữ trong phần này.

Chúng tôi vẫn dành đường dây điện thoại miễn phí để tiếp nhận các thắc mắc khác của quý thính giả về sức khỏe và y học thường thức. Số điện thoại miễn phí dành cho mục Hỏi Đáp Y học là 202-205-7890, ngày giờ nhận câu hỏi là thứ ba và thứ năm mỗi tuần, từ 8 giờ 30 đến 9 giờ 30 tối, giờ Việt Nam. Quý vị cũng có thể gửi câu hỏi cho chúng tôi qua điện thư ở địa chỉ Vietnamese@voanews.com.