Ngày 14 tháng 1 năm 2016, Tổ chức Y tế Thế giới, tức WHO, ra thông báo bột phát cuối cùng của bệnh Ebola đã được chặn đứng và các "mắt xích lây truyền" của bệnh này được cắt đứt ở miền Tây châu Phi. Tuy nhiên WHO vẫn kêu gọi "cẩn thận" vì những bột phát nhỏ có thể xảy ra. Những bột phát nhỏ này là do siêu vi còn lẩn khuất trong cơ thể của những người từng mắc bệnh, đã khỏi bệnh mà người ta tưởng như đã hết bệnh. Chúng tôi đã hỏi Bác sĩ Hồ Văn Hiền về những thông tin cập nhật và xin những lời khuyên về dịch bệnh nguy hiểm này.
Lây siêu vi Ebola qua đường tính dục.
Your browser doesn’t support HTML5
Virus Ebola (Ebolavirus, EBOV) là một virus từng gây chết chóc ở Tây Châu Phi. Tên đặt theo tên thung lũng con sông Ebola ở Zaire (nay là Cộng hoà Dân chủ Congo), nơi "outbreak" (nhóm ca bệnh) đầu tiên được ghi nhận (1976). Bệnh do EBV gây ra gọi là Bệnh Virus Ebola (Ebola Virus Disease [EVD] hay trước đây còn gọi là Sốt Xuất huyết Ebola (SXH Ebola, Ebola Hemorrhagic Fever [EHF]).
Virus Ebola được truyền từ người này qua người khác do những chất lỏng của cơ thể (nước miếng, phân, nước tiểu, máu, tinh dịch). Thời gian ủ bệnh (incubation period) chừng 2-21 ngày, tuy nhiên có thể dài hơn. Gần đây người ta thấy virus ebola còn tồn tại trong tinh dịch (sperm) của người bệnh sau khi người đó đã hồi phục khỏi bệnh.
Virus được nhiễm vào cơ thể qua các niêm mạc (mũi, miệng), qua các vết nứt trong da, và qua đường không phải đường ăn uống (parenteral). Bệnh thường tiến triển nhanh đến mức hệ miễn nhiễm không đủ thời gian để dựng nên phản ứng đề kháng.
Triệu chứng EVD :
● nóng sốt (trên 38.6C hay 101.5F)
● nhức đầu dữ dội
● đau bắp thịt, yếu ớt, mệt mỏi
● ói mửa, tiêu chảy, đau bụng
● xuất hiện các vết bầm tím
● các triệu chứng xuất hiện 8-10 ngày sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh (có thể nhanh trong 2 ngày, dài đến 21 ngày)
Sau giai đoạn ban đầu với triệu chứng tương tự như cúm (flu-like symptoms), bệnh nhân có thể nổi ban (skin rash), đến giai đoạn tiêu hoá, xuất huyết: chảy máu ngoài da, mũi, âm đạo, ói ra máu, đi cầu ra máu. Trong giai đoạn cuối cùng, hiện tượng suy nhiều bộ phận (phổi làm khó thở, suy gan, suy thận; suy đa bộ phận [multi-organ failure]) và shock có thể xảy ra, và có thể chết.
Ngày 14 tháng 1 năm 2016, Tổ chức Y tế quốc tế ra thông báo outbreak (bột phát) cuối cùng của bệnh Ebola đã được chặn đứng và các 'mắt xích lây truyền" (chains of transmission) của bệnh này được cắt đứt ở miền Tây của Châu Phi, gồm các nước Liberia, Sierra Leone và Guinea, 42 ngày sau khi người bệnh cuối cùng của Liberia thử nghiệm âm tính với siêu vi này. 42 ngày là gấp đôi thời gian ủ bệnh (incubation period) của Ebola, người ta phải chờ đợi thời gian này để loại bỏ các trường hợp mới có thể đang trong thời kỳ ủ bệnh, cho chúng đủ thời gian để được phát hiện nếu có.
Từ lúc dịch Ebola bắt đầu 2 năm trước đây ở Tây Phi, đây là lần đầu tiên cả 3 nước này được tuyên bố là bệnh Ebola không còn lây lan nữa (“free of transmission of Ebola").
Thật đáng tiếc, chỉ một ngày sau, ngày 15 tháng 1 năm 2016, một trường hợp EVD mới, một phụ nữ 22 tuổi, lại xuất hiện và xác nhận tại Sierra Leone, lúc nước này còn trong thời gian 90 ngày đề cao cảnh giác (enhanced surveillance, “giai đoạn giám sát ở mức cao”) sau khi dứt được trường hợp cuối cùng ngày 7 tháng 11 năm 2015.
Tuy nhiên WHO vẫn kêu gọi "cẩn thận" vì những bột phát nhỏ (flare-up) có thể xảy ra, tương tự như 10 flare up đã từng xảy ra trước đó, sau khi dịch bệnh chính nguyên thuỷ đã bị trấn áp. Những flare up này là do siêu vi còn lẩn khuất trong cơ thể của những người từng 'sống sót" (survivors) mắc bệnh, khỏi bệnh và người ta tưởng như đã hết bệnh. Trong số trên 28.000 người mắc bệnh, hiện nay có chừng 16.000 người "sống sót" (Ebola survivors) ở Tây Phi, và những trường hợp lẻ tẻ xảy ra gần đây nhất, trong những biến cố gọi là "flare-up"là do virus Ebola còn tồn tại dai dẳng trong tinh dịch (semen) của người đàn ông còn sống sót qua cơn bệnh.
Tháng 3/2015 một phụ nữ Liberia được xác nhận mắc EBOV và người ta kết luận lý do duy nhất là bệnh nhân bị lây qua đường tính dục do giao hợp với một người đàn ông sống sót sau khi mắc EBOV. Thử nghiệm tinh dịch người này, hơn 6 tháng sau khi ông ta bị bệnh, có hiện diện những khúc RNA của EBOV (không phải virus EBOV nguyên vẹn, mà chỉ là những mảnh acid nhân RNA của genome của EBOV). Từ đó WHO và CDC (Hoa Kỳ) thay đổi các hướng dẫn về "hoạt động tính dục không che chở" (unprotected sex) cho người từng bị nhiễm EBOV.
Một khảo cứu công bố trên NEJM nói về kết quả tìm kiếm vết tích của EBOV trong tinh dịch của 100 người sống sót bệnh EBOV:
- Trong 3 tháng đầu, tất cả (9 người) đều phản ứng dương,
- 4-6 tháng: 65% dương,
- Và 7-9 tháng 26% dương, nghĩa là có RNA của EBOV trong tinh dịch.
Chúng ta không có số liệu về những người đã từng bị bệnh trên 10 tháng trước đó.
Do đó, đối với những người từng bệnh Ebola, chúng ta cần nhớ họ từng đau khổ và phấn đấu rất nhiều mới thoát khỏi căn bệnh hiểm nghèo này và thông cảm với họ. Họ có thể gặp nhiều khó khăn trong xã hội họ sống, kể cả việc bị người khác nghi ngại không căn cứ (stigmatization). Tuy nhiên, khuyến cáo hiện nay là cần tránh tiếp xúc trực tiếp với tinh dịch của người từng bị nhiễm Ebola, dù là giao hợp thường qua đường âm đạo, qua đường miệng (oral sex) hay đường hậu môn. Nếu vẫn phải tiếp xúc cần phải dùng bao cao su (condom) cho đến khi chúng ta có những thông tin mới về thời hạn virus tồn tại bao nhiêu lâu trong đường sinh dục người đàn ông. Tinh hoàn [testis] là nơi các tinh trùng được tạo ra, có thể được che chở đặc biệt đối với hệ miễn nhiễm phụ trách tiêu diệt các tế bào mà cơ thể cho là "ngoại lai". Nhân nói về dùng bao cao su, cần dùng condom đúng cách thì mới hữu hiệu, như chọn đúng cỡ cho nó đừng tuột ra, dùng bao cao su phẩm chất tốt và mang đúng cách.
Tôi không tìm được các tin tức về sự tồn tại dai dẳng hay không của những người phái nữ sống sót sau khi hết bệnh nhiễm Ebola. Tuy nhiên, các khảo cứu cho thấy bệnh nhân nhiễm virus Ebola có thể bị nhiều dư chứng (sequelae) như mệt mỏi, đau mắt, mờ mắt, đau bụng, bất lực (impotence), lãng tai, mất trí nhớ tuy thử máu thì không thấy gì bất bình thường. Có nghĩa dùng các thử nghiệm thông thường, có thể khó giải thích những triệu chứng trên những người sống sót bệnh do Ebola, cũng như chúng ta chưa biết rõ virus Ebola còn tồn tại bao lâu trong cơ thể.
Pauline Cafferkey, một điều dưỡng viên người Anh tình nguyện ở Sierra Leone, bị nhiễm Ebola, chữa lành (1/2015), thì 9 tháng sau (10/2015) bị triệu chứng viêm màng óc, do cũng chính con virus này gây ra. Bệnh rất nặng nhưng may mắn chữa khỏi được. Sở dĩ như vậy vì virus còn tồn tại dai dẳng trong hệ thần kinh (bộ óc, tuỷ sống), tinh hoàn (testes), và phòng trước của nhãn cầu (anterior chamber of the eye), là những nơi mà hệ miễn nhiễm phòng thủ cơ thể của chúng ta không tiếp cận dễ dàng như các bộ phận khác, có lẽ vì thế mà virus trốn lâu dài trong các bộ phận này, trong lúc thử nghiệm máu thì không phát hiện được. Những trường hợp như vậy mà trước đây các bác sĩ không ngờ sẽ có thể xảy ra, bệnh Ebola tưởng đã dứt nhờ chữa trị ban đầu, sau đó tái phát nặng trở lại cho thấy chúng ta còn nhiều điều cần học hỏi về các chuyển biến tự nhiên của siêu vi Ebola trong cơ thể con người.
Một số người Việt Nam làm việc ở các nước Tây Phi. Theo báo Việt Nam thì có chừng vài chục người Việt đang làm việc ở Sierra Leone và Liberia. Cũng có một số đáng kể người Tây Phi, nhất là người Nigeria sinh sống tại Việt Nam.
Liberia là nơi xuất phát của ca bệnh nhân Ebola đầu tiên ở Mỹ, Thomas Duncan. Liberia, được thành lập vào đầu thế kỷ thứ 19 do những người Mỹ gốc Châu Phi hồi hương lập quốc, chỉ có dưới 5 triệu dân, lợi tức đầu người chừng ngang với Việt Nam ($2.000), mức phát triển con người thuộc loại thấp nhất thế giới, và hạ tầng cơ sở cũng như mạng lưới y tế hoàn toàn suy sụp sau 13 năm nội chiến. Cho nên dịch Ebola hoành hành dữ dội trong xứ này, và chỉ khắc phục được nhờ WHO, CDC (USA) và quốc tế giúp đỡ. Sierra Leone và Guinea cũng có dân trí thuộc hạng rất thấp, lợi tức thấp, khoảng trên dưới $1.000/đầu người và nền y tế rất yếu ớt do nội chiến, không đủ sức tự mình đối phó với các bệnh dịch, do đó số tử vong do Ebola lên đến hàng ngàn người.
Riêng Nigeria, với dân số 173 triệu người, là nước lớn nhất trong vùng dọc theo bờ biển Tây Phi (GPD đầu người $3.000, cao hơn Việt Nam), chỉ bị dịch Ebola gây tổn thất nhẹ. Chỉ có 7 người chết vì bệnh này. Dịch ở Nigeria bắt đầu tháng 7 năm 2014 sau khi một doanh nhân từ Liberia đem bệnh này vào Nigeria, và cơn dịch chấm dứt từ tháng 10 năm 2014. Nigeria thực hiện được thành tích này do họ có một hạ tầng cơ sở vững chắc về y tế để thử nghiệm và cách ly các bệnh nhân bị nhiễm EBOV. Nếu không, bệnh đã lan qua thủ đô Lagos với 21 triệu dân và cơn dịch bệnh đã không được ngăn chặn nhanh như vậy.
Theo CDC, Mỹ vẫn áp dụng những biện pháp "gia tăng sàng lọc và theo dõi" về bệnh Ebola cho những người du lịch từ các nước Tây Phi, nhưng hiện nay các biện pháp này được nới lỏng (enhanced screening and monitoring for travelers).
Tháng 10/2014, báo Thanh Niên loan tin Việt Nam theo dõi (monitor) 242 người trong đó có 40 người Việt, nhưng hình như không có trường hợp nhiễm Ebola nào được xác nhận. Theo báo Việt Nam, hiện nay (2016) có nhiều người gốc Tây Phi làm ăn ở Sài Gòn. Theo báo Thanh Niên (12/1/16) “Mỗi tháng có trên dưới 1.000 người châu Phi ra vào TP.HCM, trong đó có khoảng 400 - 600 người châu Phi sinh sống, làm ăn, kinh doanh ở TP.HCM - lưu trú ổn định."
Những tin tức chúng ta bàn ở trên đây cho thấy là bệnh do Ebola gây ra là một bệnh mới trong danh sách các bệnh lây qua đường sex. Tuy nhiên bệnh Ebola dễ lây và nguy hiểm hơn các bệnh da liễu như giang mai (syphilis), lậu (gonorrhea) hay những bệnh truyền qua máu và chất tiết như viêm gan B, HIV. Cũng xin nhắc lại ở đây là lúc tiếp xúc tính dục với người nào, chúng ta tiếp cận luôn với tất cả những gì đã xảy ra trong quá khứ của họ, không những về virus Ebola mà luôn cả những bệnh khác có thể lây lan qua đường tính dục như viêm gan B, lậu, giang mai, HIV...An toàn nhất là tránh (abstinence), không thực hành "sex" bừa bãi. Nếu không tránh được, bước đầu đơn giản nhất vẫn là dùng bao cao su (condom) trong mọi trường hợp, ngoại trừ trường hợp cần thụ thai để sinh sản cần hỏi ý bác sĩ.
Đương nhiên, cũng giống như tình trạng các nước Tây Phi, trong trường hợp dịch EBOV kết quả chống bệnh tuỳ thuộc vào hạ tầng cơ sở y tế công cộng cũng như khả năng thử nghiệm (Test), cách ly các trường hợp bệnh, trình độ của dân chúng để tuân thủ các hướng dẫn của các cơ quan y tế công cộng. Trong quá khứ Việt Nam từng có kinh nghiệm trong việc đối phó hữu hiệu với các dịch như SARS (2003), cúm gà (H5N1; H7N9 [2013-2014]). Theo một viên chức sở Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO) sự sẵn sàng đáp ứng với cúm gà của giới y tế Việt Nam từng được xem là mẫu mực cho vùng (“Vietnam’s preparedness and response actions should be seen as a model for the region”). Riêng trên bình diện cá nhân, chúng ta cũng cần tìm hiểu để ý thức về cơ nguy bệnh EBOV có thể xảy ra bất cứ ở đâu, không riêng gì ở Tây Phi. Điểm đáng chú ý gần đây nhất là EBOV có thể hiện diện trong cơ thể một số người từng được coi đã hết bệnh, và quan hệ tính dục trong các hình thức khác nhau có thể là đường truyền virus nguy hiểm và dễ lây lan này.
Nguồn tham khảo/References:
1) CDC: MMWR 5/1/2015 Possible Sexual Transmission of Ebola Virus — Liberia, 2015
“Previously, CDC and WHO recommended abstinence or condom use for at least 3 months following recovery from Ebola. However, to prevent transmission of Ebola, contact with semen from male survivors should be avoided. If male survivors have sex (oral, vaginal, or anal), a condom should be used correctly and consistently every time until further information is known. Used condoms should be handled and disposed of safely to avoid contact with semen. After handling of condoms, or following any physical contact with semen, skin should be washed thoroughly with soap and water.” http://www.cdc.gov/mmwr/preview/mmwrhtml/mm6417a6.htm
2) Deen G F Ebola RNA Persistence in Semen of Ebola Virus Disease Survivors — Preliminary Report
http://www.nejm.org/doi/full/10.1056/NEJMoa1511410#t=article
3) http://www.who.int/mediacentre/news/releases/2016/ebola-zero-liberia/en/#.Vpk1hKdOzpY.email
4) The Guardian: Ebola nurse Pauline Cafferkey nearly died from meningitis, doctors say
http://www.theguardian.com/world/2015/oct/21/ebola-nurse-pauline-cafferkey-condition-serious-but-stable-royal-free-hospital
5) Long-term Ebola effects of Ebola infection
http://www.virology.ws/2015/06/18/long-term-effects-of-ebolavirus-infection/
6) http://www.bbc.com/news/world-africa-34482989
7) Availability of essential health services in post-conflict Liberia
http://www.who.int/bulletin/volumes/88/7/09-071068/en/
8) THE SARS EPIDEMIC: CONTAINMENT; How Vietnam Halted SARS And Saved the Life of a Nurse
http://www.nytimes.com/2003/05/07/world/sars-epidemic-containment-vietnam-halted-sars-saved-life-nurse.html
9) Nature: Vietnam on high alert over flu risk
http://www.nature.com/news/vietnam-on-high-alert-over-flu-risk-1.14764
Chúc quý vị thính giả may mắn.
Bác sĩ Hồ Văn Hiền
-----------------------------------
Cảm ơn bác sĩ Hồ Văn Hiền. Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi đáp Y học này.
Quý vị có thể nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com
Qúy vị muốn được giải đáp các thắc mắc về những vấn đề y học thường thức, xin gọi đến số (202) 205-7890, hoặc E-mail đến địa chỉ <vietnamese@voanews.com> để sắp xếp hẹn trả lời cho buổi phát thanh kế tiếp.
Các bác sĩ của chuyên mục Hỏi đáp Y học Trực tiếp của đài VOA sẽ cố gắng giải đáp các thắc mắc về y học của qúy vị.