Thính giả Nguyễn Thanh Khang, ở Toronto, Canada, hỏi:
“Kính thưa Bác sĩ,
Tôi tên Nguyễn Thanh Khang, 83 tuổi, ở Toronto, Canada.
Hai năm nay tôi bị ho, bác sĩ gia đình bảo là ho dị ứng có cho thuốc ho nước và viên nhưng không hết. Bác sĩ cho đi thử máu, thử nước tiểu, chụp phim phổi, siêu âm cổ. Tất cả đều khám 2 lần, kết quả đều tốt. Nhưng vẫn ho chừng chừng.
Tôi có ông bạn ở bắc Cali mách cho tôi thứ thuốc mà ông đã dùng và trị hết ho. Đó là Robitussin AC LIQ Mỗi lần uống 10 ml., ngày 3 lần.
Tôi uống tiếp 3 ve thì hết ho. Tôi nghỉ uống 4 ngày thì ho trở lại. Tôi để xem ra sao thì ho nhiều tôi phải mua uống tiếp. Phải có toa bác sĩ mới mua được.
Thuốc này uống lâu ngày có hại gì không ?
Trân trọng,
Nguyễn Thanh Khang"
Bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời:
Your browser doesn’t support HTML5
Cũng như mọi khi, tôi xin nói rõ là tôi không thể cho ý kiến cho trường hợp cá biệt. Tôi chỉ xin có một số nhận xét tổng quát mà thôi, với một số kiến thức được chấp nhận và phổ biến hiện nay.
1) Về thuốc ho, đối với bệnh nhân có vẻ đơn giản, nhưng đối với bác sĩ đây là một vấn đề rắc rối, nhiều tranh luận. Nền y học hiện nay muốn căn cứ trên các bằng chứng khách quan, vậy mà khó tìm được bằng chứng khách quan cho thấy "thuốc ho" giúp ích cho bệnh nhân phục hồi, hết bệnh nhanh hơn. Đa số bệnh nhân bị cảm cúm do nhiễm trùng siêu vi không hồi phục nhanh hơn người không uống thuốc ho. Những biện pháp như xông hơi nước, ăn cháo gà, uống nước nhiều, đầy đủ (bệnh nhân nóng sốt dễ mất nước vì mồ hôi), tỏi, nước trà gừng (ginger tea), nghỉ ngơi có lẽ ích lợi hơn.
2) Riêng về triệu chứng ho, ho cũng có mục đích của nó: giúp cho cơ thể thanh toán, đẩy ra ngoài những chất đàm nhớt từ mũi chảy xuống họng, trong cuống phổi. Tuy nhiên, nếu ho không ra đàm thì làm mất ngủ, khó chịu, bực mình. Nhất là đối với trẻ con, làm cha mẹ lo lắng, nhất là một số cha mẹ sợ rằng nếu bé ho mà không uống thuốc ho sẽ trở nặng thành "sưng phổi". "Thuốc ho" là một sản phẩm kinh doanh hàng tỷ đô la một năm ở Mỹ. Đa số chứa chất guaifenesin làm cho lỏng đờm gọi là "expectorant" (vd Mucinex), chất dextromethorphan (trong các thuốc ho có thêm hai chữ DM như Robitussin DM, Mucinex DM ); có thể thêm acetaminophen, làm giảm nóng và giảm đau.
Một số thuốc "cảm" muốn bao thêm các triệu chứng khác (“multi-symptom” cold medicine), chứa thêm chất làm bớt nghẹt mũi, bớt đàm như phenylephrine, pseudoephedrine; chất kháng histamine (antihistaminic, vd brompheniramine). Hai chất sau này có thể làm bệnh nhân lừ nhừ, hoặc bị kích thích, bứt rứt, khó ngủ.
Các phản ứng phụ này làm cho một số trẻ em phải vào phòng cấp cứu lúc các em ngộ độc vì các em uống các chai thuốc ho cảm lúc cha mẹ sơ ý. Hay phụ huynh cũng có thể cho các em uống nhiều quá, thấy em chưa giảm ho thì cho uống thêm nữa mặc dù chưa đến giờ, hay cho uống hai ba thứ thuốc mà không biết rằng tác dụng kích thích hay là buồn ngủ, làm lơ mơ, làm giảm nóng (acetaminophen) của các thuốc này cộng với nhau tới mức độc hại.
Hiện nay, FDA không chấp thuận dùng thuốc "cảm" (cold medicine) mua không cần toa cho trẻ dưới 24 tháng. AAP khuyến cáo tránh dùng thuốc "ho, cảm " cho trẻ dưới 6 tuổi (trừ trường hợp theo hướng dẫn của bác sĩ).
Đối với người lớn, các "thuốc cảm, thuốc ho" mua tự do nói trên tương đối an toàn nếu dùng theo đúng hướng dẫn.
3) Riêng thuốc Robitussin AC chứa chất làm lỏng đàm guaifenesin (100mg/5ml) và codeine (10mg/5ml) là một chất narcotic nhẹ có khả năng ức chế phản xạ ho. Vào cơ thể, codeine được chuyển hoá từ từ thành morphine, là chất ma tuý mạnh trong thuốc phiện. Codeine dùng lâu có thể gây nghiện. Một số trẻ em bị chết vì ngộ độc codeine trong vòng 1-2 ngày sau khi codeine đựoc dùng làm chất giảm đau sau khi giải phẫu cắt a-mi-đan. Những trẻ em này chuyển hoá codeine thành morphine quá nhanh (ultra-rapid metabolizers of codeine) tạo nên một lượng morphine nguy hiểm trong cơ thể chúng, mặc dù liều codeine được dùng là liều trung bình được chấp nhận.
Hiện nay, DEA (cơ quan kiểm soát thuốc men Mỹ "Drugs Enforcement Agency") xếp codeine vào Schedule II, bị kiểm soát cùng schedule với cocaine. Thuốc ho như Robitussin AC vì chứa một lượng nhỏ codeine, thuộc schedule V, nhưng vẫn bị DEA kiểm soát. (DEA xếp loại schedule từ I đến V, schedule I bị kiểm soát chặt chẽ nhất, schedule V ít nhất).
Nói chung không nên dùng thuốc ho có codeine như Robitussin AC hay Robitussin DAC (có thêm chất decongestant cho các bệnh ho kinh niên, ví dụ do suyễn, viêm cuống phổi mãn tính, phổi khí thũng (emphysema), ho ra đàm nhiều.)
Một số thuốc trị bệnh áp huyết cao, thuộc loại "ACE inhibitors" (vd lisinopril) có thể làm tăng lượng bradykinin và substance P trong cuống phổi, làm cho bệnh nhân ho khan, không có đàm trong 5-35% trường hợp, phải đổi qua thuốc khác. Một loại thuốc khác gọi là beta-blockers có khả năng làm cuống phổi thắt lại, khò khè và ho. (Thuốc hạ áp huyết amlodipine thuộc loại thuốc trị bệnh áp huyết cao “calcium channel blocker”, không làm ho.)
Tóm lại, càng dùng nhiều thuốc càng nên cẩn thận tương tác giữa các thuốc, cũng như trùng lặp các thuốc. Nên hỏi ý bác sĩ để được hướng dẫn. Ho chỉ là một triệu chứng, có thể do bệnh hay do ô nhiễm môi trường. Thuốc ho chỉ là là biện pháp tạm thời, không thể hay không nên dùng lâu dài, nhất là đối với người lớn tuổi hay trẻ nhỏ.
Những thông tin về các “thuốc ho” đều là những đề tài gây tranh luận, cũng như tuỳ theo vị trí người viết có tư lợi gì trong việc khen hay chê các thuốc đó hay không. Tôi xin liệt kê những nguồn thông tin được dùng sau đây để quý vị tham khảo nếu muốn.
Xin cảm ơn vị thính giả Nguyễn Thanh Khang đã đặt câu hỏi có thể giúp ích cho những người khác có thắc mắc tương tự về vấn đề dùng thuốc, nhất là ở trẻ em và người già.
Chúc quý thính giả may mắn.
Nguồn tham khảo:
1) OTC Cough and Cold Products: Not For Infants and Children Under 2 Years of Age
http://www.fda.gov/ForConsumers/ConsumerUpdates/ucm048682.htm
2) http://www.deadiversion.usdoj.gov/schedules/orangebook/c_cs_alpha.pdf
3) http://www.dea.gov/druginfo/ds.shtml
4) http://www.fda.gov/ForConsumers/ConsumerUpdates/ucm315497.htm
5) Why Do Antihypertensives Cause Cough?
http://www.medscape.com/viewarticle/739521
Bác sĩ Hồ Văn Hiền
----------------------------------------
Cảm ơn bác sĩ Hồ Văn Hiền. Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi đáp Y học này.
Quý vị có thể nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com
Quý vị muốn được giải đáp các thắc mắc về những vấn đề y học thường thức, xin gọi đến số (202) 205-7890, hoặc E-mail đến địa chỉ <vietnamese@voanews.com> để sắp xếp hẹn trả lời cho buổi phát thanh kế tiếp.
Các bác sĩ của chuyên mục Hỏi đáp Y học Trực tiếp của đài VOA sẽ cố gắng giải đáp các thắc mắc về y học của quý vị.