Sau nhiều tuần đóng cửa vì dịch Covid-19, các trường học ở Việt Nam mở cửa trở lại hôm 4/5. Học sinh đến trường với khẩu trang, tấm chắn giọt bắn và dung dịch sát khuẩn tay. Tuy nhiên, trong cùng ngày, nhiều phụ huynh và giáo viên lên mạng xã hội bày tỏ lo ngại rằng tấm chắn đó có hại cho học sinh nhiều hơn là có lợi.
Nhiều bài tường thuật của báo chí trong nước kèm theo những bức ảnh cho thấy các học sinh đeo khẩu trang và tấm chắn giọt bắn tại nhiều trường học ở Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh và ở một số địa phương khác.
Nhìn nó rất là kỳ cục. Trong thời điểm hiện nay, giờ học trên lớp, ngồi trong phòng học kín, không khí đối lưu trong cả phòng mà đeo cái đó thì không có tác dụng gì cả.Thấy giáo Đỗ Việt Khoa
Trên mạng xã hội Facebook, theo quan sát của VOA, có rất nhiều ý kiến của các bậc cha mẹ, một số giáo viên và bác sĩ cho rằng tấm chắn gây ra “bất tiện” và “khổ sở” cho các học sinh.
Diễn đàn mang tên Nhật ký yêu nước thậm chí có bài gọi đó là “sáng kiến ngu ngốc” và tỏ ý nghi ngờ rằng đây sự bắt tay của các nhóm lợi ích đứng đằng sau việc sản xuất và bán đồng phục, trang bị cho học sinh.
Thầy giáo Đỗ Việt Khoa ở Hà Nội, một người được biết tiếng về chống tiêu cực trong thi cử, nói với VOA ông đồng ý rằng tấm chắn đó là một “tối kiến”:
“Nhìn nó rất là kỳ cục. Trong thời điểm hiện nay, giờ học trên lớp, ngồi trong phòng học kín, không khí đối lưu trong cả phòng mà đeo cái đó thì không có tác dụng gì cả, gây hạn chế rất nhiều cho việc học, tiếp xúc, rất là khó chịu”.
Hồi cuối tháng 4, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam ban hành bản chỉ dẫn về việc mở cửa trở lại các trường học với lưu ý rằng các nhà trường phải bảo đảm giãn cách giữa các học sinh, cũng như yêu cầu học sinh và giáo viên đeo khẩu trang đúng cách, cùng với thường xuyên rửa tay bằng xà phòng. Quy định của bộ không nhắc đến tấm chắn giọt bắn.
Thầy Đỗ Việt Khoa xác nhận với VOA rằng việc trang bị tấm chắn là quyết định riêng của các trường. Trong khi đó, có những bài báo cho biết một số nhà hảo tâm hoặc hội phụ huynh cung cấp sản phẩm này tại một vài trường.
Nhà báo kỳ cựu có nickname Hoang Linh viết trên Facebook cá nhân rằng “nhà trường và ngành giáo dục không có quyền bắt học sinh đeo mặt nạ” và ông yêu cầu cần có một hội đồng khoa học cấp chính phủ xác định xem dụng cụ này có an toàn hay không.
Vẫn nhà báo này đưa ra quan điểm rằng khi học sinh đeo khẩu trang rồi, việc đeo thêm tấm chắn mà ông gọi là “mặt nạ tự chế” là “không cần thiết, ảnh hưởng đến thị lực và khả năng tập trung”.
Bà Trần Thu Hà, một nhà báo và tác giả sách về nuôi dạy con có tới gần 220.000 người theo dõi qua Facebook, viết trên trang cá nhân rằng bà cũng nghi ngờ về tính khả thi trong phòng ngừa dịch Covid-19 bằng cách trang bị tấm che giọt bắn cho học sinh.
Cái lo lắng của phụ huynh cũng phải thôi. Miếng nhựa đó có thể có những yếu tố như một thấu kính hội tụ. Nó cũng có thể có ảnh hưởng.Thầy giáo Đỗ Việt Khoa
Cũng như nhà báo Hoang Linh, bà Hà đặt ra câu hỏi liệu tấm che có nguy cơ như thế nào về loạn thị, cận thị ở học sinh, chưa kể đến các vấn đề có hại tiềm ẩn khác như thiếu oxy cho não hay nấm mốc.
Đó cũng là ý kiến chung của nhiều phụ huynh bày tỏ trên mạng xã hội, theo quan sát của VOA. Thầy giáo Đỗ Việt Khoa nói với VOA rằng các phụ huynh có cảm giác bất an là hoàn toàn chính đáng:
“Cái lo lắng của phụ huynh cũng phải thôi. Miếng nhựa đó có thể có những yếu tố như một thấu kính hội tụ. Nó cũng có thể có ảnh hưởng. Tôi nghĩ các cháu chỉ đeo lúc học. Lúc ra khỏi lớp, ra sân chơi, chúng lại tụ tập, túm năm tụm ba thì biện pháp đó không có tác dụng đâu. Cho nên theo tôi nên bỏ biện pháp đấy đi”.
Hai bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hiền, Hoàng Cương thuộc Bệnh viện Mắt Trung ương, và bác sĩ Nguyễn Tiến Phúc thuộc Phòng khám Mắt EyeZone Hải Phòng được các báo mạng VTC News và VietnamNet trích lời đưa ra phân tích rằng các tấm chắn “không đảm bảo tính trong suốt và độ thật của hình ảnh”, vì vậy, nếu đeo khi học tập “sẽ gây ảnh hưởng đến thị lực”.
Đứng từ góc độ là người trong ngành giáo dục, thày giáo Đỗ Việt Khoa khẳng định với VOA rằng các trường học Việt Nam không cần đến các biện pháp thái quá mà chỉ cần các học sinh và giáo viên đeo khẩu trang, giữ khoảng cách là đủ.
Trong gần 3 tuần qua, từ 16/4 đến 5/5, Việt Nam không có ca nhiễm Covid-19 mới nào, theo trang Facebook chính thức của chính phủ Việt Nam. Tổng số ca nhiễm được ghi nhận ở đất nước này là 271 người.
Thống kê chính thức của nhà nước khẳng định không có ca tử vong nào vì dịch này, mặc dù một người từng có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19 hôm 7/4 mới qua đời ở tỉnh Hà Nam hôm 1/5.
Bộ Y tế Việt Nam nói hôm 4/5 rằng nam bệnh nhân 64 tuổi trước khi chết đã có 4 lần xét nghiệm Covid-19 với kết quả âm tính và nguyên nhân tử vong là do xơ gan.