Scott McNealy, Chủ tịch hãng Sun Microsystems, đã chế nhạo Bill Gates về chuyện tỷ phú này không có bằng đại học. Trớ trêu thay, Scott McNealy mới chỉ là triệu phú, trong khi khối tài sản khổng lồ của Bill Gates bỏ xa những gì thuộc về Scott McNealy. Trong số những tỷ phú không có bằng đại học còn có Steve Jobs, vị CEO lừng lẫy đã qua đời của hãng Apple; tỷ phú Lawrence Ellision của hãng Oracle; tỷ phú Sheldon Adelson, người sở hữu mạng lưới khách sạn và sòng bạc khắp thế giới… và còn rất nhiều những tỷ phú không có bằng đại học khác. Chúng ta thường hay “động viên” lẫn nhau theo kiểu “Bill Gates có bằng đại học đâu mà vẫn giàu đó”, đại loại theo kiểu học cũng chỉ là hình thức chứ làm giàu thì cũng đâu nhất thiết phải đi học. Đó là kiểu động viên vô thưởng vô phạt nhưng từ những điều vô thưởng vô phạt đó thì lại có khi dẫn đến tâm lý chai ì, lười hoạch định và ỷ lại của người trẻ.
Nếu như tôi nói: “Thằng Tư đầu xóm nhà tôi cũng chẳng có bằng đại học như Bill Gates và đang chạy xe ôm kiếm vài đồng sống qua ngày”, thì câu chuyện lại khác. Thực tế là những trường hợp như Bill Gates, Steve Jobs, Lawrence Ellision hay Sheldon Adelson là những trường hợp đặc biệt, trong vạn người may ra có một người. Danh sách những tỷ phú không có bằng đại học đúng là nhiều thật nhưng danh sách những người nghèo không có bằng đại học lại gấp hàng ngàn lần số ấy. Nói như vậy không có nghĩa không có bằng đại học là không được hoặc có bằng đại học mới có cơ hội làm giàu. Vấn đề ở đây không phải việc sỡ hữu một tấm bằng đại học là nhất thiết mà là sự học mới là vấn đề quan trọng cần mỗi người ưu tiên.
Khi nhắc đến học hành, trong đầu mỗi người gần như đều liên tưởng đến hình ảnh trường lớp, thầy cô, bục giảng, rất cứng nhắc và nhàm chán. Chúng ta cần thoát khỏi những hình ảnh đó mà hướng tâm trí đến sự đa dạng của hình thức học hành. Ngày nay với sự tiến bộ của công nghệ, chúng ta thậm chí còn có thể học tại nhà ở Việt Nam mà vẫn có bằng đại học chính quy của các trường đại học danh tiếng ở Mỹ. Việc học còn thông qua hình thức cơ bản nhất là quan sát và tự đúc kết. Do đó, sự học phong phú về hình thức và đa dạng về nhu cầu. Trong bài viết này, sở dĩ tôi nhắc nhiều đến vấn đề học là do tôi thấy việc học là yếu tố cơ bản nhất trong việc thay đổi nhận thức, tư duy và số phận của một con người. Có thể miêu tả như sau:
Học à thay đổi tư duy/nhận thức à thay đổi quyết định à thay đổi hành động à thay đổi số phận.
Những hình thức học làm thay đổi tư duy/nhận thức theo tôi là:
- Đọc sách:
Đọc sách là hình thức phổ biến nhất của việc học. Mặc dù đã có rất nhiều hình thức truyền tải thông tin khác nhưng đọc sách vẫn được nhiều người ưa chuộng. Tôi chẳng phải là người mê đọc sách, nói thẳng ra là lười, nhưng một khi tôi đã tự ép mình để đọc một cuốn sách thì sau cuốn sách đó, tư duy tôi thay đổi tương đối nhiều. Đọc sách cũng là hình thức khiến người ta phải động não nhiều hơn là xem TV hay nghe radio. Một số quyển sách kinh điển như The Toyota Way của John Shook hay Good To Great của Jim Collins… là những quyển sách hay mà vị CEO của nơi tôi làm việc đã giới thiệu cho tôi.
- Xem TV:
Đối với những ai đang học ngoại ngữ thì xem TV hay xem phim là hình thức tuyệt vời nhất để luyện nghe. Tôi từng là một sinh viên chuyên ngành Anh ngữ và tôi đã được chỉ dạy một bí quyết luyện nghe từ giáo sư của mình là cứ bật TV chương trình tiếng Anh lên và để đấy. Chẳng cần biết là bạn có chăm chú lắng nghe hay không, nhưng việc TV cứ ra rả suốt ngày các chương trình tiếng Anh thì não của bạn quen dần với việc nghe phong cách và ngữ điệu trong tiếng Anh. Đó cũng là một hình thức luyện cách nhấn nhá khi nói chuyện bằng tiếng Anh cho tự nhiên.
- Internet:
Internet là ứng dụng cuộc sống tuyệt vời nhất mà tôi từng biết. Không đến mức là nghiện nhưng ở nhà tôi nếu một ngày không có internet thì mọi thứ khó chấp nhận như việc đi ra ngoài mà bỏ quên điện thoại di động ở nhà vậy. Tôi tự học nhiều qua internet. Tôi học kỹ năng sử dụng Photoshop để chỉnh sửa ảnh và Adobe Audition để thu âm và xử lý âm thanh cũng qua Youtube từ internet. Các bạn nữ cũng có thể học cách nấu ăn, cách trang điểm qua internet.
- Đường phố
Đường phố chính là phản ánh một nét của xã hội, chính đường phố sẽ là phương tiện mà cũng là môi trường học tập tốt nhất và thực tế nhất. Quan sát đường phố, quan sát nhu cầu của cư dân qua lại và đúc kết ra cần phải kinh doanh một dịch vụ nào đó phục vụ cho nhu cầu của những cư dân đó, chẳng phải là một cách học hay sao?
- Công sở
Nhiều người nghĩ rằng một khi đã vào công sở làm việc thì chẳng có ai cho phép bản thân ngồi làm việc riêng (trong đó có việc học). Đúng là như vậy nhưng học bao gồm những hình thức chỉ cần sử dụng ngũ quan và một chút tư duy động não. Học cách điều hành từ cấp trên, học chị văn thư cách photo tài liệu, học cô tiếp tân cách nghe điện thoại (trong bao nhiêu hồi chuông là phải trả lời, từ chối cung cấp thông tin sao cho nhã nhặn). Ngay cả khi nhận một công việc mới cũng là cách để học. Chẳng hạn như bản thân tôi chuẩn bị phải đảm nhận thêm những công tác liên quan đến việc đặt phòng qua mạng của khách sạn 5 sao, tôi phải mua sách e-commerce về đọc và tự tìm hiểu thêm thông qua cấp trên và đồng nghiệp.
Giống như tiêu đề của bài viết này đã nói lên tất cả ý nghĩa và mục đích mà tôi muốn hướng đến: chúng ta hãy học để cùng nhau thay đổi. Thay đổi vì một tương lai tươi sáng hơn, vì một xã hội tốt đẹp hơn và vì một đất nước tiến bộ hơn. Trong tất cả mọi vấn đề, yếu tố con người vẫn là yếu tố quan trọng hàng đầu. Vì vậy, muốn thay đổi, hãy thay đổi từ chính con người. Và muốn như vậy, mỗi con người cần là một sinh viên đi học trong bất cứ ngõ ngách nào của cuộc sống.
* Blog của Cao Huy Huân là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.