Hoa Kỳ và Việt Nam mới đây đã đạt đồng thuận về việc hợp tác chống biến đổi khí hậu và hướng tới năng lượng sạch.
Theo Nhà Trắng, trong chuyến thăm Việt Nam hồi cuối tháng Tám, Phó Tổng thống Harris và các nhà lãnh đạo của chính phủ và xã hội dân sự Việt Nam “đã nhất trí về tầm quan trọng của việc chống lại cuộc khủng hoảng khí hậu, tăng cường khả năng phục hồi và hợp tác hướng tới một tương lai năng lượng sạch”.
Tin cho hay, một trong các hành động cụ thể là “tận dụng vai trò của lĩnh vực tư nhân trong hành động ứng phó với biến đổi khí hậu”.
Thông cáo của Nhà Trắng nói rằng Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã ký Bản Ghi nhớ (MOU) về nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam, mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường cho các doanh nghiệp của Hoa Kỳ, đồng thời hỗ trợ tăng cường chính sách môi trường của Việt Nam.
Bản ghi nhớ này được cho là “sẽ giúp cải thiện nỗ lực trọng tâm của VCCI về tính bền vững, công nghệ xanh và biến đổi khí hậu” và rằng “USAID cũng dự định hỗ trợ VCCI xây dựng Chỉ số Xanh nhằm giúp các doanh nghiệp của Hoa Kỳ trong việc chọn ra các tỉnh/ thành đang đầu tư vào hoạt động xanh”.
Ngoài ra, chính phủ Hoa Kỳ cho biết đã công bố dự án “Năng lượng Phát thải Thấp Việt Nam II (V-LEEP II)”, một dự án 5 năm do USAID tài trợ với ngân sách 36 triệu đô la nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của Việt Nam sang một hệ thống năng lượng sạch, đảm bảo và theo định hướng thị trường.
“Dự án sẽ hỗ trợ cải thiện công tác quy hoạch năng lượng của chính phủ, nâng cao tính cạnh tranh để khuyến khích khu vực tư nhân của Hoa Kỳ tham gia cung cấp dịch vụ năng lượng, đồng thời gia tăng số lượng các hệ thống năng lượng sạch. Dự án sẽ giúp Việt Nam mở rộng quy mô sử dụng xe máy điện và triển khai cơ chế Hợp đồng Mua bán Điện Trực tiếp (DPPA), qua đó cho phép doanh nghiệp mua điện trực tiếp từ các công ty tư nhân sản xuất năng lượng tái tạo”, theo thông báo của Nhà Trắng.
Phát biểu trong cuộc họp báo ở Hà Nội hôm 26/8, bà Harris cho biết rằng phía Hoa Kỳ đã “công bố các sáng kiến giúp Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế kỹ thuật số hơn và nó sẽ giúp phát triển các doanh nghiệp do phụ nữ và người dân tộc thiểu số làm chủ”.
Bà nói thêm: “Là một phần của quan hệ đối tác kinh tế, chúng tôi cũng đã đạt được các thỏa thuận về tầm quan trọng của việc giải quyết khủng hoảng khí hậu và hợp tác hướng tới một tương lai năng lượng sạch. Ngoài các cuộc trò chuyện rộng rãi mà tôi đã có với các nhà lãnh đạo của chính phủ Việt Nam, tôi cũng đã có các cuộc trò chuyện với các nhà lãnh đạo trẻ đang làm việc trong cộng đồng về chính vấn đề này”.
Ngoài các bước đi trên, theo Nhà Trắng, chính phủ Hoa Kỳ đã khởi động dự án kéo dài 3 năm có tên gọi “Bảo tồn Biển đồng bằng sông Cửu Long” với ngân sách 2,9 triệu đôla do Hiệp hội quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (IUCN) triển khai.
“Cùng nhau và cùng với các đối tác toàn cầu, Hoa Kỳ và Việt Nam có thể giải quyết những thách thức chung về khí hậu và tạo ra các giải pháp sáng tạo nhằm cải thiện an ninh lương thực và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên toàn thế giới”, thông báo của Nhà Trắng có đoạn.
Hồi tháng Ba, một đại diện của Hoa Kỳ vừa đưa ra cam kết sẽ tăng cường hợp tác và hỗ trợ cho các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, ứng phó với vấn đề biến đổi khí hậu, trang tin của chính phủ Việt Nam cho biết.
Cam kết của Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden về vấn đề biến đổi khí hậu, John Kerry, được đưa ra trong cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo Việt Nam khi đó là Phó Thủ tướng – Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh.
Tại cuộc họp, phía Việt Nam hoan nghênh động thái tái gia nhập Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu của chính quyền Biden, đồng thời đề cập đến việc Việt Nam là một trong 7 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu và luôn nỗ lực hợp tác với Mỹ và các nước để giải quyết các thách thức trên, theo trang tin của chính phủ Việt Nam.