Hoa Kỳ- Trung Quốc: Căng thẳng thương mại, quân sự leo thang

Ảnh do Hải quân Hoa Kỳ cung cấp cho thấy một chiến đấu cơ Super Hornet F/A-18 đáp xuống tàu sân bay Ronald Reagan ở Biển Đông, đi kèm là tàu sân bay Mỹ USS Nimitz, ngày 6/7/2020. (Mass Communication Specialist 2nd Class Samantha Jetzer/U.S. Navy via AP

Hoa Kỳ và Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, tiếp tục ‘lời qua tiếng lại’ giữa lúc căng thẳng quân sự tăng cao. Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Mark Esper tuyên bố sẽ “không nhượng một inch” tại khu vực Thái Bình Dương trong khi Trung Quốc nói Washigton đang đặt cược với tính mạng của binh lính.

Hai bên đối đầu nhau về nhiều vấn đề, từ công nghệ và nhân quyền, tới các hoạt động quân sự của Trung Quốc tại Biển Đông, bên này tố cáo bên kia là có hành vi khiêu khích.

Trong động thái mới nhất của Mỹ chống Trung Quốc trước cuộc bầu cử Tổng Thống vào tháng 11 năm nay, Washington hôm thứ Tư 26/8 ghi vào sổ đen 24 công ty Trung Quốc và nhắm vào một số cá nhân có liên quan trong các hoạt động xây dựng hay quân sự trên Biển Đông.

“Chúng tôi sẽ không nhượng lại khu vực này (Thái Bình Duong), dù chỉ một tấc đất, cho một nước khác, bất cứ nước nào khác
Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mark Esper


Từ Hawaii, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Mark Esper nói rằng Bắc Kinh đang vận dụng một chương trình hiện đại hóa quân sự hung hăng trong một nỗ lực nhằm phóng đi sức mạnh quân sự trên toàn cầu.

“Để đẩy mạnh nghị trình của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Quân đội Nhân dân Trung Quốc tiếp tục theo đuổi một kế hoạch hiện đại hóa nhằm xây dựng một lực lượng quân đội đẳng cấp thế giới vào giữa thế kỷ này”, ông Esper nói, “kế hoạch này chắc chắn bao gồm thái độ khiêu khiach1 tại Biển Đông và Biển Hoa Đông, và bất cứ nơi nào mà nhà cầm quyền Trung Quốc cho là thiết yếu cho các lợi ích của họ.

Mặc dù vậy, Hoa Kỳ vẫn hy vọng có thể tiếp tục hợp tác với Công hòa Nhân dân Trung Hoa để họ trở lại con đường phù hợp hơn với một thế giới dựa trên pháp quyền,” ông Esper nói thêm.

Phát biểu trước một chuyến công du tới khu vực, ông Esper mô tả khu vực Ấn độ-Thái Bình Dương là tâm điểm của “một cuộc cạnh tranh nước lớn với Trung Quốc”.

Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ tuyên bố:

“Chúng tôi sẽ không nhượng lại khu vực này, dù chỉ một tấc đất, cho một nước khác, bất cứ nước nào khác nghĩ rằng chế độ chính trị của họ, quan điểm của họ về nhân quyền, về chủ quyền quốc gia, về tự do báo chí, tự do tôn giáo, tự do hội họp, tất cả những điều đó, theo cách nào đó có thể tốt hơn so với những giá trị mà rất nhiều người trong chúng ta chia sẻ.”

“Trung Quốc không sợ ‘khiêu khích hay áp lực’ từ Hoa Kỳ, và sẽ cương quyêt tự bảo vệ, không cho phép Hoa Kỳ gây rắc rối
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Wu Quan


Từ Bắc Kinh, Bộ Quốc phòng Trung Quốc tấn công “một số chính khách Mỹ mưu toan phá hoại các quan hệ quân sự Mỹ-Trung trong thời gian dẫn tới các cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ vào tháng 11 nhằm ‘thăng tiến các quyền lợi ích kỷ của họ,’ và ngay cả tìm cách khiêu khích một cuộc đối đầu quân sự.

“Cách hành xử đó đặt tính mạng của các sĩ quan và binh sĩ của cả hai bên trước nguy cơ.” Người phát ngôn Wu Quan nới với các nhà báo tại một cuộc họp báo hàng tháng hôm thứ Năm 27/8.

“Trung Quốc không sợ ‘khiêu khích hay áp lực’ từ Hoa Kỳ, và sẽ cương quyêt tự bảo vệ, không cho phép Hoa Kỳ gây rắc rối”, ông Wu nói.

Hôm thứ Tư, một quan chức quốc phòng Mỹ nói với Reuters rằng Trung Quốc đã phóng đi 4 tên lửa đạn đạo tầm trung vào Biển Đông, rơi xuống vùng biển giữa đảo Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa.

Ngày hôm sau, Ngũ Giác Đài bày tỏ quan tâm về các cuộc tập trận của Trung Quốc mới đây, kể cả vụ bắn 4 tên lửa đạn đạo.

“Tiến hành các cuộc tập trận trong vùng biển đang tranh chấp ở Biển Đông là phản tác dụng, cản trở việc xoa dịu căng thẳng và duy trì ổn định”. Ngũ Giác Đài viết trong một tuyên bố.

Tuyên bố này nói thêm rằng quân đội Mỹ đã nói với nhà cầm quyền Trung Quốc hồi tháng 7 rằng Washington sẽ tiếp tục theo dõi tình hình, và trông đợi Công hòa Nhân dân Trung hoa giảm quân sự hóa, và đe nẹt các nước láng giềng của Trung Quốc ở Biển Đông.