Hoa Kỳ và Iran, hôm Thứ hai, cho biết đã có một số tiến bộ trong các cuộc thương thảo về chương trình hạt nhân của Iran, tuy nhiên việc đạt được thỏa thuận vẫn còn một chặng đường dài.
Hai bên mô tả ngày thứ nhì của cuộc đàm phán ở Geneve giữa Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ John Kerry và Ngoại trưởng Iran Javad Zarif “nghiêm túc, hữu ích và xây dựng.” Tuy nhiên, ông Zarif nói với hãng thông tấn Fars của Iran rằng “con đường đi đến thỏa thuận chung cuộc còn dài.”
Một viên chức cao cấp Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói rằng 2 bên thảo luận sâu rộng các vấn đề còn chưa được giải quyết, nhưng “vẫn phải chờ xem” liệu có đạt được thỏa thuận hay không. Họ đang cố gắng đáp ứng hạn chót tự đề ra là ngày 31 tháng 3 để đạt một thỏa thuận khung, với ngày 1 tháng 7 cho một thỏa thuận chung cuộc, bảo đảm là các hoạt động hạt nhân của Iran nhắm mục tiêu hòa bình, để đổi lại việc các nước Tây phương sẽ bãi bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế đã làm suy yếu nền kinh tế Iran.
Một vòng đàm phán mới được ấn định vào Thứ Hai tuần tới ở Thụy Sĩ.
Hoa Kỳ và 5 cường quốc khác đang tìm cách chấm dứt khả năng Iran có thể chế tạo một võ khí hạt nhân, trong khi Iran nói rằng chương trình hạt nhân của họ nhằm các mục tiêu dân sự.
Các cuộc đàm phán giữa Iran và Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga , Đức và Hoa Kỳ tập trung vào lượng Uranium Iran được phép tinh chế, số máy ly tâm có thể vận hành và các biện pháp trừng phạt kinh tế nhắm vào nước này sẽ được bãi bỏ mau chóng ra sao.
Trong cuộc đàm phán giữa ông Zarif và ông Kerry còn có sự tham gia của người đứng đầu ngành hạt nhân của Iran Ali Akbar Salehi và Bộ trưởng Năng lượng Hoa Kỳ Ernest Moniz.
Tại Tehran, Tổng thống Iran Hassan Rouhani nói rằng việc 9 nước trên thế giới mà người ta biết hay tin rằng có khả năng hạt nhân muốn loại trừ không để Iran gia nhập vào nhóm là một sự phân biệt đối xử. Ông nói:
“Tại sao áp lực phi lý (nhắm vào chương trình hạt nhân của Iran) vẫn tiếp tục? Câu trả lời có lẽ nằm trong các nỗ lực bởi thành viên của các chủ nhân câu lạc bộ khoa học và công nghệ, những người tìm cách ngăn sự tiếp cận của các nước khác vào câu lạc bộ này. Hành vi độc đoán này là một thí dụ rõ ràng của việc áp đặt sự phân biệt trong khoa học. Bất cứ một nước nào khác cũng có thể trở thành mục tiêu của hành vị này.”