Hòa đàm Trung Đông dự kiến tái tục trong không khí bi quan

  • al-Pessin

A Kurdish Peshmerga fighter stands at a checkpoint retaken from Islamic State militants in Barznki village in Zummar, near Mosul, Sept. 15, 2014.







Theo dự kiến, các nhà thương thuyết cấp cao Israel và Palestine sẽ ngồi xuống với nhau hôm thứ Tư tại Jerusalem đề dự cuộc hòa đàm được Hoa Kỳ hậu thuẫn nhằm chấm dứt gần 20 năm trì trệ trong tiến trình hòa bình giữa đôi bên. Nhưng như lời tường thuật của thông tín viên Al Pessin của VOA từ Jerusalem, những sự cố xảy ra trong mấy ngày gần đây đã đào sâu thêm một số phương diện gây nhiều xúc cảm trong vụ xung đột, khiến người ta bi quan về nỗ lực mới nhất nhằm chấm dứt tình trạng bế tắc hiện nay.

Cách đây đúng 19 năm 11 tháng, Thủ tướng Israel Yitzhak Rabin và nhà lãnh đạo Palestine Yasser Arafat đã ký hòa ước đầu tiên giữa Israel và người Palestine, trước sự chứng kiến của Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton. Cựu Tổng thống Clinton nói:

“Giờ đây, cả hai phía cam kết sẽ bỏ lại sau lưng những sự đau buồn và những thù nghịch cũ , để làm việc vì một tương lai chung, được uốn nắn bởi những giá trị của Kinh Torah của người Do Thái, Kinh Quran của Hồi Giáo, và Thánh Kinh của Cơ đốc giáo. Vì lý do đó, chúng ta hãy quyết tâm khẳng định, hành động công nhận lẫn nhau mới đó sẽ là một tiến trình liên tục, trong đó các bên thay đổi cả cách nhìn và sự hiểu biết lẫn nhau.”

Tuy nhiên, mọi chuyện đã không diễn ra theo cách ấy. Các hiệp định, phần lớn được thương thuyết bí mật tại Oslo, đã mở ra những kênh thông tin liên lạc, cho phép người Palestine được hưởng một số quyền tự trị trong các vùng lãnh thổ bị Israel chiếm đóng, đồng thời thiết lập một kế hoạch để tiếp tục các cuộc thương thuyết để đạt một nền hòa bình toàn diện và vĩnh cửu.

Ðã có một số tiến bộ trong những năm đầu tiên.

Nhưng tiến trình này lâm vào bế tắc khi hai bên không thỏa thuận được với nhau về một số vấn đề hóc búa mà họ đã đặt sang một bên trong các thỏa thuận sơ khởi –trong số các vấn đề nan giải, chủ yếu là quy chế của thành phố Jerusalem, các quyền của người tị nạn Palestine, biên giới giữa Israel và Palestine, và những sự dàn xếp về an ninh, cũng như số phận của các khu định cư của người Do Thái trong các lãnh thổ bị chiếm đóng.

Các nỗ lực qua nhiều năm để khởi động lại tiến trình hòa bình đã không tiến được bao xa, phân tích gia Jordan Perry thuộc công ty đánh giá rủi ro Maplecroft của Anh, không dự kiến tình hình sẽ khác đi trong nỗ lực hòa bình lần này. Ông nhận định:

“Tôi nghĩ rằng các cơ hội thành công tương đối hạn chế. Tôi tin rằng ở cả hai bên, không bên nào thực sự có động lực hối thúc để có một thay đổi về đường lối hay về hướng tiếp cận.”

Những vấn đề tồn đọng vừa khó khăn về phương diện hậu cần vừa khó khăn về mặt chính trị, và gây xúc cảm mạnh ở cả hai bên. Điều đó lại được chứng minh một lần nữa trong thời gian dẫn tới các cuộc hòa đàm này.

Israel chấp thuận cho xây 2000 căn hộ mới tại một số khu định cư, gây phẫn nộ cho người Palestine và khiến một giới chức tiên đoán rằng cuộc hòa đàm lần này có thể tan vỡ ngay cả trước khi nó khởi sự. Tuy nhiên người Palestine đã bỏ đòi hỏi từ rất lâu của họ, là phải có một thời kỳ ngưng xây cất tại các khu định cư, như điều kiện tiên quyết cho các cuộc hòa đàm.

Để đổi lại, Israel thỏa thuận phóng thích 100 tù nhân Palestine. Và nhóm đầu tiên 26 người đã gây nhiều giận dữ ở Israel. Cựu Giám đốc Cơ quan Cải huấn Israel Orit Adato nói rằng đây là những kẻ tội phạm dày dạn, những người đã phạm tội giết người, kể cả người đã dùng ống sắt đánh một người đàn ông cao niên tới chết, và một người khác đã dùng búa giết một người sống sót qua vụ đại tàn sát người Do Thái.

Tuy nhiên trong một cuộc họp báo hôm thứ Ba, bà Adato lưu ý rằng tất cả các tù nhân đều đã thọ án tù trên 20 năm, và mặc dầu bà gọi vụ phóng thích này là một cái “giá đắt” chỉ để bắt đầu hòa đàm, theo bà cái giá đó đáng để được trả. Bà nói:

“Trong cương vị một cựu giám đốc cơ quan cải huấn, tôi sẽ nói, ‘hãy trả tự do cho họ. Ðiều đó không sao.’ Tôi không nói ra điều đó với tất cả trái tim tôi, mà bằng lý trí của tôi, với hy vọng rằng hành động đó sẽ thay đổi đôi chút bầu không khí giữa những người Palestine. Tôi hy vọng rằng họ sẽ ý thức được cái giá mà chúng ta đang trả bây giờ và điều đó sẽ khai mở tâm trí để họ thật sự tiến tới phía trước.”

Nhưng việc xây cất tại các khu định cư đã làm lu mờ việc phóng thích những người tù, làm cho triển vọng thành công của cuộc hòa đàm vẫn u ám không khác nào trước đây.

Thật vậy, ông Jordan Perry nói cơ may thành công đã giảm thiểu thêm nữa bởi vì cả hai bên đều không muốn một hiệp định nửa vời. Họ muốn đạt một hiệp định chung cuộc để giải quyết mọi vấn đề, hoặc không đạt hiệp định nào cả. Ông nói:

“Tôi vẫn nghĩ rằng cuộc hòa đàm lần này tương đối hạn chế, rằng đây là trường hợp trong đó hai bên thỏa thuận về một số vấn đề, và gạt những vấn đề khác qua một bên. Có một số vấn đề thật sự, các vấn đề chủ yếu, thì cơ hội để giải quyết chúng, rất là giới hạn.”

Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry là người dẫn đầu nỗ lực tái khởi động các cuộc thương thuyết. Ông bác bỏ sự bi quan đó, và nói rằng có một động cơ chủ yếu, thúc đẩy hai bên khiến cho cuộc hòa đàm này khác với những cuộc hòa đàm trước đây. Ngoại trưởng Hoa Kỳ nói:

“Các nhà lãnh đạo, các thương thuyết gia, và những công dân đã đầu tư vào nỗ lực này có thể đem lại hòa bình vì một lý do đơn giản: bởi vì họ không có sự lựa chọn nào khác hơn là phải làm việc đó. Một giải pháp hai quốc gia khả thi, là cách duy nhất để chấm dứt vụ xung đột này, và không còn bao nhiêu thời gian để thực hiện được mục tiêu đó, và cũng không có sự chọn lựa nào khác.”

Như vậy, các cuộc hòa đàm khởi sự với quyết tâm cao trong các giới chức cấp cao, nhưng cũng trong bối cảnh, các vấn đề nan giải lịch sử được mang ra trước bàn hội nghị , và những sự phẫn nộ mới về những sự kiện mới xảy ra. Đây là một thách thức to lớn đối với các nhà thương thuyết Israel và Palestine cũng như những nhà trung gian điều giải người Mỹ.

Và Ngoại Trưởng Mỹ John Kerry chỉ cho họ có chín tháng để đạt được mục tiêu đó.