Hòa đàm Libya tạm kết thúc ở Geneva

Đặc sứ Liên Hiệp Quốc về Libya (UNSMIL) Bernardino Leon phát biểu tại Palais des Nations, Geneva, Thụy Sĩ, ngày 11/8/2015.

Cuộc đàm phán hoà bình tại Geneva giữa các phe giao chiến nhau ở Libya đã chấm dứt hôm thứ tư mà không đạt được giải pháp nào, nhưng một vị đặc sứ của Liên Hiệp Quốc cho biết các phe có quyết tâm đạt được một thoả thuận về một chính phủ đoàn kết quốc gia vào đầu tháng 9. Thông tín viên đài VOA Richard Green tường thuật.

Khi cuộc thương thuyết kết thúc, Đặc sứ Liên Hiệp Quốc Bernadino Leon nói rằng hai phe chính đang kiểm soát hai khu vực riêng rẽ ở Libya đã “khẳng định quyết tâm” hoàn tất cuộc đàm phán “trong vòng 3 tuần tới đây”.

Libya đang bị chia cắt bởi hai chính phủ với sự hỗ trợ của các chiến binh giao chiến với nhau. Chính phủ được quốc tế công nhận đặt trụ sở tại thành phố Tobruk ở miền đông, trong lúc chính phủ do phe Hồi giáo hậu thuẫn hành sử quyền cai trị từ thủ đô Tripoli.

Ông Mohamed Ali Shoeb, người đứng đầu quốc hội ở Tobruk, cho biết như sau về cuộc điều đình tại Geneva.

"Tôi nghĩ rằng cuộc họp này là tích cực, có tính chất sáng tạo, và đây là lần đầu tiên Quốc hội tham dự hội nghị. Họ có một số ý kiến bảo lưu, một số điểm. Chúng tôi nói rằng chúng tôi sẽ tìm cách giải quyết những điểm đó khi chúng tôi thảo luận về việc sáp nhập. Và tôi nghĩ rằng nếu họ muốn quay lại với lập trường ban đầu thì sẽ không có cơ hội để đạt được một thoả hiệp với họ. Nhưng tôi hy vọng họ sẽ theo đuổi lập trường ôn hoà và dân chúng sẽ hiểu rõ là họ không nên bỏ phí cơ hội này."

Libya đang bị chia cắt bởi hai chính phủ với sự hỗ trợ của các chiến binh giao chiến với nhau.

Ông Saleh al-Makzom, Phó chủ tịch quốc hội ở Tripoli, cũng có một nhận định khá lạc quan.

"Chúng tôi cảm thấy lạc quan. Chúng tôi mong là có rất nhiều điểm tương đồng trong quan điểm của hai phe chính. Dựa trên những gì mà chúng tôi nghe tất cả các chính trị gia đã nói trong ngày hôm nay, chúng tôi cảm thấy là đang có một nguyện vọng sâu sắc để thực hiện những bước tiến nhanh chóng, bởi vì chúng tôi ai nấy cũng hiểu rằng sự chia rẽ của các cơ quan hành pháp và lập pháp ở Libya đã tạo ra một vụ khủng hoảng an ninh và kinh tế."

Tháng trước, các nhà lãnh đạo chính trị Libya đã ký kết một thoả thuận chia sẻ quyền hành do Liên Hiệp Quốc điều giải, nhưng chính phủ ở Tripoli từ chối tham gia.

Libya đã rơi vào hỗn loạn chính trị kể từ khi lãnh tụ độc tài lâu năm Moammar Gadhafi bị lật đổ và bị giết vào năm 2011. Nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo cũng chiếm cứ một số khu vực, làm cho tình hình rối ren ở quốc gia Bắc Phi này trở nên nghiêm trọng hơn.