Một làn sóng đang trỗi lên mạnh mẽ, thách thức quyền uy truyền thống tại Úc, liên quan đến các bộ trưởng hàng đầu và cả thủ tướng Úc trong những ngày qua.
Sau sự kiện cô Brittany Higgins tố cáo một đồng nghiệp hãm hiếp mình, trong văn phòng của Bộ trưởng Linda Reynolds tại quốc hội Úc, vấn đề hiển nhiên không dừng tại đó.
Đầu tiên là ý kiến của Bộ trưởng Reynolds liên quan đến cô Higgins. Khi hay tin cô Higgins đưa vấn đề sách nhiễu tình dục công khai trên phương tiện truyền thông, bà Reynolds đã gọi cô Higgins là “con bò nói dối” (lying cow). Chắc ý bà Reynolds ám chỉ là nói dối hơn là lười biếng. Dù là dối hay nằm, cách gọi như thế quả là một sỉ nhục nặng nề cho cô Higgins. Dù sao thì cô Higgins cũng là một phụ nữ phục vụ trực tiếp trong văn phòng bà, và là nạn nhân của bạo hành tình dục.
Ngay sau đó, bên phía luật sư của cô Higgins yêu cầu lời xin lỗi chính thức và công khai từ bà Reynolds ngay lập tức.
Sau khi thông tin này bị phanh phui trên truyền thông (bà Reynolds chỉ đưa ra cảm nghĩ nhất thời và giới hạn trong phạm vi đối với các nhân viên trong văn phòng của mình, nhưng có người đã tiết lộ ra bên ngoài), bà Reynolds liền công khai xin lỗi cô Higgins. Bà nói: “Tôi muốn bày tỏ lòng hối lỗi sâu sắc về những nhận xét này và về bất kỳ tổn thương và phiền muộn nào mà chúng đã gây ra.” Bà Reynolds cũng khẳng định: “Tôi chưa bao giờ đặt nghi vấn về câu chuyện của cô Higgins về sự cáo buộc rằng cô bị tấn công tình dục, và luôn tìm cách tôn trọng hành động của cô trong vấn đề này.”
Trong lúc sự kiện cô Higgins, và một số phụ nữ khác lên tiếng về hành vi sách nhiễu tình dục trong môi trường làm viêc, thì một bộ trưởng hàng đầu khác trong chính phủ Morrison bị tố cáo là đã hãm hiếp một thiếu nữ. Christian Porter, Bộ trưởng Tư pháp, nhân viên hàng đầu về luật của Úc (first law officer), đã bị tố cáo là hãm hiếp một thiếu nữ vào năm 1988 lúc Porter 17 tuổi, cô đó 16 tuổi. Porter và cô này cùng hai người khác cùng nằm trong đội tuyển tranh luận của Úc. Người đàn bà này đã tự vẫn vào năm ngoái, nên việc điều tra và tố tụng hình sự bây giờ rất khó khăn. Các lời đồn đãi về sự kiện này đã diễn ra trong âm thầm nhưng mạnh mẽ, nên đã khiến cho ông Porter không còn chọn lựa nào khác là phải trình bày quan điểm chính thức của mình.
Trong cuộc họp báo vào ngày 3 tháng Ba, Porter khẳng định, với bố mẹ của người phụ nữ và giới truyền thông/công chúng Úc, rằng chuyện (hãm hiếp) không hề xảy ra. Giới chức trách của tiểu bang NSW công bố trường hợp này đã bị đóng rồi vì “không đủ bằng chứng có thể chấp nhận được”. Vì người phụ nữ đó đã qua đời, cuộc tranh luận và đào sâu vào sự kiện này đã trở nên tế nhị và nhạy cảm hơn. Porter phủ nhận tất cả các lời đồn đãi này, và từ chối lời yêu cầu ông từ chức. Porter biện luận rằng, nếu chỉ dựa vào lời cáo buộc nhưng không xảy ra để yêu cầu hay áp lực một người khác từ chức, thì không chỉ ông mà bất cứ một người nào cũng có thể bị mất sự nghiệp, mất việc, cả đời làm việc của họ, chỉ vì lời đồn đãi mà thiếu chứng cớ.
Đúng vậy, trong một nền dân chủ pháp trị, bật cứ mọi lời đồn đãi không đủ chứng cớ thì nguyên tắc “vô tội trước khi được chứng minh có tội” cần phải được tôn trọng hoàn toàn. Tuy nhiên, đây cũng là trường hợp hiếm hoi vì nó xảy ra cách đây 32 năm, mà người được xem là nạn nhân thì đã qua đời, và người được xem là thủ phạm là một nhân viên luật hàng đầu của quốc gia. Đây là trường hợp không tiền lệ. Bị áp lực nặng nề, ông Porter công bố lấy hai tuần nghỉ cho sức khoẻ tinh thần, điều mà bà Reynolds cũng làm sau vụ Higgins.
Hiện nay có lời kêu gọi nên có cuộc điều tra độc lập về cái chết của nạn nhân này, tạo thêm áp lực nặng nề lên thủ tướng Scott Morrison. Morrison bác bỏ yêu cầu về cuộc điều tra về Porter, và bác bỏ lời kêu gọi Porter phải từ chức. Nhưng các áp lực lên Morrison về vụ này sẽ không chấm dứt ở đây, và không rõ Morrison sẽ tiến lùi ra sao về vụ này trong tương lai.
Sự kiện của ông Porter làm tôi nghĩ đến câu “Tay dơ lấy nước rửa, nước dơ lấy gì rửa” của vua Duy Tân.
Các áp lực trên chưa dứt, thì vào ngày 15 tháng Ba vừa qua, hàng chục ngàn (có báo nói đến cả trăm ngàn) người trên toàn nước Úc, đa số là phụ nữ Úc, đã tham gia cuộc biểu tình “Tuần hành Cho Công lý/March 4 Justice”. Cuộc biểu dương này nhấn mạnh “Đã quá đủ rồi!” đối với nạn bạo hành phụ nữ, và kêu gọi chấm dứt bạo hành dựa trên giới tính. Nhiều phụ nữ uy tín đã lên tiếng trong cuộc tuần hành này, và cô Higgins cũng đã phát biểu đầy ấn tượng. Các trường hợp này tuy không nhiều nhưng cho thấy bên dưới đó là một sự chấp nhận, hay chưa bác bỏ dứt khoát, trong xã hội về bạo hành mà phụ nữ Úc đã trải nghiệm. Đây là cuộc nổi dậy lớn nhất của phụ nữ trên khắp nước Úc mà đã từng được chứng kiến.
Đáp lại cuộc tuần hành của phụ nữ trước quốc hội Úc, thủ tướng Morrison nhận định “Đây là một thắng lợi của nền dân chủ khi chúng ta thấy những điều này diễn ra.” Nói trước quốc hội, Morrison ví von “Không xa đây, những cuộc tuần hành như vậy, thậm chí bây giờ, đang hứng chịu làn đạn, nhưng không phải ở đây trên đất nước này”. Ý của Morrison ám chỉ những sự kiện chính trị đang diễn ra như tại Miến Điện khi hàng chục người bị bắn giết bằng đạn thật trong những tuần qua. Hay các biến cố tại Trung Quốc như Thiên An Môn v.v… Ý ông, thật ra, là ý tốt.
Nhưng ý kiến này đã bị phê bình nặng nề suốt hôm qua và hôm nay.
Cựu nữ dân biểu Natasha Stott Despoja, trước đây là thượng nghị sĩ Úc và là thủ lĩnh đảng Democrats, nay là đại diện cho Ủy ban của Liên hợp quốc về Xóa bỏ Phân biệt Đối xử với Phụ nữ, cho biết bà choáng váng khi nghe thủ tướng phát biểu như thế. Bà nhận xét: “Đó không phải là ví dụ được yêu cầu để tán dương các khái niệm về nền dân chủ phóng khoáng/cấp tiến”.
Nhiều chính trị gia thuộc liên đảng, như Trưởng Ngân khố Josh Frydenberg, bảo vệ quan điểm của thủ tướng Morrison. Frydenberg nói tuy biết rằng có người tấn công ông Morrison về lời nói này, nhưng “Công bằng mà nói cho Thủ tướng ... thì ông ấy ủng hộ nền dân chủ của Úc, và ông ấy ủng hộ sự nghiệp của những người bên ngoài Quốc hội”, tức những người tuần hành.
Scott Despoja phản biện dù Frydenberg biện luận rằng nó có ý định tốt, hay không, thì nó vẫn là sự lựa chọn từ ngữ kém cõi và, ngoài ra, bất kỳ sự ám chỉ nào đến bạo lực như vậy thì hoàn toàn không phù hợp và đáng buồn.
Rõ ràng những người hài lòng với nền dân chủ Úc hiện nay, nhất là khi so sánh với các quốc gia trong vùng châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt trước những gì đang xảy ra tại Miến Điện hiện nay, nhìn nhận sự so sánh của thủ tướng Morrison như thế là hợp lý thôi. Ngược lại, những người không hài lòng, hay có hài lòng nhưng không tán thành sự so sánh như thế, cho là không thích đáng.
Phải chăng đây là một ví dụ về sự phức tạp và nhạy cảm mà gây ra nhiều tranh cãi trong chính trị, có tên là phải đạo (politically correct)? Hay là một cái nhìn nửa ly nước đầy, hay vơi, trong trường hợp này?