Mới đây mạng xã hội dậy sóng khi hình ảnh những người kham khổ tột cùng, mắc chứng tâm thần xuất hiện trong bộ dạng đói cơm rách áo, khiến ai nấy nhìn thấy cũng xót xa. Báo chí truyền thông ngay lập tức vào cuộc, và sự thật phía sau sự khổ nhọc của những người vốn đã khổ tột cùng được hé lộ, gây phẩn nộ trong dư luận cả nước.
‘Tấn công’ những người yếm thế
Theo kết quả thanh tra của Sở Lao động Thương binh và Xã hội Nghệ An, trong vòng 4 năm, lãnh đạo Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh này đã “ăn bớt” của các đối tượng xã hội số tiền gần 800 triệu. Báo chí đưa tin trước đó hai tháng, Sở Lao động Thương binh và Xã hội Nghệ An nhận được nhiều phản ánh trên các trang mạng và từ các nhà từ thiện nói về vấn đề cuộc sống của người bệnh tâm thần, người già tại Trung tâm bảo trợ của tỉnh không được cán bộ quan tâm, chăm sóc. Thậm chí đáng nói hơn, phúc lợi của các đối tượng xã hội tại Trung tâm bảo trợ có dấu hiệu bị bớt xén, tiền trợ cấp bị “ăn chặn” bằng cách mua thực phẩm không đủ tiêu chuẩn, ít hơn hoặc khai khống giá và quần áo, trang thiết bị không được cấp.
Nhìn về mặt nhân đạo, rõ ràng lãnh đạo của các cơ sở này có vấn đề lớn về ý thức nhân văn, đạo đức lẫn tính người. Người Việt vốn dạy trẻ nhỏ câu “bầu bí tương thân”; “lá lành đùm lá rách”, thế mới đáng làm người. Vậy mà đằng này, bầu chẳng thương bí, lá lành không những không đùm lá rách, mà còn “tấn công” để lá rách thành lá tả tơi, hiển hiện là những phận người nổi trôi theo những bữa ăn bị cắt xén đến mức không thể chấp nhận trong một xã hội phát triển.
Về mặt luật pháp, việc cắt xén phần ăn và ăn chặn tiền trợ cấp của bất kỳ người dân nào hay đối tượng nào (công nhân, viên chức,...) cũng đã là một cái tội không thể chấp nhận; việc ăn bớt của những người mắc bệnh tâm thần thì lại càng phải quy tội nặng gấp nhiều lần. Cứ nghĩ đến những ánh mắt, nụ cười khờ dại đến xót lòng của những người mắc bệnh tâm thần, cứ mãi miết ngồm ngoàm những miếng cơm lùa vội, chẳng có thịt thà củ quả, chẳng có thực phẩm tươi ngon mà họ đáng được nhận... để đổi lại những đồng tiền được xếp gọn trong cặp táp của ông bà quản lý, chợt thấy cuộc sống sao quá nhẫn tâm.
Tham nhũng vặt nguy hiểm không kém các vụ án lớn
Thật ra đây không phải lần đầu tại Việt Nam xuất hiện thông tin “ăn chặn” tiền ăn, tiền trợ cấp cho người mắc bệnh tâm thần hoặc trẻ em – vốn chưa nhận thức được quyền lợi bản thân. Gần như năm nào dư luận, truyền hình, báo chí cũng có một vài vụ ghi nhận việc người lớn, những kẻ nắm quyền quản lý, “ăn bớt” khẩu phần thức ăn, sữa hay các thực phẩm dinh dưỡng của trẻ nhỏ. Ở các trường học trung học phổ thông, thậm chí đại học, cũng từng có phản ánh về cách thu chi các khoản tiền từ phụ huynh, sinh viên không rõ ràng, thiếu tính thuyết phục tại một số đơn vị nhất định.
Nhiều người vẫn nghĩ chuyện ăn chặn, ăn bớt, chung quy cũng là một hình thức tham nhũng, sẽ chỉ tác động nhiều đến xã hội nếu đó là các vụ án lớn tính bằng tiền tỷ. Tuy nhiên, thật ra việc vấp phải quá nhiều các vụ tham nhũng vặt cũng khiến xã hội chịu không ít tai vạ, ảnh hưởng nặng nề mà người bị bệnh tâm thần là tầng lớp chịu thiệt nhiều nhất sau tất cả những chuyện xấu xí nhất xảy ra.
Một là, việc ăn chặn, ăn bớt khẩu phần, quần áo, nhu yếu phẩm... sẽ ảnh hưởng một cách rõ ràng và gây hậu quả nặng nề đối với người bị bệnh tâm thần, vốn chẳng có khả năng nhận thức và phản ứng để nhà chức trách có thể phát hiện và kịp thời xử lý. Một đứa trẻ, một cụ già, một người bệnh tâm thần không thể nhận biết hay làm gì khác hơn ngoài việc cam chịu ăn ít hơn, ăn dở hơn, ăn thiếu vệ sinh hơn, thiếu an toàn hơn. Hàng trăm, hàng ngàn người phải bị cắt xén, tạo nên một hệ thống xã hội bất ổn, bởi lợi ích không đến đúng người được hưởng thụ, chỉ vỗ béo và làm giàu cho những kẻ vốn quá đủ ma mảnh để bỏ túi riêng. Và rồi nhà nước sẽ phải chi ra một lượng lớn tiền để bù đắp, ổn định, thậm chí là bồi thường cho những người bị hại; nhưng dù có thế thì niềm tin vào hệ thống quản lý phúc lợi xã hội nhà nước cũng bị lung lay trong lòng dân.
Hai là, chính việc tham nhũng vặt như kiểu cắt xén lại rất khó phát hiện. Người bị hại cũng không hay, cũng không có ý chí đấu tranh đòi quyền công bằng, nên việc đưa ra ánh sáng các vụ án tham nhũng vặt là điều không phải dễ. Hơn thế nữa, xử thế nào cho công bằng với người bị bệnh tâm thần yếm thế - dù họ không thể nói ra và đấu tranh - cũng là một dấu hỏi lớn cho các ngành chức năng.
Phải đẩy mạnh tư nhân hóa
Kinh nghiệm thực tế cho thấy các quốc gia còn phụ thuộc quá nhiều vào hệ thống quản lý phúc lợi xã hội kiểu nhà nước sẽ thường xảy ra nhiều tiêu cực, như kiểu bớt xén, ăn chặn. Đơn giản là vì nhà nước muốn có hệ thống nhân viên tốt phải chi trả lương cao, vì người lao động làm việc trong môi trường đặc biệt (giao tiếp với trẻ con, chăm sóc người già, trông nom người mắc bệnh tâm thần...). Tuy nhiên đó là một thách thức lớn mà không phải chính phủ nào cũng đủ sức đáp ứng, thế nên người lao động thường có xu hướng ăn chặn các khoản trợ cấp của người yếm thế. Đó là chưa kể việc vừa quản lý vừa giám sát sẽ không tạo ra một cơ chế kiềm chế và đối trọng hiệu quả, dễ sinh ra tiêu cực trong hoạt động.
Ở các nước phát triển, các viện tâm thần, dưỡng lão, nhà trẻ... đều một tay tư nhân tham gia xây dựng và phát triển dưới sự hỗ trợ hữu hạn nhưng giám sát tuyệt đối chặt chẽ của nhà nước. Tư nhân không chỉ có kinh nghiệm, vốn mà còn có cả khả năng huy động nguồn lực chất lượng tốt. Thử đến thăm các viện dưỡng lão Nhật hay Mỹ, châu Âu,... người ta sẽ thấy sức mạnh của việc nhà nước bắt tay tư nhân giải quyết và xử lý các nội dung và công việc liên quan đến phúc lợi xã hội cho người bệnh tâm thần.
* Blog của Cao Huy Huân là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.