Một toán công tác của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tái xuất hiện sau 14 ngày cách ly tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, hôm 28/1, bắt đầu sứ mệnh tìm hiểu nguồn gốc của virus gây ra đại dịch COVID-19 ngay tại thực địa, hãng tin AP tường trình.
Sứ mệnh của WHO đã trở thành một đề tài chính trị nhạy cảm trong bối cảnh Trung Quốc đang tìm cách để tránh bị đổ lỗi về những sai lầm họ bị cáo buộc đãa phạm trong giai đoạn đầu sau khi dịch bùng phát.
Một câu hỏi lớn là phía Trung Quốc sẽ cho phép các nhà nghiên cứu đi tới đâu, và nói chuyện với ai.
Cựu quan chức WHO Keiji Fukuda cảnh báo mọi người chớ mong đợi bất kỳ bước đột phá nào, vì có thể mất nhiều năm trước khi có thể đưa ra kết luận chắc chắn về nguồn gốc của virus.
Vào chiều tối thứ Năm, WHO cho biết trên trang Twitter rằng toán công tác dự định đến thăm các bệnh viện, và các ngôi chợ như Chợ Hải sản Hoa Nam, là ngôi chợ nơi xảy ra một số ca bệnh đầu tiên, Viện Virus học Vũ Hán và các phòng thí nghiệm tại các cơ sở như Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Vũ Hán.
WHO cho biết toán nghiên cứu đã yêu cầu được cung cấp các "dữ liệu cơ bản chi tiết" và lập kế hoạch trao đổi với những người tham gia nỗ lực đáp ứng sớm, cũng như một số bệnh nhân COVID-19 đầu tiên tại Vũ Hán.
WHO cho biết toán nghiên cứu sẽ có những cuộc gặp gỡ trực tiếp đầu tiên với các nhà khoa học Trung Quốc trong ngày thứ Sáu 29/1, trước khi toán nghiên cứu bắt đầu các chuyến thăm thực địa tại và xung quanh thành phố Vũ Hán.
Một nguồn của virus có thể là loài dơi sống trong các hang động ở vùng nông thôn tỉnh Vân Nam, cách Vũ Hán khoảng 1.600 km về hướng tây nam.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết các chuyên gia sẽ mở các cuộc thảo luận, viếng thăm và kiểm tra nhiều nơi ở Trung Quốc để trao đổi và hợp tác để truy tìm nguồn gốc virus. Ông Triệu không cung cấp thêm bất kỳ chi tiết nào khác.
Sứ mạng này chỉ được thực hiện sau khi hai bên tranh cãi gay gắt, khiến WHO phải khiếu nại, một điều hiếm thấy. WHO chỉ trích Trung Quốc là đã để mất quá nhiều thời gian để dàn xếp chuyến công tác của WHO.
Trung Quốc, vốn phản đối mạnh mẽ một cuộc điều tra độc lập mà họ không thể kiểm soát toàn bộ, viện lẽ vấn đề rất phức tạp và các nhân viên y tế Trung Quốc đang bận ứng phó với các ổ vi rút mới ở Bắc Kinh, Thượng Hải và các thành phố khác.
Trong khi WHO bị chỉ trích lúc ban đầu, nhất là từ Mỹ vì không có phản ứng thỏa đáng trước cách ứng phó với dịch của Trung Quốc, gần đây, WHO cáo buộc Trung Quốc và các nước khác là đã phản ứng quá chậm khi dịch bùng phát, khiến Bắc Kinh phải thừa nhận rằng họ ‘lẽ ra nên làm tốt hơn’.
Mặc dù vậy, nhìn chung, Trung Quốc vẫn kiên quyết bảo vệ cách ứng phó của họ, vì lo ngại uy tín của họ có thể tổn thương, thậm chí sẽ thiệt hại tài chính nếu họ bị phát hiện là có lỗi.
Các quan chức Trung Quốc và truyền thông nhà nước cũng tìm cách gieo rắc nghi ngờ về liệu virus có thực sự xuất hiện ở Trung Quốc hay không. Hầu hết các chuyên gia tin rằng virus xuất phát từ loài dơi, có thể ở vùng Tây Nam Trung Quốc, hoặc các khu vực lân cận ở Đông Nam Á, trước khi truyền sang một loài động vật khác và sau đó sang con người.