Chiếc HCV của Uganda nêu bật những khó khăn của thể thao nước này

  • Hilary Heuler

Stephen Kiprotich của Uganda mừng chiến thắng huy chương vàng marathon Olympic London 2012, ngày 12/8/2012.

Uganda hân hoan chào đón chiếc huy chương vàng Olympic đầu tiên giành được tại London kể từ năm 1972 – năm mà John Akii-Bua đoạt được chiếc huy chương vàng dưới chế độ của nhà độc tài Idi Amin. Tuy nhiên theo tường trình của thông tín viên Ðài tiếng nói Hoa Kỳ Hilary Heuler từ Kampala, thì điều kiện hoạt động thể thao của các vận động viên tại Uganda thậm chí còn tồi tệ hơn rất nhiều so với thời nhà độc tài Amin.

Khi vận động viên marathon Stephen Kiprotich bước lên bục nhận huy chương vàng ở ngày cuối cùng của Thế vận hội London, cả thế giới chứng kiến quốc thiều của Uganda được cử lên trên Sân vận động Olympic.

Ðó là một thời khắc cảm động của nhiều người Uganda; một thời khắc mà nhiều người Uganda đã trông chờ 40 năm qua.

Người đàn ông này ở Kampala ràn rụa nước mắt khi nghe tin Kiprotich giành chiến thắng:

“Suốt 40 năm trông chờ, đây là giây phút tuyệt vời nhất. Và khi nghe quốc thiều Uganda cử lên trên Sân vận động Olympic London, thật là vĩ đại và tuyệt vời! Các bạn không thể nào tưởng tượng nổi, 40 năm rồi giây phút này mới quay trở lại. Chúng tôi vô cùng hạnh phúc! Qúy vị hãy tưởng tượng thế này – Hoa Kỳ đoạt khoảng 90 huy chương, nhưng họ không hạnh phúc như khi chúng tôi giành được chỉ một chiếc huy chương, bởi vì điều đó ngoài sức tưởng tượng của chúng tôi.”

Tính cho đến trước ngày Chủ nhật vừa rồi, vận động viên giành được chiếc huy chương vàng duy nhất về cho Uganda là John Akii Bua ở nội dung 400 mét vượt rào tại Olympic Munich năm 1972. Vào thời điểm đó Uganda là một quốc gia mới và được thế giới biết đến rất ít. Chiến thắng của Akii Bua làm cả thế giới phải ngạc nhiên.

Bây giờ Akii Bua được Uganda nhớ đến như một anh hùng dân tộc. Tuy nhiên vài năm sau Thế vận hội Munich, vì sự an toàn của tính mạng bị đe dọa, Akii Bua buộc phải trốn khỏi Uganda đang bị cai trị dưới chế độ ngày càng trở nên bạo tàn và áp bức của nhà độc tài Idi Amin. Akii Bua trú thân ở một trại tị nạn ở Kenya một thời gian trước khi di cư sang Ðức.

Nỗi ám ảnh của nhà độc tài khét tiếng về mọi thứ cần phải có thể lực cao là một trong những lý do đầu tiên thúc đẩy Akii Bua đi đến chiếc huy chương vàng. Bản thân nhà độc tài Amin rất thích thể thao, và thường đích thân đi thăm các vận động viên. Như bà Beatrice Ayikoru của Liên đoàn Thể dục thể thao Uganda giải thích, điều đó có nghĩa là có thêm nguồn tài lực được dành cho thể thao.

Bà Ayikoru nói: "Chính ông Idi Amin cũng là một vận động viên. Theo tôi nhớ thì hình như ông Amin là một võ sĩ quyền Anh. Và tôi nghĩ ông Amin cũng nhận biết cách sử dụng thể thao để đoàn kết người dân, quảng bá cho đất nước và tất cả những giá trị đó. Lúc đó mọi thứ khác với bây giờ. Lúc đó có tiền tài trợ cho vận động viên.”

Khi Akii Bua giành được chiếc huy chương vào năm 1972, đó là thời kỳ vàng của thể thao Uganda. Ðất nước lúc đó nơi nào cũng có câu lạc bộ thể thao. Cảnh sát, quân đội và các đơn vị tư nhân tranh đua nhau đào tạo vận động viên thể thao cho đơn vị mình; họ thuê huấn luyện viên chuyên nghiệp về dạy, và sắm sửa cở sở hạ tầng để phát triển thể thao. Akii Bua là một cảnh sát viên. Anh được tập luyện với một huấn luyện viên người Anh do chính phủ mướn.

Mặc dù có ít người nuối tiếc sự qua đi của một chế độ khát máu như vậy, bà Ayikoru nói rằng các vận động viên và cầu thủ đã chịu ảnh hưởng nhiều nhất kể từ khi ông Amin bị lật đổ vào năm 1979.

Bà Ayikoru: "Tất cả ngân hàng rút khỏi các câu lạc bộ thể thao. Các định chế của chính phủ như cảnh sát, nhà tù và quân đội đều giảm chi tiêu cho thể thao. Các ngành tư nhân rút khỏi thể thao hoàn toàn. Ðó là khởi đầu của thời kỳ thách thức đối với các vận động viên, bởi vì không có tài trợ vận động viên không thể ra tranh tài được.”

Thiếu các nguồn tài lực đã mang lại hậu quả. Ngày nay tất cả huấn luyện viên thể thao ở Uganda đều là tình nguyện. Nhiều cơ sở thể thao được xây dựng từ thời Amin nay đang xuống cấp. Ðường chạy điền kinh đạt tiêu chuẩn duy nhất nằm trong sân vận động quốc gia, và nơi đó thường được dùng cho những hoạt động khác.

Vận động viên chạy nước rút Ali Ngaimoko của Uganda kể lại rằng mới hồi tháng 6 năm nay, Liên đoàn Thê dục thể thao Uganda nhận được thông báo rằng họ không được sử dụng sân vận động để tổ chức đại hội thể thao quốc gia do sân vận động dành để tổ chức một đại nhạc hội của tôn giáo.

Vận động viện Ngaimoko nói: “Ðó là đại hội thể thao quốc gia của chúng tôi, qúy vị có tưởng tượng nổi không? Có một sự kiện gì khác là chúng tôi bị đẩy ra ngoài. Và chúng tôi phải ra dùng những bãi cỏ. Và đối với hầu hết các vận động viên của chúng tôi, chẳng hạn như các vận động viên chạy nước rút, đó là cơ hội cuối cùng để đạt chuẩn thời gian để được dự thi Olympic.”

Uganda từ lâu nay vẫn đứng dưới cái bóng của nước láng giềng Kenya, đất nước có những ngôi sao thể thao thu hút sự chú ý của giới truyền thông, và cơ sở hạ tầng thể thao tiêu chuẩn quốc tế thu hút các vận động viên trên khắp thế giới. Các trung tâm tập luyện thể thao trên cao nguyên ở miền tây Kenya là nơi mà các vận động viên ưu tú của Uganda như Kiprotich đến tập luyện.

Bà Ayikoru nói những cơ sở như vậy không những giúp nâng cao khả năng thi đấu của vận động viên mà còn sản sinh ra những vận động viên giỏi.

Bà Ayikoru nói: “Các bạn trẻ nhận được cảm hứng từ đó. Hàng ngày họ chứng kiến các vận động viên tập chạy. Nó tạo điều kiện dễ dàng để họ được nổi tiếng. Và thế là các bạn trẻ bước vào tham gia, và nhiều bạn đã tiến lên."

Tuy nhiên bà Ayikoru cho biết đang có kế hoạch xây dựng một trung tâm thể thao tương tự tại miền đông Uganda. Bà hy vọng là cơ sở thể thao đó sẽ khuyến khích giới trẻ Uganda tập luyện thể thao, và tạo điều kiện cho họ có thể tập luyện được ở ngay trong nước mình.

Về phần Ngaimoko, anh hy vọng chiếc huy chương vàng Olympic London này hướng sự chú ý của nhiều người đến những tài năng thể thao của Uganda, và điều đó sẽ tạo điều kiện dễ dàng hơn để các vận động viên như bản thân anh phát triển.

Anh Ngaimoko nói: "Tôi chắc rằng mọi việc rồi sẽ thay đổi. Bởi vì chúng tôi đã mong chờ rất lâu rồi. Ðến lúc này, ít nhất lá cờ của chúng tôi đã được giương lên. Chúng tôi rất phấn khởi. Người Uganda rất hạnh phúc.”

Khi Stephen Kiprotich về đích hôm Chủ nhật, cờ Uganda đã phủ lên người anh, có lẽ anh đã vượt qua được những đối thủ cừ khôi còn hơn cả Akii Bua.