Hơn 3.000 luật sư Hồng Kông hôm 6/6 tổ chức một cuộc biểu tình hiếm hoi chống lại dự luật dẫn độ theo đó một cá nhân có thể bị đưa sang Trung Quốc để bị xét xử, điều mà Chris Patten, vị thống đốc cuối cùng của Anh tại Hong Kong, nói sẽ là một “đòn ghê gớm” giáng vào nhà nước pháp quyền.
Mặc trang phục màu đen, các luật sư trao đổi sôi nổi trên đường từ tòa án cao nhất Hong Kong đến Văn phòng Chính phủ Trung ương vào một buổi tối ngột ngạt.
Đề xuất dẫn độ, cùng với thái độ kiên quyết không nhượng bộ của chính quyền, đã làm dấy lên sự phẫn nộ trong các cộng đồng doanh thương, ngoại giao và tư pháp, vì mối lo rằng quyền tự trị về pháp lý của Hong Kong sẽ bị xói mòn, và những khó khăn trong việc bảo đảm một phiên tòa công bằng ở Trung Quốc.
“Tôi muốn làm tất cả những gì có thể làm để đảm bảo chính quyền Hồng Kông phải rút lui ... Tôi kinh ngạc vì họ đã đưa ra kế hoạch này,” một luật sư đến từ Hoa Lục hoạt động tại Hồng Kông nói.
“Dù không trực tiếp liên can, chúng ta biết rõ hơn ai hết về tình trạng khủng khiếp của hệ thống tư pháp hình sự ở bên kia biên giới – không có một hệ thống pháp lý công bằng và cởi mở, và không phải là lúc nào chúng ta cũng có một luật sư. Tra tấn thì có.”
Hồng Kông, thuộc địa cũ của Anh, được trao lại cho Trung Quốc cai trị vào năm 1997 với những bảo đảm rằng cư dân đặc khu này sẽ duy trì các quyền tự do của mình, gồm một nền tư pháp độc lập, dưới hình thức “một quốc gia, hai chế độ.”
Nhà lãnh đạo Hồng Kông Carrie Lam đã cố trấn an mọi người rằng có những biện pháp bảo vệ đầy đủ trước bất kỳ yêu cầu dẫn độ nào, nhưng một số thẩm phán cấp cao đã bày tỏ lo ngại.
Đây là cuộc tuần hành phản đối thứ năm và lớn nhất do các luật sư Hồng Kông tổ chức tính từ năm 1997, sau một loạt những biện pháp của Trung Quốc bị coi là can thiệp vào nhà nước pháp quyền ở Hong Kong.
Dennis Kwok, một luật sư trong ban tổ chức tuần hành, cho biết từ 3.000-4.000 luật sư đã tham gia, chiếm khoảng 1/4 cộng đồng pháp lý Hong Kong.
Những thay đổi được đề xuất quy định việc dẫn độ các nghi can, trên căn bản từng trường hợp một, sang nhiều nước, kể cả Trung Hoa đại lục, ngoài 20 quốc gia mà Hồng Kông đã ký hiệp ước dẫn độ.
Hội Luật sư Hồng Kông trong tuần này kêu gọi chính quyền hãy bỏ nhiều thời gian hơn để tham khảo ý kiến một cách rộng rãi về dự luật này, thay vì tìm cách cưỡng ép để thông qua dự luật.