Hàng chục ngàn người biểu tình đã tụ tập khắp Trung Đông và một số khu vực ở Châu Á, Châu Âu và Mỹ vào ngày thứ Sáu để ủng hộ người Palestine và lên án Israel khi nước này tăng cường tấn công vào Gaza để trả đũa các cuộc tấn công của nhóm chủ chiến Hamas.
Các cộng đồng người Do Thái ở Mỹ, Pháp và các nơi khác cũng tổ chức các cuộc biểu tình bày tỏ tình đoàn kết với Israel sau vụ tấn công của Hamas từ Gaza, là vụ tàn sát đẫm máu nhất nhắm vào thường dân Israel trong lịch sử 75 năm của đất nước.
Các chính phủ phương Tây và nhiều người dân đã bày tỏ sự ủng hộ và thông cảm mạnh mẽ dành cho Israel về các cuộc tấn công của Hamas, nhưng phản ứng của Israel cũng gây ra sự tức giận, đặc biệt là ở các nước Ả-rập và Hồi giáo.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, đám đông tụ tập bên ngoài các nhà thờ Hồi giáo hô khẩu hiệu phản đối Israel và ca ngợi Hamas.
Một lá cờ Palestine khổng lồ được người biểu tình giơ cao qua đầu trong một cuộc biểu tình ở Rome, và các cuộc biểu tình đã diễn ra ở các thành phố khác ở Châu Âu, bao gồm ở Braband ở Đan Mạch và ở Berlin, nơi một số người biểu tình đã bị cảnh sát câu lưu.
Đức và Pháp đã cấm các cuộc biểu tình ủng hộ người Palestine và một số nước phương Tây cho biết họ đã tăng cường an ninh tại các giáo đường Do Thái và các trường học Do Thái vì lo ngại các cuộc biểu tình có thể dẫn đến bạo lực.
Hamas, lực lượng cai trị Gaza, kêu gọi người Palestine nổi dậy phản đối việc Israel bắn phá dải đất bị phong tỏa, và kêu gọi họ tuần hành tới Nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa.
Cuộc tấn công cuối tuần trước của Hamas - vốn bị Mỹ, Liên minh Châu Âu và các chính phủ khác coi là tổ chức khủng bố - nhắm vào các cộng đồng người Israel đã giết chết ít nhất 1.300 người. Hầu hết là thường dân, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em.
Kể từ đó, Israel đã tấn công Gaza bằng các cuộc không kích và pháo kích, khiến hơn 1.500 người Palestine thiệt mạng. Một cuộc xâm lược trên bộ dường như sắp xảy ra.
Những người biểu tình ở Mỹ thể hiện sự đoàn kết với cả hai bên trong cuộc xung đột khi các thành phố lớn từ New York đến Los Angeles tăng cường sự hiện diện của cảnh sát tại các khu dân cư Do Thái và Hồi giáo.
Tại Washington, một cuộc biểu tình ủng hộ Israel và cộng đồng người Mỹ gốc Do Thái đã thu hút khoảng 200 người tại Quảng trường Tự do của thành phố, trước khu phức hợp Điện Capitol, nơi cảnh sát đã dựng hàng rào bảo vệ vào đêm hôm trước.
Tại New York, đám đông người biểu tình tập trung gần Quảng trường Times, đòi độc lập cho người Palestine và chỉ trích Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.
Tại Baghdad hôm thứ Sáu, hàng chục ngàn người Iraq đã tập trung tại Quảng trường trung tâm Tahrir, vẫy cờ Palestine và đốt cờ Israel trong khi hô khẩu hiệu chống Mỹ và các khẩu hiệu chống Israel.
Các cuộc tập hợp do nhà nước tổ chức diễn ra khắp Iran - quốc gia có chính phủ là thế lực ủng hộ chính của Hamas và là một trong những kẻ thù chính của Israel - để ủng hộ nhóm chủ chiến này, truyền hình nhà nước đưa tin.
Tại Indonesia, giáo sĩ Hồi giáo Abu Bakar Bashir, người bị tình nghi chủ mưu vụ đánh bom Bali năm 2002 khiến 202 người thiệt mạng, đã cùng hàng chục người tham gia tuần hành chống Israel tại thành phố Solo ở Java.
Tại thủ đô Dhaka của Bangladesh, các nhà hoạt động biểu tình phản đối hành động của Israel sau buổi cầu nguyện hôm thứ Sáu tại nhà thờ Hồi giáo chính. Các thành viên của cộng đồng người Hồi giáo ở Nhật Bản biểu tình gần đại sứ quán Israel ở Tokyo, giơ cao các biểu ngữ và hô vang "Israel, kẻ khủng bố" và "Palestine tự do."
Tại Sri Lanka, những người biểu tình giơ biểu ngữ có nội dung "Palestine bạn sẽ không bao giờ đi một mình." Người biểu tình cũng xuống đường ở Bulgaria, Yemen, Cape Town, vùng Kashmir của Ấn Độ, Pakistan, Afghanistan và Ai Cập.