Căng thẳng ngoại giao đang gia tăng giữa Hàn Quốc và các cường quốc trong khu vực khi chính phủ Seoul đang suy yếu và bị chia rẻ do việc luận tội Tổng thống Park Geun-hye.
Bà Park bị đình chỉ chức tổng thống vào tháng 12 sau khi Quốc hội biểu quyết với tỉ lệ áp đảo quyết định luận tội bà dính líu vào một vụ bê bối lạm dụng ảnh hưởng để gây quỹ lên đến hàng triệu đôla.
Thủ tướng hiện nay đảm nhiệm chức vụ đứng đầu nhà nước thay cho bà Park cho đến khi Tòa án Hiến pháp ra phán quyết sẽ luận tội bà Park và tổ chức bầu cử tổng thống mới, hay đưa bà lên nắm quyền trở lại.
Mới đây Nhật Bản đã yêu cầu Hàn Quốc loại bỏ bức tượng "an ủy phụ" đối diện Đại sứ quán Nhật Bản tại Seoul. Trong nhiều năm, các nhà hoạt động đã phản đối và yêu cầu Tokyo xin lỗi và bồi thường chính thức.
Hồi năm 2015, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản và Hàn Quốc đã đạt được một thỏa thuận mang tính đột phá về vấn đề “an uỷ phụ”. Theo thoả thuận này, Thủ tướng Shinzo Abe phải chính thức xin lỗi bằng văn bản và Tokyo cam kết tài trợ cho một quỹ từ thiện 1 triệu USD để hỗ trợ những nạn nhân còn sống sót.
Hôm thứ Hai, một lãnh đạo của Đảng Dân chủ trong Quốc hội kêu gọi chính phủ để chấm dứt thỏa thuận và trả lại tiền cho Nhật Bản.
Nhưng vào thứ ba, quyền Tổng thống và Thủ tướng Hwang Kyo-ahn kêu gọi tất cả các bên phải tôn trọng thỏa thuận này và tránh căng thẳng tiếp tục leo thang.
Trong khi đó, Trung Quốc thông báo biện pháp trả đũa để trừng phạt Hàn Quốc vì đã thỏa thuận với Hoa Kỳ triển khai hệ thống phòng thủ phi đạn (THAAD).
Một số nhà quan sát chính trị cũng đang lo ngại rằng nếu không có sự lãnh đạo mạnh mẽ ở Seoul, quan hệ Hoa Kỳ-Hàn Quốc sẽ bị ảnh hưởng. Nếu như điều này xảy ra, có khả năng Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump sẽ gây sức ép lên Hàn Quốc về thương mại và quốc phòng, buộc Seoul phải chia sẻ chi phí an ninh sau khi ông nhậm chức trong tháng này.