Hàn Quốc đàm phán về việc tham gia một phần thỏa thuận quốc phòng AUKUS của Mỹ, Anh và Úc, Bộ trưởng Quốc phòng nước này Shin Won-sik cho biết hôm 1/5, chỉ vài tuần sau khi liên minh này cho biết họ sẽ xem xét cho Nhật Bản tham gia.
Được thành lập vào năm 2021, AUKUS là một hiệp ước an ninh hai giai đoạn nhằm đối phó với sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Trong khi giai đoạn đầu tiên vốn nhằm cung cấp cho Úc công nghệ tàu ngầm hạt nhân chỉ giới hạn ở ba nước nòng cốt, các nước này đã nêu ra khả năng mời thêm nước khác tham gia trong giai đoạn hai, hay ‘Trụ cột 2’, với mục tiêu chia sẻ các công nghệ quân sự khác.
Hàn Quốc có thể đóng góp vào giai đoạn hai với năng lực quốc phòng, khoa học và công nghệ, ông Shin cho biết tại một cuộc họp báo sau cuộc họp giữa các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng Úc và Hàn Quốc tại Melbourne.
“Trong cuộc họp hôm nay, chúng tôi cũng đã thảo luận về khả năng hợp tác với Trụ cột 2 của AUKUS,” ông nói.
“Chúng tôi ủng hộ các hoạt động của Trụ cột 2 AUKUS và chúng tôi hoan nghênh việc các thành viên đang xem xét coi Hàn Quốc là đối tác của Trụ cột 2 AUKUS.”
Hàn Quốc, vốn có mối quan hệ chặt chẽ với Mỹ và ngành công nghiệp quốc phòng hàng đầu thế giới, từ lâu đã được đồn đoán là đối tác tiềm năng của Trụ cột 2 cùng với Canada, New Zealand và Nhật Bản.
Chưa đầy một tháng trước, các đối tác AUKUS tuyên bố họ đang xem xét việc hợp tác với Nhật Bản trong các dự án quốc phòng cụ thể của Trụ cột 2 và sẽ mở các cuộc đàm phán về sự tham gia của Nhật Bản trong năm nay.
“Hàn Quốc là một quốc gia có công nghệ rất ấn tượng và cũng là nước mà chúng tôi chia sẻ những giá trị chung,” Bộ trưởng Quốc phòng Úc Richard Marles nói.
“Khi Trụ cột 2 của AUKUS hình thành, sẽ có cơ hội trong tương lai và chúng tôi cũng thấy điều đó diễn ra trong mối quan hệ với Nhật Bản.”
Việc mở rộng hiệp ước gặp phải những trở ngại do những hạn chế nghiêm ngặt của Mỹ trong vấn đề chia sẻ công nghệ, điều mà Canberra và London lo ngại có thể làm thỏa thuận bị sa lầy nếu kết nạp thêm các thành viên mới quá nhanh.
Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 30/4 đã công bố kế hoạch nới lỏng những hạn chế này để giúp chuyển giao thiết bị quân sự và công nghệ nhạy cảm cho Anh và Úc dễ dàng hơn.