Seoul đang cân nhắc việc chia sẻ công nghệ quân sự tiên tiến với Mỹ, Anh và Úc thông qua cái được gọi là AUKUS Cột trụ II, một động thái nhằm tăng cường khả năng an ninh của Hàn Quốc dù chọc giận nước láng giềng hùng mạnh Trung Quốc.
AUKUS là đối tác an ninh ba bên được thành lập giữa Úc, Anh và Mỹ vào năm 2021 nhằm đẩy lùi sự hung hăng lấn lướt của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Cột trụ II của AUKUS nhằm mục đích cung cấp và chia sẻ công nghệ quân sự tiên tiến giữa các đối tác, bao gồm siêu thanh, trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ mạng. Cột trụ I được thiết kế để cung cấp các tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân cho Úc.
Ông Lưu Bằng Vũ, phát ngôn viên của Tòa đại sứ Trung Quốc tại Washington, phản đối thỏa thuận này, nói với đài VOA hôm 6/5 rằng: “Mặc dù được gọi là ‘quan hệ đối tác an ninh ba bên’, AUKUS về cơ bản là nhằm thúc đẩy đối đầu quân sự thông qua hợp tác quân sự.”
Ông Lưu nói: “Nó tạo ra thêm rủi ro phổ biến hạt nhân, làm trầm trọng thêm cuộc chạy đua vũ trang ở châu Á-Thái Bình Dương và làm tổn hại đến hòa bình và ổn định trong khu vực. Trung Quốc quan ngại sâu sắc và kiên quyết phản đối điều đó”. Ông Lưu đưa ra bình luận mà không nêu đích danh Hàn Quốc.
Seoul chưa chính thức được kết nạp vào AUKUS nhưng các cuộc thảo luận về việc đưa Hàn Quốc vào Cột trụ II đã được tổ chức giữa Seoul và Canberra vào đầu tháng này.
Ngày 1/5, sau cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Úc Richard Marles tại Melbourne, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Shin Won-sik nói với các phóng viên rằng ông đã thảo luận với những người đồng cấp Úc về khả năng gia nhập AUKUS Cột trụ II.
Một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ nói với đài VOA vào ngày 2/5 rằng “các đối tác của AUKUS đã phát triển các nguyên tắc và mô hình để có thêm sự tham gia đối tác”.
Phát ngôn viên này nói thêm rằng Mỹ “sẽ tiến hành tham vấn vào năm 2024 với các đối tác tiềm năng về các lĩnh vực mà họ có thể đóng góp và hưởng lợi từ công việc lịch sử này”.
Các cuộc đàm phán về việc đưa Nhật Bản vào Cột trụ II thậm chí còn tiến bộ hơn.
Washington tuyên bố trong hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nhật vào ngày 10/4 rằng ba đối tác của AUKUS đang “xem xét hợp tác với Nhật Bản trong các dự án năng lực tiên tiến của AUKUS Cột trụ II”.
Một ngày sau cuộc hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc, ông Marles đã gặp Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Kihara Minoru và Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin tại Hawaii, nơi họ tái khẳng định sự cân nhắc của mình đối với việc Nhật Bản tham gia vào Cột trụ II.
Một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Anh nói với đài VOA vào ngày 2/5 rằng Anh “sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội để giao tiếp với các đồng minh và đối tác thân thiết khi công việc xây dựng Cột trụ II AUKUS tiến triển, tuy nhiên, chưa có quyết định nào được đưa ra về quốc gia nào, ngoài Nhật Bản, chúng tôi có thể cộng tác với.”
Phát ngôn viên cho biết bất kỳ quyết định nào về việc đưa các quốc gia khác tham gia thỏa thuận sẽ được công bố vào thời điểm thích hợp.
Ông Terence Roehrig, giáo sư về an ninh quốc gia và chuyên gia về Hàn Quốc tại Đại học Chiến tranh Hải quân Hoa Kỳ, nói: “Có khả năng lớn là Hàn Quốc sẽ tham gia AUKUS Cột trụ II” vì nước này “có danh tiếng vững chắc trong việc phát triển các công nghệ tiên tiến” như “chất bán dẫn, AI, siêu thanh, robot và hệ thống không người lái.”
Ông Roehrig nói tiếp: “Không còn nghi ngờ gì nữa, Bắc Kinh sẽ phản đối việc tham gia của Seoul,” nhưng “Hàn Quốc sẽ thu được nhiều lợi ích từ việc tham gia AUKUS và nếu được quản lý cẩn thận, có thể giảm nguy cơ xảy ra bất kỳ phản ứng lớn nào của Trung Quốc”.
Bà Melanie Hart, điều phối viên chính sách Trung Quốc của Thứ trưởng phụ trách Tăng trưởng Kinh tế, Năng lượng và Môi trường Jose Fernandez tại Bộ Ngoại giao, cho biết Hoa Kỳ sẽ làm tất cả những gì có thể để giúp Hàn Quốc nếu nước này phải đối mặt với sự trả đũa kinh tế của Trung Quốc. Bà đã đưa ra phát biểu này trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Hàn Quốc Yonhap hồi đầu tháng.
Ông David Maxwell, phó chủ tịch Trung tâm Chiến lược Châu Á Thái Bình Dương, nói sự tham gia của Seoul vào AUKUS phù hợp với mục tiêu của Hàn Quốc là trở thành quốc gia trụ cột toàn cầu và liên kết với các quốc gia ủng hộ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.
Ông nói rằng Bắc Kinh sẽ bộc lộ “điểm yếu và các hoạt động ác ý của mình nếu chọn tấn công Hàn Quốc” về mặt kinh tế và Seoul không nên đưa ra quyết định dựa trên cách Trung Quốc có thể phản ứng.
Ông Michael O’Hanlon, giám đốc nghiên cứu chính sách đối ngoại tại Viện Brookings ở Washington, đồng ý rằng Seoul sẽ phù hợp tốt cho AUKUS. Tuy nhiên, ông nói, “Hàn Quốc phải để mắt tới Triều Tiên” trong khi AUKUS chú tâm đến Trung Quốc.
Do đó, ông tiếp tục, “Có những hạn chế đối với những gì có thể xảy ra trong bất kỳ hoạt động thắt chặt hợp tác nào.”
Ông James Przystup, thành viên cấp cao tại Viện Hudson, cho rằng việc tham gia vào AUKUS sẽ đòi hỏi phải “chia sẻ chi phí đáng kể” nhưng cả Seoul và Tokyo đều tham gia Cột trụ II “là một ý tưởng đã đến lúc”.