Hai nước Triều Tiên đồng ý mở lại Kaesong, mời đầu tư nước ngoài

Công nhân Bắc Triều Tiên làm việc tại nhà máy sản xuất hàng may mặc của công ty Hàn Quốc Shinwon tại khu công nghiệp Kaesong.

Bắc và Nam Triều Tiên đã đồng ý mở lại khu công nghiệp chung tại Kaesong sau khi Bình Nhưỡng đồng ý đáp lại các yêu cầu của Seoul. Bắc Triều Tiên đã đơn phương đóng cửa khu nhà máy hồi tháng 4 nhưng theo một thỏa thuận đạt được hôm nay sẽ cho phép quản lý chung và lần đầu tiên mời các nhà đầu tư nước ngoài. Từ Seoul, thông tín viên VOA Daniel Schearf gửi về bài tường thuật sau đây.

Sau các cuộc thương thuyết kéo dài liên tục qua đêm, các nhà thương thuyết Bắc và Nam Triều Tiên sớm hôm nay đã đồng ý về việc mở lại với tính cách thử nghiệm Khu Công nghiệp có tính cách quan trọng biểu tượng này.

Thỏa thuận đạt được sau nhiều tháng đàm phán sẽ chứng kiến sản xuất khởi động vào ngày thứ hai tới lần đầu tiên kể từ tháng 4 là lúc khu nhà máy đặt dưới sự điều hành chung bị đơn phương đình chỉ.

Bình Nhưỡng đã rút 55,000 công nhân ra khỏi các nhà máy ở Kaesong viện cớ căng thẳng vì các vụ tập trận chung giữa Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên.

Bình Nhưỡng và Seoul đã đồng ý hồi tháng 8 mở lại khu công nghiệp, nhưng cần phải có nhiều tuần lễ thương nghị để bàn về các chi tiết.

Trưởng phái đoàn Nam Triều Tiên Kim Ki-woong, nói rằng hai bên đã đồng ý giải quyết mọi vấn đề trong tương lai qua một uỷ ban hỗn hợp.

Ông Kim nói phía miền Bắc đã đồng ý, đối với tất cả các vấn đề có liên quan đến Khu Phức hợp Công nghiệp Kaesong, khi có bất cứ vấn đề nào xảy ra thì họ thảo luận vấn đề đó qua một uỷ ban hỗn hợp. Do đó, theo ông, họ có một khung sườn để trong trường hợp hai bên nghĩ là có vấn đề, thì họ sẽ gợi ý vấn đề và giải quyết vấn đề dựa vào kết quả cuộc thảo luận. Ông nói họ nghĩ là khung sườn này sẽ giúp ngăn chặn mọi biến cố tương tự như lần trước.

Liên doanh nằm ngay bên kia biên giới ở thành phố lớn thứ nhì của Bắc Triều Tiên, kết hợp kiến thức sản xuất của Nam Triều Tiên với lao động rẻ tiền của Bắc Triều Tiên.

Khu phức hợp Kaesong khởi sự vào năm 2004 trong khuôn khổ chính sách giao tiếp của cựu Tổng thống Kim Dae-jung, gọi là “Chính sách Ánh Dương”.

Những lời đe dọa và việc theo đuổi vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên đã khiến cho phần lớn chính sách này thất bại. Nhưng khu công viên nhà máy chung đã cố gắng tiếp tục sản xuất, ngay cả qua các thời kỳ căng thẳng cao cho đến hồi đầu năm nay.

Ông Kim Jin-hyang là người đứng đầu Trung tâm Khảo cứu Hòa bình và Thống nhất trên bán đảo Triều Tiên. Ông lạc quan tin rằng Bắc Triều Tiên luôn luôn có ý định bình thường hóa Kaesong nhưng nêu ra rằng thỏa thuận không thể ngăn ngừa một vụ đình công khác xảy ra.

Ông Kim nói nếu có gợi ý về một nguy cơ chính trị hay quân sự, thì một lời hứa có thể bị phá vỡ. Ðiều này cũng thường hay xảy ra trong chính sự quốc tế. Ông nói điều quan trọng mà cả hai nước Triều Tiên có thiện chí bình thường hóa toàn bộ quan hệ liên Triều dựa trên việc bình thường hoá Khu Công nghiệp Kaesong.

Ðại biểu Kim của Nam Triều Tiên nói Bình Nhưỡng cũng đồng ý với một yêu cầu then chốt là lần đầu tiên mời đầu tư nước ngoài đến khu công nghiệp để bảo đảm tốt hơn cho công tác sản xuất không gián đoạn. Ông nói cả hai bên sẽ tổ chức một sự kiện vào tháng 10 tại Kaesong nhắm mục tiêu vào các công ty nước ngoài có trụ sở ở Nam Triều Tiên.

Ông Kim nói như Tổng thống Nam Triều Tiên đã tuyên bố ở Italia, trong khi ta mời các công ty và doanh nhân nước ngoài, chúng ta nghĩ rằng khả năng tái diễn một sự cố tương tự sẽ giảm bớt. Ông nói hệ thống và các công ty ở Khu Công nghiệp Kaesong sẽ phát triển thành một khu công nghiệp quốc tế nổi tiếng như Khu Công Nghiệp Tô Châu của Trung Quốc.

Khu công nghiệp Tô Châu là một liên doanh nhiều tỷ đôla giữa Trung Quốc và Singapore và được xếp hạng trong số các khu công nghiệp hàng đầu của Trung Quốc về đầu tư nước ngoài.

Nhưng chuyên gia phân tích Kim nói còn quá sớm để thu hút các công ty lớn của nước ngoài đến Kaesong vì rủi ro vẫn còn quá cao.



Ông nói các doanh nghiệp đòi hỏi các hệ thống và máy điện toán kỹ thuật cao sẽ khó mà vào khu công nghiệp vì những biện pháp liên quan đến các chế tài kinh tế của Hoa Kỳ chống lại Bắc Triều Tiên. Theo ông, ngay cả một máy điện toán cũng có thể bị kiểm tra trước khi vào khu công nghiệp, vì thể ông không chắc là các công ty nước ngoài có thể dễ dàng vào khu này.

Hai nước Triều Tiên đã đồng ý là các công ty Nam Triều Tiên bị thiệt hại vì đóng cửa nhiều tháng sẽ được miễn trừ khỏi phải đóng thuế năm nay. Hai nước Triều Tiên vẫn còn thảo luận mức bồi thường, nếu có, sẽ được trả cho 55,000 công nhân Bắc Triều Tiên.