Đức đã trao quy chế tị nạn cho hai nhà hoạt động Hồng Kông phải đối mặt với các cáo buộc tại quê hương, một trong số họ cho biết hôm 22/5. Đây dường như là lần đầu tiên Đức xác nhận về tình trạng tị nạn của những người cổ súy cho dân chủ tại thành phố nằm dưới sự cai trị của Trung Quốc.
Ray Wong, 25 tuổi, và Alan Li, 27 tuổi, đã được cấp quy chế tị nạn ở Đức vào tháng 5/2018, Wong nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại từ Đức. Anh cũng cho xem một văn bản về quy chế này,
“Giờ đây Hong Kong cũng có những người tị nạn chính trị”, Wong nói.
Lãnh sự quán Đức tại Hồng Kông cho biết họ nắm thông tin về hai cư dân Hồng Kông đang có mặt ở Đức, mặc dù vậy, lãnh sự quán không cung cấp thông tin chi tiết về các trường hợp cụ thể, cũng như không xác nhận liệu hai người kể trên đã được trao quy chế tị nạn hay không.
Wong, cựu thành viên của nhóm độc lập Hong Kong Indigenous, và Li bị cáo buộc vì tấn công gây bạo loạn liên quan đến một cuộc biểu tình đã trở nên bạo lực vào tháng 2/2016. Sau đó, hai người này đã bỏ mặc khoản tiền bảo lãnh tại ngoại và trốn sang Đức vào năm 2017.
Các nhà hoạt động Hồng Kông đấu tranh cho dân chủ ngày càng trở nên thách thức hơn trong những năm gần đây, trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại về sự can thiệp mỗi lúc một tăng từ phía Bắc Kinh, bất chấp việc họ từng cam kết về quyền tự trị đặc biệt.
Nhiều nhà hoạt động đã bị bỏ tù với các cáo buộc khác nhau, bao gồm tội khinh thường tòa án và gây rối trật tự công cộng. Những người chỉ trích nói rằng chính quyền Hồng Kông đang truy tố các nhà hoạt động để ngăn ngừa các cuộc biểu tình và ngăn chặn tự do ngôn luận và hội họp.
Chính quyền Hồng Kông phủ nhận việc họ trấn áp các nhà hoạt động.