Hai người Việt 'được cấp visa' sang Mỹ ghép tủy cứu anh trai

Ảnh minh họa.

Một nhà lập pháp Mỹ mới cho biết rằng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã cấp thị thực cho hai người Việt sang California để giúp chữa trị cho anh trai bị bệnh ung thư máu, sau một thời gian họ "bị từ chối" visa.

Dân biểu Zoe Lofgren, Chủ tịch Tiểu ban Tư pháp Hạ viện Mỹ chuyên trách về Di dân và Công dân, mới lên tiếng hoan nghênh thông báo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về việc hai người Việt “đã được cấp visa tạm thời để nhập cảnh vào Mỹ” để cứu mạng một người anh tên là Tứ Lê.

Theo nhà lập pháp này, ông Tứ Lê, hiện sinh sống ở San Jose, California, “bị một chứng bệnh ung thư cấp tính mà chỉ có ghép tủy mới có thể giúp ông sống còn”.

“Hai người em trai của ông đều ở Việt Nam và thật hiếm hoi, họ có gen phù hợp 100%, nhưng thoạt đầu bị từ chối visa nhập cảnh vào Mỹ để giúp người anh của mình có cơ hội sống sót tốt nhất”, bà Lofgren nói trong một tuyên bố ra ngày 18/6.

Tin cho hay, hai người em của ông Tứ Lê xin visa du lịch B-2 để sang giúp người anh 63 tuổi của mình, nhưng "bị từ chối" thị thực hồi đầu tháng Sáu mà lý do là họ “bị nghi ngờ sẽ ở lại Mỹ”.

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, thị thực B-2 “dành cho mục đích mang tính giải trí, bao gồm đi du lịch, thăm bạn bè hoặc họ hàng, điều trị y tế và các hoạt động có đặc thù về tình hữu nghị, xã hội hoặc dịch vụ”.

XEM THÊM: Trục xuất người tị nạn ‘gây tổn hại lòng tin’ Việt – Mỹ

Người xin loại visa này “phải trình bày mục đích của chuyến đi đến Hoa Kỳ là chuyến đi tạm thời, chẳng hạn như đi công tác, đi du lịch hoặc điều trị y tế; dự định lưu trú tại Hoa Kỳ trong một khoảng thời gian cụ thể, có hạn; bằng chứng ngân sách để chi trả những chi phí khi ở Hoa Kỳ; có địa chỉ thường trú ngoài Hoa Kỳ cũng như những ràng buộc về xã hội hoặc kinh tế khác đảm bảo sẽ trở về sau khi kết thúc chuyến đi”.

Nữ dân biểu Lofgren cho biết thêm rằng bà cùng với thượng nghị sĩ Kamala Harris, một trong các ứng viên tổng thống của Đảng Dân chủ, thay mặt cho ông Tứ Lê và gia đình, “đã làm việc với Bộ Ngoại giao”.

“Tôi không thể vui mừng hơn cho ông Tứ Lê và gia đình ông”, bà Lofgren nói. “Thử tưởng tượng việc biết rằng việc ghép tủy xương có thể là cách duy nhất để cứu mạng mình, nhưng người em trai hiến tủy lại bị từ chối cơ hội tới cứu sống mình”.

Nữ dân biểu cũng ngỏ lời “cám ơn Đại sứ Mỹ [tại Hà Nội] Kritenbrink đã cùng với tôi và thượng nghị sĩ Harris tìm một giải pháp sớm nhất có thể” và “chúc ông Tứ và gia đình ông những điều tốt đẹp nhất và tiếp tục sẽ hỗ trợ nếu cần”.

VOA tiếng Việt chưa thấy Đại sứ quán Mỹ có phản ứng nào về thông báo của bà Lofgren, nhưng các cơ quan ngoại giao Mỹ thường không tiết lộ thông tin về các trường hợp cá nhân xin thị thực.

Đây không phải là trường hợp người Việt đầu tiên muốn sang Mỹ giúp người thân chữa trị trọng bệnh bị từ chối visa, nhưng sau đó lại được cấp nhờ sự can thiệp của các nhà lập pháp Mỹ.

Hồi tháng Tám năm 2017, bà Lofgren cũng đã vận động giúp bà Nguyễn Thị Hoa từ Việt Nam sang Mỹ thăm con bị bệnh ung thư phổi, sau khi bà bị từ chối visa vì cơ quan ngoại giao Hoa Kỳ "lo ngại" rằng “bà sẽ tìm cách ở lại Mỹ bất hợp pháp”.

Báo chí khi đó cho hay, nguyện vọng cuối cùng của nữ bệnh nhân ung thư Trinh Phan, được nhìn thấy mẹ cười và cầm tay mẹ lần cuối, sau đó đã trở thành sự thật.