2017 đầy chông gai cho Chủ tịch Trung Quốc

Trước khi ông Tập nhậm chức, kinh tế Trung Quốc trải qua điều mà nhiều người mô tả là ‘kỳ diệu’.

Năm tới, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ đối mặt với một số thách thức lớn nhất đối với ông kể từ khi nhậm chức vào năm 2013, những thách thức trắc nghiệm vai trò lãnh đạo của ông chưa từng thấy trước nay, trong đó có những vấn đề kinh tế, việc sắp xếp lại lãnh đạo chính trị cấp cao và những viễn cảnh chưa chắc chắn mà Tổng thống tân cử Donald Trump của Mỹ sẽ mang lại cho mối quan hệ Mỹ-Trung.

Trước khi ông Tập nhậm chức, kinh tế Trung Quốc trải qua điều mà nhiều người mô tả là ‘kỳ diệu’ với nhiều chục năm tăng trưởng mạnh, làm giàu và tiếp thêm quyền lực cho đảng cộng sản.

Hiện giờ, khác với những lãnh đạo tiền bối, ông Tập đang chịu trách nhiệm trong thời kỳ mà nền kinh tế đang đối mặt với hàng loạt nhiều vấn đề, từ các khoản nợ ngày càng tăng của chính quyền địa phương và của các tập đoàn cho tới tình trạng bong bóng thị trường bất động sản. Quỹ Tiền tệ Quốc tế gần đây đã cảnh báo nguy cơ bùng phát một cuộc khủng hoảng lớn hơn. Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm đi đáng kể dù tỷ lệ tăng trưởng so với tiêu chuẩn quốc tế vẫn là cao.

Trong khi kinh tế chùn lại, Trung Quốc tìm cách phát triển ảnh hưởng ra nước ngoài và các khoản đầu tư ra ngoại quốc đã ồ ạt gia tăng nhiều đến nỗi chính quyền đã phải nhảy vào để giảm bớt dòng chảy của hàng tỷ đô la vốn ra nước ngoài. Giới hữu trách cũng lưu ý rằng Trung Quốc ngày càng có nhiều hợp đồng hàng tỷ đô la với nước ngoài của các công ty quốc doanh và tư nhân Trung Quốc.

Một số người cho rằng việc ông Tập tự đặt mình vào trung tâm mọi quyết định của chính phủ càng làm cho mọi việc phức tạp hơn, nhân rộng quyền lực cho ông ta tới mức mà một số người đánh giá ông là lãnh đạo Trung Quốc quyền lực nhất kể từ sau ông Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình.

Gần đây, ông Tập được trao danh hiệu mà ông Mao và ông Đặng đều từng được vinh danh, trở thành lãnh đạo ‘cốt lõi’ của Trung Quốc. Theo giới phân tích, việc thúc đẩy tăng cường quyền lực này một phần nhằm bảo đảm rằng những cải cách được xúc tiến suông sẻ, nhưng một số người nhìn thấy ông Tập và phương pháp mạnh tay của ông ngày càng bị chống đối.

Bây giờ, hễ mọi việc không trôi chảy, ông chắc chắn sẽ bị chỉ trích nhiều hơn.

Giáo sư khoa học chính trị Jean-Pierre Cabestan thuộc đại học Hong Kong Baptist University nhận xét:

“Mối nguy hiểm là nếu kinh tế có gì trục trặc, ông ấy không thể quy lỗi cho Thủ tướng Lý Khắc Cường như đã từng làm như thế trước kia. Giờ đây, ông ấy phải lãnh trách nhiệm về mọi chuyện xảy ra trong nước.”

Trong ba năm rưỡi vừa qua, ông Tập đưa ra các kế hoạch cải cách đầy tham vọng, nhưng phần nhiều bị bế tắc.

Chính phủ trung ương ủng hộ động lực chống tham nhũng của ông Tập nhắm mục tiêu hơn triệu đảng viên, nhưng các chính quyền địa phương thì không như thế.

Giáo sư Cabestan nói chiến dịch chống tham nhũng đã tạo ra nhiều ngờ vực cho guồng máy hành chính. Ông tiếp lời:

“Dân chúng lo lắng nhiều và chúng ta có thể thấy một số thái độ phản đối ngay trong đảng đối với các động lực hết sức bảo thủ do ông Tập đề xướng và cổ súy.”

Ông Willy Lam, một chuyên gia về chính trị Trung Quốc nhận định:

“Trong năm tới, có phần chắc là ông Tập không có thời gian giải quyết bất kỳ mối quan ngại nào trong số này hay đưa ra những sáng kiến nào mạnh tay. Đây không phải là năm đưa ra sáng kiến mới mà phải bình ổn tư duy của công chúng, nuôi dưỡng sự đồng thuận và phát triển hòa khí giữa các nhánh khác nhau trong đảng.”

Cuối năm tới Trung Quốc sẽ sắp xếp lại hàng ngũ lãnh đạo cao cấp của đảng cộng sản và cả Ban Thường trực Chính trị. Ông Tập sẽ ra tái tranh cử chức Tổng bí thư đảng cộng sản và theo dự kiến sẽ còn bành trướng quyền kiểm soát hơn nữa bằng cách nhổ rễ những đảng viên không thân cận với ông. Chưa chắc liệu có thể có thêm những cải cách mạnh tay hay không.


Sau khi đắc cử Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump đã khiến giới lãnh đạo Trung Quốc sửng sốt vì lần đầu tiên có một Tổng thống Mỹ tân cử hay đương nhiệm trao đổi trực tiếp với lãnh đạo Đài Loan. Ông Trump cũng chất vấn chính sách của Mỹ về ‘Một nước Trung Hoa’ vốn đóng vai trò chủ chốt trong việc thành lập các mối quan hệ Mỹ-Trung.

Ông Trump còn tuyên bố sẽ theo đuổi các biện pháp mậu dịch từ thuế suất nặng hơn với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc cho tới liệt kê nước này vào danh sách thao túng chỉ tệ.

Sử gia và cũng là nhà bình luận Zhang Lifan người Trung Quốc cho rằng giới lãnh đạo Bắc Kinh đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng. Ông lưu ý rằng các thành viên chính trong Tổ chức Thương mại Thế giới cũng đã mệt mỏi với các chiêu trò của lãnh đạo cộng sản Trung Quốc và giờ đây đang có sự thúc đẩy phải dùng luật lệ chế tài Trung Quốc.

Ông Trump lên làm Tổng thống Mỹ làm gia tăng khả năng kinh tế Trung Quốc có thể đối diện một cuộc khủng hoảng, suy trầm mạnh hay thậm chí là suy sụp, theo nhận định của ông Zhang:

“Nếu điều đó xảy ra, bất ổn xã hội là điều kế tiếp. Nếu có bất ổn xã hội sẽ dẫn tới một cuộc khủng hoảng chính trị nội địa. Tất cả đều gắn kết với nhau.”

Vẫn theo lời bình luận gia này, có khả năng sách lược của ông Trump là nhắm mục tiêu những yếu điểm của đảng cộng sản Trung Quốc và quan trọng là lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc phải nhượng bộ để tiến tới trong lúc ông Tập tìm cách duy trì quyền lực, giữ vị thế lãnh đạo đảng, và tránh sai lầm đáng tiếc.

Tuy nhiên, theo lời ông Zhang, khó loại bỏ khả năng Chủ tịch Trung Quốc có thể sẽ mắc sai lầm.