Hạ viện Nhật Bản đã thông qua một dự luật, theo đó nới lỏng các giới hạn đối với quân đội nước này. Đây được coi là một bước đi mang tính lịch sử, xa rời các chính sách quân sự ôn hòa thời hậu Thế Chiến thứ Hai của nước này.
Với sự hậu thuẫn của liên minh cầm quyền của Thủ tướng Shinzo Abe, dự luật gây tranh cãi đã được thông qua hôm nay, dù vấp phải các cuộc biểu tình lớn cũng như bị các đảng phái đối lập chính tẩy chay.
Phát biểu sau cuộc bỏ phiếu, Thủ tướng Abe nói: “Tình hình an ninh quanh Nhật Bản đang ngày càng trở nên phức tạp hơn. Các dự luật này là điều hết sức cần thiết để bảo vệ mạng sống của người dân Nhật Bản, cũng như ngăn chặn chiến tranh”.
Trong khi đó, các nhà lập pháp đối lập tỏ ra bất mãn vì Đảng Dân chủ Tự do, LDP, của ông Abe đã gấp rút đẩy nhanh dự luật qua một ủy ban quốc hội mà không tiến hành đủ các cuộc tranh luận.
Ông Abe đã cam kết tăng cường sức mạnh cho lực lượng phòng vệ bị giới hạn nhiều của Nhật Bản, một phần là nhằm đáp lại sự lớn mạnh và ngày càng quyết đoán của Trung Quốc, quốc gia hiện có tranh chấp lãnh hải với Tokyo.
Trong khi đó, hôm nay, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên án việc Nhật Bản thông qua dự luật, và điều đó khiến Bắc Kinh đặt dấu hỏi là liệu Tokyo có tiếp tục các chính sách quân sự “hoàn toàn mang tính phòng thủ” mà nước này đã áp dụng kể từ sau Thế Chiến II hay không.
Người phát ngôn Hoa Xuân Oánh nói: “Chúng tôi thực sự kêu gọi phía Nhật Bản rút ra các bài học lớn từ quá khứ, duy trì đường hướng phát triển hòa bình, và tránh làm tổn hại tới các quyền lợi an ninh và chủ quyền của Trung Quốc cũng như làm ảnh hưởng tới ổn định và hòa bình khu vực”.
Một trong số các điều khoản chính của dự luật là cho phép quân đội Nhật Bản tiến hành điều gọi là “phòng thủ tập thể”. Ngoài ra, nước này cũng sẽ có thể được phép bảo vệ các quốc gia bạn hữu khi những nước này bị tấn công.
Phe đối lập và phần đông công chúng Nhật Bản phản đối những thay đổi lớn đối với các nguyên tắc quân sự mang tính ôn hòa được ghi trong hiến pháp của nước này suốt 70 năm qua.