Chỉ có những nước như Cuba hay những nước thân Việt Nam mới có chút gì đó gọi là ủng hộ. Còn hầu như tất cả các nước tiên tiến đều lên án Việt Nam về vấn đề nhân quyền, chê trách tất cả mọi thứ về vấn đề nhân quyền Việt Nam. Đó là những gì Lâm thấy rõ ràng khi ngồi tham dự tại diễn đàn đó.
Bộ Ngoại Giao Mỹ ngày 27/2 công bố phúc trình đánh giá tình hình nhân quyền trên thế giới năm 2013, nhận xét Việt Nam là một quốc gia ‘độc đoán’, ‘độc đảng’, đồng thời chỉ rõ các vi phạm nhân quyền mà lực lượng an ninh do nhà cầm quyền kiểm soát gây ra.
Báo cáo cũng nêu lên những ví dụ cụ thể chứng minh các giới hạn về quyền tự do chính trị, quyền tự do dân sự của công dân, cũng như phơi bày nạn tham nhũng trong hệ thống tư pháp và công an.
Một ngày sau khi phúc trình được công bố, Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng phản bác rằng ‘một số nhận định về Việt Nam’ nêu trong báo cáo ‘dựa trên những thông tin thiếu chính xác, không phản ánh thực tế khách quan về tình hình quyền con người ở Việt Nam.’
Phát ngôn nhân Lê Hải Bình nhấn mạnh: ‘Đảm bảo quyền con người là trọng tâm trong các chính sách phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.’
Vẫn theo ông Bình, ‘những nỗ lực của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận tại Phiên rà soát định kỳ phổ quát’ (UPR) trước Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc ở Geneva hồi tháng trước.
Your browser doesn’t support HTML5
“Ngày hôm đó người ta phê phán chính phủ Việt Nam rất nhiều. Chỉ có những nước như Cuba hay những nước thân Việt Nam mới có chút gì đó gọi là ủng hộ. Còn hầu như tất cả các nước tiên tiến đều lên án Việt Nam về vấn đề nhân quyền, chê trách tất cả mọi thứ về vấn đề nhân quyền Việt Nam. Đó là những gì Lâm thấy rõ ràng khi ngồi tham dự tại diễn đàn đó.”
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam nói: ‘Việt Nam luôn sẵn sàng đối thoại với các nước có những quan điểm khác biệt với Việt Nam trong lĩnh vực quyền con người, trong đó có Hoa Kỳ’ ‘trên tinh thần thẳng thắn và xây dựng’ ‘nhằm tăng cường hiểu biết, thu hẹp sự khác biệt, qua đó nâng cao tính xác thực và khách quan trong những đánh giá về tình hình quyền con người ở Việt Nam.’
Phản ứng của Hà Nội trước những phê phán của quốc tế về nhân quyền, theo blogger Bùi Tuấn Lâm, là không có gì lạ vì lâu nay nhà cầm quyền Việt Nam chưa bao giờ thừa nhận sự thật về thành tích nhân quyền tai tiếng của mình:
“Ngay bản thân Lâm khi làm việc với những người an ninh Việt Nam, Lâm nói thẳng với họ rằng bản báo cáo của chính phủ Việt Nam là nói láo. Là người sống trong đất nước này, hiện diện tại buổi kiểm điểm UPR đó, Lâm thấy chính phủ Việt Nam mình nói láo rõ ràng,không đúng sự thật. Là người tham gia tranh đấu về dân chủ, thời gian qua Lâm quan sát thấy chính phủ Việt Nam nói láo rất nhiều trong những bản báo cáo. Họ không bao giờ chấp nhận sự thật.”
Anh Lâm cho biết thêm kể từ khi về nước sau cuộc vận động quốc tế nhân kỳ kiểm điểm UPR của Việt Nam, anh liên tục gặp phải những sự sách nhiễu và theo dõi từ phía an ninh.
Là một nhân chứng tại Việt Nam, blogger này cho rằng những nhận xét của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trong phúc trình 2013 vừa công bố là hoàn toàn chính xác, phản ánh những giới hạn về các quyền căn bản mà người dân trong nước đang khao khát có được như mọi công dân khác trên khắp thế giới, trong đó có quyền tự do đi lại, tự do bày tỏ quan điểm, và tự do thông tin. Đây là những quyền phổ quát của con người được ghi rõ trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền do Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua năm 1948 mà Việt Nam có tham gia ký kết.
Bản Tuyên ngôn đã được dịch ra hàng trăm thứ tiếng trên toàn cầu. Điều 30 của Tuyên ngôn quy định không một quốc gia, tổ chức, hay cá nhân nào được phép có những việc làm hay hành động nhằm hủy diệt nhân quyền và các quyền tự do được thừa nhận trong bản Tuyên Ngôn này.
Việt Nam vẫn nằm trong danh sách các nước khét tiếng về thành tích nhân quyền tệ hại bị cộng đồng quốc tế và giới bảo vệ nhân quyền trên thế giới lên án nhiều nhất.
Theo đánh giá của giới phân tích, sau khi Miến Điện chuyển mình dân chủ hóa đất nước, Việt Nam đang trở thành quốc gia đội sổ về lĩnh vực nhân quyền trong khu vực Đông Nam Á.