Lãnh đạo thành phố Hà Nội hôm 20/9 cho biết thủ đô của cả nước sẽ nới lỏng các hạn chế vì đại dịch virus corona sau gần hai tháng phong toả trong lúc số ca nhiễm đang giảm dần và gần như toàn bộ người trưởng thành đã được tiêm một liều vaccine.
Đợt bùng phát tồi tệ nhất trong đại dịch COVID từ cuối tháng 4 đã khiến Hà Nội và nhiều tỉnh thành trong cả nước phải áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trong đó hạn chế người dân ra đường và dừng mọi hoạt động không cấp thiết. Ban đầu việc giãn cách xã hội toàn thành phố dự kiến áp dụng trong 15 ngày từ 24/7 nhưng sau đó thêm nhiều lần gia hạn và kéo dài đến 21/9 vì “diễn biến căng thẳng của dịch bệnh.”
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng hôm 20/9 được báo chí trích lời cho biết từ 6h ngày 21/9, thủ đô sẽ có các biện pháp nới lỏng một số hoạt động, trong đó sẽ không áp dụng việc cấp giấy đi đường cho việc di chuyển trên địa bàn thành phố, một quyết định cũng được TPHCM áp dụng trước đó và gây nhiều tranh cãi.
Sau ngày 21/9, các công trình xây dựng ở Hà Nội sẽ được hoạt động trở lại tại các khu vực được xem là an toàn về lây nhiễm, theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn được Lao Động trích lời cho biết tại một buổi giao ban hôm 19/9. Việc nới lỏng thêm sẽ được đưa ra tiếp theo sau trong lúc các ca lây nhiễm mới trung bình hàng ngày ở thành phố giảm xuống còn 20.
Ông Tuấn cho biết rằng, đến nay đã có trên 94% số người trưởng thành của Hà Nội, tức hơn 5,67 triệu người, đã được tiêm một mũi vaccine ngừa COVID-19, chiếm gần 68% dân số của thủ đô, với mục tiêu hoàn thành tiêm chủng liều thứ 2 vào cuối tháng 11.
Tuy nhiên, theo Đại tá Trần Ngọc Dương, phó giám đốc Công an TP Hà Nội được Tiền Phong trích lời cho biết, thành phố sẽ tiếp tục duy trì 22 chốt cửa ngõ thành phố và 33 chốt ở các đường ngang lối mở “để đảm bảo kiểm soát được người, phương tiện ra vào Thủ đô, ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào thành phố.”
Không giống như TPHCM, nơi là tâm dịch với gần một nửa số ca nhiễm và gần 80% số ca tử vong trên cả nước, TP Hà Nội không bị ảnh hưởng nặng nề khi chỉ ghi nhận hơn 50 trong tổng số 17.000 trường hợp tử vong và hơn 4.400 trong tổng số hơn 678.000 ca nhiễm trên toàn quốc.
Nhưng trong bốn lần thực hiện giãn cách xã hội liên tiếp từ cuối tháng 7, Hà Nội bị truyền thông quốc tế coi là một “nhà tù lộ thiên” khi những cư dân của thành phố phàn nàn rằng họ “không có tự do đi lại” và “được lệnh tự giam mình” để chống đại dịch. Lúc đó nhà báo Trương Huy San đưa ra lời đề nghị trên trang Facebook cá nhân rằng các lãnh đạo nên đưa ra phương án “đừng để thế giới nhìn Thủ đô của một quốc gia đang phát triển như một căn cứ du kích.”
Việt Nam được xem là hình mẫu về khống chế đại dịch COVID trong hầu hết năm ngoái nhưng phải vật lộn với đợt dịch tồi tệ nhất bùng phát từ cuối tháng 4. Báo Nikkei Asia vào tháng trước xếp Việt Nam cuối cùng trong số 121 nước trên thế giới về khả năng phục hồi từ COVID-19. Các nhà lãnh đạo Việt Nam bị cho là đã “tự mãn” trước các thành công này và chậm trễ trong chương trình tiêm chủng cho toàn dân khiến các ca lây nhiễm và tử vong vì COVID-19 không ngừng tăng cao. Việt Nam hiện vẫn có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất châu Á, với chưa đến 5% trong tổng số 98 triệu dân được tiêm đủ liều vaccine chống virus corona.
Hồi đầu tháng này, các nhà đầu tư châu Âu cảnh báo rằng họ đang xem xét chuyển các dự án sang nơi khác nếu các hạn chế về chống dịch COVID-19 của Việt Nam tiếp tục kéo dài trong khi các doanh nghiệp dệt may trong nước kêu cứu trước nguy cơ phá sản vì phong toả.
“Chúng ta không thể duy trì các biện pháp giãn cách xã hội một cách vô thời hạn,” ông Tuấn nói và cho biết rằng cách tiếp cận của thành phố sẽ linh hoạt và khoa học, nhằm mục đích ngăn chặn virus trong lúc phục hồi các hoạt động kinh tế.
Cuối tháng trước, Thủ tướng Phạm Minh Chính xác định rằng Việt Nam “phải sống chung với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối” sau một thời gian dài theo đuổi mục tiêu “zero F0” để chiến thắng đại dịch.
Your browser doesn’t support HTML5