Hà Nội khó thu phí xe vào nội đô vì trái lợi ích của các trùm bất động sản?

Nhiều người sống ở ngoại ô và đi làm trong nội đô của Hà Nội.

Sau khi nhà chức trách tại thủ đô của Việt Nam công bố kế hoạch lập gần 90 trạm thu phí trên một con đường vành đai chủ chốt để hạn chế xe cộ vào nội đô, những ngày qua, nhiều người bày tỏ phản đối kế hoạch này, hoặc hoài nghi về việc kế hoạch có thể trở thành hiện thực.

Từ Hà Nội, kiến trúc sư Dương Quốc Chính nhận định với VOA hôm 1/11 rằng khả năng lớn nhất làm cho kế hoạch của Hà Nội thất bại chính là sự chống đối từ các đại gia bất động sản vì đụng chạm đến lợi ích của họ.

Làm công việc liên quan mật thiết đến bất động sản và hiểu rõ về sự ảnh hưởng của nhóm lợi ích trong lĩnh vực này tới các chính sách của chính quyền, kiến trúc sư Chính chỉ ra thực tế là nhiều dự án lớn, giá trị cao hiện nằm ở ngoại ô Hà Nội đều thuộc về các đại tập đoàn bất động sản, và nói thêm:

“Việc này sẽ đụng chạm đến rất nhiều đại gia, trong đó có Vingroup, Ecopark, Ciputra…, các đại đô thị của những người rất là giàu. Các đại gia bất động sản đấy có tiếng nói rất lớn, có ảnh hưởng chính trị. Khi có các trạm này, việc bán nhà bán đất ở các khu đó sẽ khó hơn, nên kiểu gì họ cũng tìm cách ngăn cản”.

Ông Chính cho rằng các chiến thuật của các đại gia bất động sản có thể là vận động hành lang, hoặc dùng báo chí và mạng xã hội để tác động vì sự phản đối của giới trùm bất động sản trong vấn đề này lại trùng với quan điểm của người dân.

Như VOA đã đưa tin hôm 27/10, Sở Giao thông-Vận tải Hà Nội loan báo họ đã xây dựng xong phương án chi khoảng 2.500 tỉ đồng để lập 87 trạm thu phí xe cộ đi vào nội thành, và thông báo này nhanh chóng dẫn đến nhiều phản đối trong dư luận.

Nói trong cuộc phỏng vấn với VOA hôm 1/11, kiến trúc sư Dương Quốc Chính, một cư dân ở Hà Nội và cũng là một nhà bình luận chính trị-xã hội có nhiều ảnh hưởng trên Facebook, nhận định rằng ngoài sự phản đối từ các đại gia bất động sản mà ông cho là có tính quyết định nhất, dự án lập trạm thu phí xe vào nội đô của Hà Nội “khó triển khai trong vòng 5 năm tới” vì 3 vấn đề nữa.

Thứ nhất, do thiếu các tuyến tàu điện ngầm (metro) hoặc tàu điện trên cao, người dân không có phương tiện đi lại thay thế nên họ sẽ không chấp nhận.

Điều ông Chính nêu ra hoàn toàn có cơ sở khi một trang tin trong nước, Vietnambiz, tường thuật hôm 1/11 rằng Hà Nội giờ đây tính thu phí nội đô song nhìn lại hệ thống giao thông công cộng của thành phố, hiện chỉ có hệ thống xe buýt, “đường sắt đô thị chưa có tuyến nào vận hành và nhiều tuyến có thời gian hoàn thành khá xa - sau năm 2030”.

Thứ hai, vẫn theo ông Chính, việc đặt các trạm thu phí mới một cách dày đặc làm tăng nguy cơ ùn tắc ở các cửa ngõ.

Đáng chú ý hơn cả là vấn đề thứ ba, khi lập các trạm thu phí xe vào nội đô, có thể phần nào hạn chế xe cộ đi vào và giảm ùn tắc trong nội đô lúc ban đầu, nhưng về lâu dài những người dân đang sống tại các đô thị vệ tinh ở ngoại ô sẽ có xu hướng đi vào nội đô để sống nhằm tránh phải trả phí.

“Giảm được mật độ xe từ ngoài vào nhưng lại có nguy cơ tăng mật độ dân số trong nội đô, thành ra cũng không chắc chắn lắm là tương lai có sẽ giảm [ùn tắc, ô nhiễm] được nhiều hay không”, kiến trúc sư Chính nói.

Nguy cơ thất bại của dự án này cũng được báo chí quốc doanh bàn đến. Báo Lao Động hôm 1/11 tổng hợp nhiều ý kiến bạn đọc cho rằng “nếu đề án thu phí xe vào nội đô không được tính toán có thể phá sản”.

Các ý kiến bạn đọc dẫn ra các ví dụ thất bại khác để cảnh báo về tương lai không sáng sủa của dự án được đề xuất, chẳng hạn như một tuyến xe buýt nhanh sau 5 năm hoạt động không cho thấy đạt được mục tiêu thay thế xe cá nhân và giảm ùn tắc; tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông bị đội vốn đầu tư, lãng phí; hay như các dự án đường vành đai vẫn đang dang dở…

Có bạn đọc của Lao Động cảnh báo rằng dự định thu phí 100.000 đồng/lượt đối với người ở ngoại thành đi làm trong nội đô sẽ làm cho người dân “không thể chịu nổi”.

Theo quan sát của VOA, phản ứng về dự án thu phí, trong những ngày qua, hàng nghìn người sử dụng những lời lẽ nặng nề để nói về nó như “kinh tởm”, “dã man”, “khốn nạn”, “bóc lột”, “cướp cạn”, “coi dân là vịt để vặt lông”...