Ảnh hưởng sẽ ra sao nếu Hy Lạp rời khối euro

Nếu rời khối euro, Hy Lạp sẽ trở lại sử dụng đồng drachma trước đây, và các nhà phân tích nói đơn vị tiền tệ này sẽ bị giảm giá đáng kể so với đồng euro, làm cho hàng hóa nhập khẩu đắt đỏ hơn

Kinh tế Hy Lạp chỉ chiếm khoảng 2% của toàn thể nền kinh tế 17 quốc gia sử dụng đồng euro nhưng nếu Athens ra khỏi khu vực đồng euro, hậu quả có thể cảm nhận được trên toàn thế giới.

Chưa có quốc gia nào ra khỏi khu vực đồng euro trong 13 năm hiện hữu, nhưng các nhà lãnh đạo châu Âu và các nhà phân tách tài chánh hiện nay công khai đồn đoán là Hy Lạp có thể là quốc gia đầu tiên làm việc này.

Sau một cuộc bầu cử với kết quả manh mún đầu tháng này, các đảng phái chính trị Hy Lạp không thể thành lập được một chính phủ liên hiệp, khiến đưa đến một cuộc bầu cử Quốc hội mới vào giữa tháng Sáu.

Tuy nhiên vấn đề mấu chốt trong tình trạng chính trị sa lầy này — liệu Hy Lạp có tuân thủ những cam kết của một kế hoạch chi tiêu tiết kiệm mạnh để đổi lấy hàng tỉ đô la tiền cứu nguy mới của quốc tế hay không — đã mở ngỏ cho khả năng là Athens có thể không thi hành được những nghĩa vụ tài chánh to lớn của nước này.

Với lo ngại này, công ty Fitch xếp hạng mức độ khả tín về tài chính hôm thứ Năm lại một lần nữa hạ thấp mức khả tín của Hy Lạp.

Nếu Hy Lạp ra khỏi khu vực đồng euro hay bị loại trừ khỏi khối này — sự mất mát về tài chánh của các chính phủ châu Âu và các ngân hàng cho Hy Lạp vay nợ có thể gây choáng váng — gần 1.300 tỉ đô la, theo sự phỏng đoán của các chuyên gia ngân hàng quốc tế.

Những nhà phân tích khác nói việc Hy Lạp không trả được nợ cũng có thể tàn phá viễn ảnh kinh tế của những chính phủ mắc nợ lớn hơn nhiều tại Ý và Tây Ban Nha cũng như dẫn đến rối loạn trên thị trường tài chánh thế giới.

Các chuyên gia phân tách này nói tai họa có thể ngang hàng với ảnh hưởng của sự sụp đổ vào năm 2008 của đế chế đầu tư Lehman Brothers ở New York dẫn đến tình trạng suy thoái nghiêm trọng của kinh tế toàn cầu.

Người đứng đầu Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế Christine Lagarde, trong tuần này từ chối đưa ra nhận định về chuyện gì gây tai hoạ nhiều hơn — việc Hy Lạp ra khỏi khu vực đồng euro hay là hàng tỉ đô la đã chi tiêu để vực dậy nền tài chánh của chính phủ đầy nợ này.

Tuy nhiên bà nói tại cuộc phỏng vấn của một đài truyền hình Hà Lan là việc Hy Lạp rút ra khỏi khu vực đồng euro chắc chắn sẽ gây thiệt hại rất nhiều.

Bà Lagarde phản ánh cảm nghĩ của nhiều nhà lãnh đạo châu Âu, nói rằng giải pháp tốt nhất là Hy Lạp tuân thủ các thỏa thuận về kế hoạch tiết kiệm cắt giảm chi tiêu và trả nợ trong những năm tới.

Tuy nhiên dân chúng Hy Lạp đã rộng rãi lên tiếng bày tỏ bất bình mạnh mẽ về những biện pháp tiết kiệm kêu gọi cắt bỏ hàng ngàn việc làm trong chính phủ, giảm bớt hưu bổng và giảm bớt chi tiêu cho những chương trình xã hội. Những cuộc biểu tình trên đường phố - đôi khi bạo động — đã thường xuyên xảy ra.

Các nhà lãnh đạo Hy Lạp nói những người có tài khoản trong ngân hàng đã rút hàng trăm triệu euro từ các ngân hàng Hy Lạp và gởi tiền ra nước ngoài.

Các cuộc thăm dò chính trị tại Hy Lạp cho thấy lãnh tụ Syriza, ông Alexis Tsipras được sự ủng hộ ngày càng tăng. Ông Tsipras kêu gọi bác bỏ những điều kiện của việc cứu nguy. Ông nói đảng ông sẽ không nhượng bộ những đòi hỏi từ bất cứ nơi nào của châu Âu để ủng hộ những biện pháp thắt lưng buộc bụng cắt giảm mạnh.

Nếu Hy Lạp rời khu vực đồng euro thì Hy Lạp sẽ chấp nhận trở lại đồng drachma cũ. Tuy nhiên các nhà phân tích nói đơn vị tiền tệ này sẽ bị giảm giá đáng kể so với đồng euro, làm cho hàng hóa nhập khẩu vào nước này đắt đỏ hơn trong khi những chuyến nghỉ hè của người nước ngoài đến Hy Lạp rẻ hơn nhiều.

Tuy nhiên có lẽ mối lo âu lớn nhất của Hy Lạp là nếu không trả nợ, giới cho vay bên ngoài sẽ không cho Hy Lạp vay tiền thêm nữa, hay ít nhất sẽ áp đặt lãi suất thật cao đối với những khoản vay mới. Hy Lạp lúc đó sẽ bị cô lập hơn vào lúc quốc gia này nỗ lực lấy lại thế đứng trong cộng đồng thế giới.