Nga hôm 11/8 trở thành quốc gia đầu tiên chấp thuận vắc-xin ngăn ngừa virus corona, một quyết định đã vấp phải sự hoài nghi và lo lắng trong giới y khoa vì loại vắc-xin này mới chỉ được thử nghiệm trên người ở quy mô nhỏ trong thời gian dưới hai tháng, thiếu dữ liệu thử nghiệm đầy đủ.
Dù các quan chức Nga cho biết việc sản xuất quy mô lớn chưa được lên kế hoạch cho đến tháng 9, nhưng Phó Thủ tướng Tatyana Golikova loan báo việc tiêm chủng cho các bác sĩ có thể bắt đầu sớm nhất là trong tháng này và nhóm này sẽ được giám sát chặt chẽ sau khi tiêm. Việc tiêm chủng đại trà có thể bắt đầu sớm nhất là vào tháng 10.
Vắc-xin do Viện Gamaleya ở Moscow bào chế với sự hỗ trợ của Bộ Quốc phòng Nga sử dụng một loại virus khác - virus adenovirus gây bệnh cảm lạnh thông thường - đã được cải biến để mang gene tạo nên protein bao phủ như virus corona, như một cách để giúp cơ thể nhận biết nếu có nhiễm COVID-19.
Đó là một công nghệ tương tự như vắc-xin đang được bào chế bởi CanSino Biologics của Trung Quốc hay của Đại học Oxford bên Anh và AstraZeneca — nhưng không giống các công ty đó, các nhà khoa học Nga chưa công bố bất kì thông tin khoa học nào về sự công hiệu của vắc-xin trong các cuộc thử nghiệm trên động vật hoặc trong các nghiên cứu ở người giai đoạn đầu.
“Việc chấp thuận nhanh chóng sẽ không khiến Nga trở thành nước dẫn đầu trong cuộc đua mà chỉ khiến người dùng vắc-xin gặp nguy hiểm không đáng có,” Hiệp hội Các Tổ chức Thử nghiệm Lâm sàng của Nga cho biết, trong khi kêu gọi các quan chức chính phủ hoãn việc chấp thuận vắc-xin nếu chưa hoàn thành các thử nghiệm sâu rộng hơn.
Để so sánh, các loại vắc-xin tiến vào giai đoạn thử nghiệm cuối cùng ở Mỹ đòi hỏi nghiên cứu phải được thực hiện trên 30.000 người. Hai vắc-xin tiềm năng đã bắt đầu được đưa vào các cuộc nghiên cứu khổng lồ đó, với ba nghiên cứu nữa sẽ được tiến hành vào mùa thu.
Bác sĩ Nguyễn Đông Châu, người theo sát các thông tin COVID và thường phổ biến kiến thức về sức khoẻ-y tế cộng đồng trên truyền thông Việt ngữ tại Mỹ hiện đang làm việc tại bệnh viện Houston Methodist ở bang Texas, bày tỏ lo ngại về điều mà ông nói là Nga đã “đi tắt” trong quy trình thử nghiệm mà lẽ ra phải trải qua ba giai đoạn. Sự mập mờ về dữ liệu và thông tin cũng khơi lên nhiều nghi vấn, ông nói.
“Vắc-xin của Gamaleya chỉ qua giai đoạn thứ nhì thôi. Theo những gì mà giới khoa học đã biết thì chỉ có 76 người tham gia thử nghiệm nhưng phía Nga cũng không công bố chi tiết,” ông giải thích.
“Họ nói vaccine có thể giúp tạo ra kháng thể nhưng mà cũng không biết là bao nhiêu vì mình muốn ít nhất là phải 50%. Thứ nhì là trong vòng bao lâu mới có kháng thể kể từ khi chích vô, thường là từ 30-60 ngày như chích ngừa bệnh cúm. Thứ ba là kháng thể tồn tại trong cơ thể được bao lâu. Một tháng sau, hai tháng sau mà mất thì vắc-xin cũng không giúp ích gì.”
“Ai muốn chích ngừa đầu tiên thì không ai muốn hết, nói thật như vậy,” bác sĩ Châu nhận định. “Chẳng thà mình đợi còn hơn là chích thuốc vô mà không biết phản ứng phụ như thế nào, không biết ích lợi như thế nào. Cái đó rất là nguy hiểm.”
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến cáo rằng tất cả các vắc-xin tiềm năng phải trải qua các giai đoạn thử nghiệm đầy đủ trước khi được tung ra thị trường. WHO hôm 11/8 cho biết họ đang liên lạc với các nhà khoa học Nga và "mong được xem xét" dữ liệu nghiên cứu của Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết một trong hai người con gái trưởng thành của ông đã được tiêm vắc-xin này. Ông nói vắc-xin đã trải qua các thử nghiệm cần thiết và được chứng tỏ là có cung cấp khả năng miễn dịch lâu dài đối với virus corona, dù các nhà chức trách Nga không đưa ra bằng chứng nào chứng minh các tuyên bố về tính an toàn hoặc hiệu quả.
Bác sĩ Lê Đình Khôi thuộc hệ thống bệnh viện MedStar Washington, người tham gia chữa trị những ca Covid nặng tại khu vực thủ đô Hoa Kỳ, nói việc thử nghiệm kéo dài và tiến hành trên quy mô lớn sẽ giúp phát hiện những tác hại nhỏ ở nhiều đối tượng khác nhau vốn không dễ thấy trong các cuộc thử nghiệm với ít người tham gia. Vì vậy thử nghiệm giai đoạn 3 là “rất quan trọng” để xác định độ an toàn và công hiệu của vắc-xin, ông nói.
“Khi vào ngành y khoa, nguyên tắc đầu tiên mà người ta dạy cho chúng tôi là ‘Do no harm,’ nghĩa là cho bệnh nhân thuốc là một chuyện nhưng cần nhất là không gây hại cho bệnh nhân,” ông nói. “Vắc-xin này đã bỏ qua những thử nghiệm lâm sàng và đó là điều làm chúng tôi lo lắng.”
Giới chức hàng đầu về các bệnh truyền nhiễm của Mỹ, bác sĩ Anthony Fauci, nói ông nghi rằng Nga chưa chứng minh được vaccine chống COVID mà họ vừa chuẩn thuận là an toàn và hiệu nghiệm.
“Có vaccine …và chứng tỏ vaccine đó an toàn và hiệu nghiệm là hai chuyện khác nhau,” ông Fauci nói trong cuộc phỏng vấn độc quyền với kênh National Geographic. “Tôi hy vọng là phía Nga đã thật sự minh xác được rằng vaccine đó là an toàn hiệu quả, nhưng tôi chưa nghe bất cứ bằng chứng nào về việc đó. Tôi hết sức nghi ngờ là họ đã làm việc ấy.”
Giám đốc Viện Gamaleya, Alexander Gintsburg, hồi tháng 5 gây ngạc nhiên khi tuyên bố rằng ông và các nhà nghiên cứu khác đã tự thử vắc-xin trên cơ thể của họ trước khi bắt đầu nghiên cứu trên người.
Giám đốc Viện Gamaleya, Alexander Gintsburg, hồi tháng 5 gây ngạc nhiên khi tuyên bố rằng ông và các nhà nghiên cứu khác đã tự thử vắc-xin trên cơ thể của họ trước khi bắt đầu nghiên cứu trên người.
Những thử nghiệm trên người mà ông Gintsburg nói khởi sự hôm 17/6, với 76 tình nguyện viên. Một nửa được tiêm vắc-xin ở dạng lỏng và nửa còn lại dưới dạng bột hòa tan, theo AP. Một số người trong nhóm đầu tiên được tuyển chọn từ quân đội, dấy lên lo ngại rằng các quân nhân có thể đã bị ép buộc tham gia. Thử nghiệm được tuyên bố đã hoàn thành vào đầu tháng này.
“Còn quá sớm để đánh giá thực sự liệu nó có công hiệu hay không, liệu nó có tác dụng gì hay không,” bác sĩ Michael Head, nhà nghiên cứu cao cấp về y tế toàn cầu tại Đại học Southampton của Anh, được AP dẫn lời nói.
Hãng tin này cho biết đây không phải là loại vắc xin gây tranh cãi đầu tiên của Nga. Ông Putin từng khoe rằng các nhà khoa học Nga đã cung cấp một loại vắc-xin Ebola "được chứng tỏ là hữu hiệu nhất trên thế giới" và "đóng góp thực sự vào công cuộc chống lại dịch sốt Ebola ở Châu Phi."
Tuy nhiên có rất ít bằng chứng cho thấy cả hai loại vắc-xin Ebola được chấp thuận ở Nga đã được sử dụng rộng rãi ở Châu Phi. Kể từ năm 2019, cả hai loại vắc-xin này đều được WHO liệt kê là “vắc-xin tiềm năng.”